Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội: Nhiều vấn đề cần điều chỉnh

Chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội: Nhiều vấn đề cần điều chỉnh
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 04 của HĐND TP Hà Nội về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016 đã trở thành động lực lớn giúp các địa phương đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, bên cạnh một số chính sách phát huy hiệu quả, vẫn còn nhiều chính sách bộc lộ những bất cập cần sớm được điều chỉnh để phát huy hiệu quả.

Khó đi vào cuộc sống

Căn cứ Nghị quyết số 04 của HĐND thành phố, ngày 6-7-2012, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 16 với 6 nội dung, lĩnh vực hỗ trợ gồm: Dồn điền đổi thửa (DĐĐT); sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản giống, nông sản; đầu tư cơ sở vật chất giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp và chính sách kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn NTM. Trong số các quy định trên thì chính sách về việc DĐĐT và kiên cố hóa đường giao thông thôn, xóm đạt chuẩn NTM được nhân dân đồng tình, ủng hộ và đã đạt được nhiều kết quả. 

 
Cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Thái Hiền
Cơ giới hóa nông nghiệp là một trong những tiêu chí để xây dựng nông thôn mới. 
Ảnh: Thái Hiền


Tuy vậy, Quyết định 16 triển khai trên thực tế vẫn còn một số điều chưa sát với thực tế nên khó đi vào cuộc sống. Theo điều 8 về chính sách đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Quyết định 16 thì ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT trong thời hạn 3 năm để người dân mua máy móc. Tuy nhiên, chính sách này đã không phát huy được hiệu quả. Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Lê Văn Sang cho rằng, chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo phương thức hỗ trợ sau đầu tư (cụ thể là hỗ trợ bằng mức lãi suất ngân hàng) đang vướng do thủ tục của ngân hàng phức tạp, người dân lại không có tài sản thế chấp nên khó vay vốn. "Người nông dân vốn ít hiểu biết, trong khi hồ sơ thủ tục vay khá phức tạp. Ngay đến cán bộ làm còn khó nói gì đến nông dân" - ông Sang nhấn mạnh. Trong khi đó, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hoàng Thanh Vân, tổng công suất cơ giới hóa nông nghiệp toàn thành phố nói chung hiện chỉ đạt 0,82 mã lực/ha, thấp hơn bình quân chung cả nước (1,2 mã lực/ha). Thực hiện chính sách hỗ trợ theo Quyết định 16 của thành phố, Sở NN&PTNT đã triển khai hướng dẫn nhưng đến nay chưa có đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào đăng ký để được hỗ trợ lãi suất. 

Bài học thành công của huyện Phú Xuyên

Trong khi chính sách hỗ trợ cơ giới hóa của thành phố không đi vào cuộc sống thì ở huyện Phú Xuyên cơ chế hỗ trợ của huyện lại đạt kết quả. Chủ tịch UBND huyện Chu Phú Mỹ chia sẻ kinh nghiệm: Do yêu cầu cấp thiết đẩy nhanh cơ giới hóa nên huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân mua máy cấy: Huyện hỗ trợ 45 triệu đồng/máy; xã hỗ trợ 15 triệu đồng/máy; HTX nông nghiệp hỗ trợ 10 triệu đồng/máy… Nhờ đó, tốc độ cơ giới hóa trên địa bàn huyện đã được đẩy nhanh. Đến nay, toàn huyện đã có 112 máy làm đất MTZ50 30 mã lực, 2.014 máy bông sen 12 mã lực, 1.438 máy bơm nước loại nhỏ, 528 máy tuốt lúa, 14 máy gặt và 64 máy cấy… 

Tại các buổi làm việc của đoàn giám sát HĐND thành phố về việc thực hiện Nghị quyết số 03, 04 tại các địa phương mới đây, nhiều huyện đã kiến nghị thành phố nên hỗ trợ trực tiếp 100% lãi suất bằng lãi suất vay ngân hàng 3 năm tiền mua máy cho các đối tượng được hưởng chính sách khuyến khích theo Quyết định 16 hoặc cho vay bằng tiền mua máy có lãi suất thấp từ Trung tâm Khuyến nông thành phố có thủ tục đơn giản, nhanh gọn hơn. Triển khai Quyết định số 16, nhiều huyện, thị cũng đã đề nghị thành phố điều chỉnh một số cơ chế, chính sách như: Có cơ chế tạm ứng vốn, cấp vốn trước cho các địa phương triển khai các chương trình, dự án như kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng… thay vì hình thức nhận hỗ trợ sau như hiện nay. Đối với hỗ trợ đầu tư hệ thống giao thông, kênh mương nội đồng đang theo cơ chế Nhà nước hỗ trợ 70% giá trị, nhân dân đóng góp 30%, đại diện huyện Mê Linh đề nghị thành phố nâng mức hỗ trợ theo mức 90% ngân sách nhà nước, 10% vốn góp của nhân dân.

Tại buổi làm việc giữa HĐND thành phố với UBND thành phố thông báo về kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 03 và 04, Sở NN&PTNT đã kiến nghị thành phố điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế. Hiện Sở NN&PTNT và Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tham mưu để UBND thành phố ban hành Quyết định số 10/2013/QĐ-UBND ngày 11-3-2013, sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn Hà Nội giai đoạn 2012-2016. Sở NN&PTNT cũng kiến nghị cho phép xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp để báo cáo HĐND thành phố vào cuối năm 2013 trong đó có một số nội dung kiến nghị sửa đổi Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND theo hướng bổ sung phương thức hỗ trợ đối với chính sách khuyến khích đầu tư thực hiện cơ giới hóa; thực hiện cơ chế tạm ứng vốn đầu tư đối với các dự án xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; bổ sung cho Quỹ Khuyến nông 200 tỷ đồng để cho nông dân vay mua máy phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp...