Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Thực trạng và một số kiến nghị

Trong bối cảnh khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu, để hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa duy trì sản xuất và tạo công ăn việc làm cho người lao động, Việt Nam đã kịp thời ban hành nhiều cơ chế về chính sách tài chính hỗ trợ cho khu vực này như: Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp tín dụng, Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, mặt bằng sản xuất, phát triển nguồn nhân lực…
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay

Tín dụng ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong những năm qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thực hiện các biện pháp điều chỉnh chính sách tiền tệ để kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng theo hướng tập trung phục vụ các nhu cầu vốn đối với các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Lãi suất huy động đã giảm liên tục 5 lần từ năm 2013, đã đi vào ổn định và hiện nay ở mức tương đối thấp (6%/năm). Lãi suất cho vay giảm khoảng 6- 8% so với năm 2012, trong đó tập trung chủ yếu đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ ở mức 11-13%, ở các lĩnh vực khác 14-17%/năm.

Theo Hiệp hội DNNVV Việt Nam, đến tháng 9/2015, tỷ trọng dư nợ khu vực DNNVV ở mức 987.808 tỷ đồng trên tổng số dư nợ 3,9 triệu tỷ đồng, chiếm 27% tổng dư nợ. Tốc độ tăng trưởng khu vực DNNVV đạt mức 2,2% so với năm 2014 với gần 90% vay bằng nội tệ, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 5% và vẫn có xu hướng tăng.

Tỷ lệ DNNVV được bảo lãnh cho vay rất thấp, tỷ lệ rủi ro về bảo lãnh cao, tỷ lệ từ chối trả thay cũng cao, bình quân của hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam hiện nay: Tỷ lệ rủi ro bảo lãnh chiếm 26,9% và tỷ lệ từ chối trả thay từ ngân hàng chiếm hơn 18,6%.

Tuy nhiên, thực tế DNNVV vẫn rất thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Dù lãi suất đã giảm, nhưng việc tiếp cận mức lãi suất thấp còn khó khăn, phần lớn doanh nghiệp vẫn phải chi trả lãi suất cao hơn mức niêm yết của các ngân hàng.

Ngay cả khi tiếp cận được vốn vay lãi suất cao, thời gian vay vốn ngắn khiến các doanh nghiệp khó quay vòng. Theo báo cáo của Hiệp hội DNNVV Việt Nam, năm 2015 chỉ có khoảng gần 40% doanh nghiệp vay vốn được từ các ngân hàng, nhưng phần lớn ở mức lãi suất cao.

Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn

Tính đến hết năm 2015 đã có 171 chứng thư còn hiệu lực với giá trị vốn cam kết bảo lãnh 2.641 tỷ đồng, dư nợ vay ngân hàng thương mại (NHTM) 1.729 tỷ đồng. Lũy kế số tiền đã trả cho NHTM 168 tỷ đồng và dư nợ bắt buộc 162 tỷ đồng.

Qua hơn 5 năm thực hiện cho thấy, mặc dù doanh nghiệp có nhu cầu lớn bảo lãnh tín dụng nhưng Ngân hàng Phát triển Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai nghiệp vụ này. Điển hình như:

Thứ nhất, quy mô của quỹ dự phòng rất nhỏ và đang giảm dần. Sau 05 năm hoạt động, quỹ đã chi hết 84% số vốn được cấp ban đầu và mặc dù đã được bổ sung nhưng số vốn hiện nay chưa bằng một nửa số vốn ban đầu.

Việc thu hồi nợ bắt buộc rất thấp (31,2% nợ phải thu) do không xử lý được tài sản đảm bảo. Nguồn vốn dự phòng được cấp giảm đi nhanh chóng, do các quy định còn thiếu chi tiết và chặt chẽ, chưa điều chỉnh đầy đủ các trường hợp nảy sinh trong thực tế nên việc triển khai còn nhiều vướng mắc.

Thứ hai, mức bảo lãnh tối đa 100% là quá cao, không khuyến khích NHTM cùng chia sẻ rủi ro, ngân hàng thận trọng hơn trong việc thẩm định và cho vay dự án. Trong quy chế không quy định cụ thể các trường hợp trên bảo lãnh có quyền từ chối nghĩa vụ bảo lãnh. Vì vậy, trên thực tế trường hợp Ngân hàng Phát triển Việt Nam bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh vô điều kiện, kể cả khi bên vay không thực hiện đúng nghĩa vụ về sử dụng vốn trong hợp đồng.

Quỹ Bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các địa phương

Tính đến nay, cả nước có 10 địa phương thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng, nhưng chỉ có một số quỹ hoạt động hiệu quả ở Vĩnh Phúc, TP. Hồ Chí Minh... Sau 10 năm triển khai thực hiện, việc hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính cho DNNVV thông qua mô hình này hiệu quả chưa cao, còn gặp nhiều khó khăn trong huy động các nguồn vốn, vướng mắc trong thành lập, tổ chức và điều hành quỹ.

Hầu hết chính quyền các địa phương đều nhận thấy việc thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV là cần thiết, nhưng gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách. Nguyên nhân là do, vốn rất nhỏ và ngân sách địa phương phải đóng góp tối thiểu 30% vốn điều lệ là rất khó, nhất là địa phương nghèo có nhiều DNNVV cần bảo lãnh, khó có đủ điều kiện thực hiện; tổ chức bộ máy và nhân sự làm nghiệp vụ bảo lãnh hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

Để hỗ trợ tài chính cho khu vực này, hầu hết các quốc gia đều có Quỹ Phát triển DNNVV. Đây là một nguồn vốn quan trọng giúp các DN khởi nghiệp. Tại Việt Nam, việc thành lập Quỹ Hỗ trợ Phát triển DNNVV đã được đặt ra từ 14 năm trước. Chính phủ đã ban hành Nghị định 56/2009/NĐ-CP ngày 30/6/2009 về trợ giúp phát triển DNNVV cùng một số các quy định khác về thành lập Quỹ Phát triển DNNVV nhưng đến thời điểm này quỹ vẫn chưa đi vào hoạt động.

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt khó, hội nhập hiệu quả

Từ thực tế trên, bài viết đưa ra một số kiến nghị về chính sách tài chính nhằm hỗ trợ các DNNVV vượt qua khó khăn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thứ nhất, ngoài việc giảm lãi suất huy động trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay hoặc có thể thay đổi danh mục tài sản đảm bảo dưới hình thức cho thuê tài chính, tài trợ khoản vay thu, thậm chí cho vay không có tài sản đảm bảo trong thời gian trước mắt để giải quyết những khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần minh bạch trong thủ tục và quyết định cho vay đối với DNNVV.

Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích NHTM thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV và tăng mức dư nợ cho loại hình DN này, nhằm tạo điều kiện cho các DNNVV tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước nên khuyến khích các NHTM kết hợp với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng bằng cách đề ra các chính sách thích hợp. Khi NHTM cho DNNVV vay thì rủi ro đã gần như bằng không (do các quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay đều thuộc sở hữu của nhà nước).

Do đó, nên khuyến khích các NHTM kết hợp với các Quỹ Bảo lãnh tín dụng bằng cách không bắt các ngân hàng trích lập dự phòng khi cho những DN đã được bảo lãnh vay, hoặc có những ưu đãi khi tính doanh số cho vay loại hình DN này vào tăng trưởng tín dụng... nhằm khuyến khích các NHTM giảm lãi suất cho vay đối với loại hình này và chủ động hơn trong việc hợp tác với các quỹ bảo lãnh.

Thứ tư, mặc dù nước ta đã có 10 Quỹ Bảo lãnh tín dụng nhưng trên thực tế các quỹ này hoạt động không thực sự hiệu quả, không đáp ứng được kỳ vọng của các DNNVV là do sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quy trình cho vay và bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng... Đồng thời, quy định bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng không khác ngân hàng khi yêu cầu DNNVV phải có phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, có tài sản bảo đảm, nếu không sẽ bị “loại ngay từ vòng đầu”.

Thứ năm, trong mấy năm gần đây, Chính phủ cũng đưa ra các gói hỗ trợ lãi suất lần lượt là 4% và 2% đã giúp cho DNNVV tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, vượt qua phần nào khó khăn. Nhà nước nên tiếp tục có gói hỗ trợ để giúp các DN này vượt qua khó khăn, nhất là các DN trong lĩnh vực bất động sản.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 193/2001/QĐ- TTg, ngày 20/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DNNVV;

2. Nghị định số 56/2009/NĐ-CP ngày 30/06/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV.

3. Website: http://www.vinasme.com.vn/.

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2016