Chính sách tín dụng: “Điểm sáng” của hành trình giảm nghèo bền vững

Chính sách tín dụng: “Điểm sáng” của hành trình giảm nghèo bền vững
“Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo”
1.jpg
Từ nguồn vốn tín dụng chính sách, gia đình chị Chu Thị Thiện ở thôn Ninh Động, xã Ninh Sơn (Việt Yên - Bắc Giang) đầu tư mua 2 con bò sinh sản, cải tạo 3 sào vườn trồng bưởi, nhãn... Bình quân thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm, nhờ đó, gia đình chị đã trả được hết nợ vay ban đầu và vươn lên thoát nghèo.

“Chính sách tín dụng cho hộ nghèo là một trong những “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo”, nhận định của Quốc hội và Chính phủ cũng như xã hội càng thêm minh chứng cho sự đóng góp vào hành trình giảm nghèo bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Kiến tạo giá trị mới

Không chỉ nỗ lực tròn vai thực hiện ủy thác vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng, quản lý và bảo toàn tốt nguồn vốn Nhà nước, mà hơn thế, từ sự thấu hiểu cuộc sống của người dân, NHCSXH đã góp phần cùng Chính phủ kiến tạo những giá trị mới cho chính sách tín dụng từ việc hoàn thiện hệ thống chính sách, khơi dậy những nguồn lực mới, đặc biệt là định hướng dòng vốn vào các mô hình phát triển kinh tế có tác động lan tỏa sâu rộng, giúp người dân đi nhanh hơn để không chỉ không bị lùi lại phía sau mà rút ngắn khoảng cách hội nhập kinh tế phía trước.

Cuốn Sổ vay vốn NHCSXH của bà Nguyễn Thị Kim ở phường Đức Thuận (TX. Hồng Lĩnh - Hà Tĩnh) chỉ còn trang cuối cùng còn trắng. Hơn 10 năm vay vốn chính sách, sổ vay đã kín đặc các chương trình: hộ nghèo, hộ cận nghèo, giải quyết việc làm, NS&VSMTNT, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn. Riêng chương trình cho vay HSSV có tới 3 lần vay cho 3 con học đại học với số tiền lên tới trên 100 triệu đồng.

Hiện không còn là hộ nghèo, song nợ phải trả NHCSXH chương trình vay HSSV còn 78 triệu đồng, hộ nghèo còn 30 triệu đồng, cho thấy con đường thoát nghèo của gia đình bà những năm qua là cả quá trình chật vật. Đấy là còn có vốn vay nuôi con gà, con lợn, có đồng ra đồng vào. Nếu không có nguồn vốn, gia đình bà cũng chẳng thể tưởng tượng nổi sẽ xoay sở thế nào để nuôi được 7 người con chỉ với 7 sào ruộng.

Bà Kim khẳng định, nếu không có nguồn vốn vay giúp sức, chỉ có cậu con trai đầu được đi học đại học, còn các con sau cũng như 3 chị gái trước, chỉ hết cấp 3 rồi nghỉ học, phụ giúp cha mẹ lo cuộc sống hàng ngày.

“Qua cơn bĩ cực”, dù chưa tới hồi thái lai, song từ năm 2015 đến nay, khi các con ra trường, có việc làm, đã giúp bà trả nợ dần ngân hàng, nuôi cô con gái út học đại học và sửa sang căn nhà che mưa nắng lúc tuổi già. Con cái dần trưởng thành, cuộc sống nghèo của khó gia đình bà từ đây cũng chấm dứt.

Có thể thấy, 17 năm hoạt động, tín dụng chính sách xã hội phát triển theo cả bề rộng và chiều sâu với hơn 20 chương trình đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc, trong đó tập trung ưu tiên cho vay khu vực đồng bào DTTS và miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Đi theo đồng vốn, những mô hình kinh tế năng động mà NHCSXH đang truyền dẫn, thắp lửa trong cộng đồng đã và đang góp phần đưa kết nối hộ nghèo và các đối tượng chính sách vào các chuỗi sản xuất lớn có giá trị gia tăng cao hơn. Đây cũng là hướng đi mà NHCSXH cùng các địa phương đang xây dựng để nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trong những năm tới.

Bứt phá, lan tỏa rộng hơn

Hiệu quả của các chương trình tín dụng chính sách sẽ không chỉ gia tăng tỷ lệ thuận theo con số tăng trưởng tín dụng mà hứa hẹn những bứt phá mới và lan tỏa rộng hơn từ tư duy và cách làm của NHCSXH, chính quyền, tổ chức hội, đoàn thể các cấp và của chính người nghèo.

Đơn cử như vấn đề tạo nguồn vốn cho vay hộ nghèo và tín dụng chính sách giờ đã có sự tham gia tích cực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp ủy thác vốn qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách, hoặc cho vay theo dự án riêng của địa phương.

Tính đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH đạt 14.618 tỷ đồng. Thậm chí, chính quyền cấp xã cũng quan tâm chuyển nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách sách trên địa bàn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng cho biết: “Trong quá trình tổ chức thực hiện,  nhiều mô hình, sáng kiến giảm nghèo được hình thành và nhân rộng, nhiều gương điển hình vươn lên như tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo trở thành “điểm sáng” trong cả nước, điều đặc biệt là, hình thành tính “tiền phong, lan tỏa” ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Chẽ, Bình Liêu (Quảng Ninh); Con Cuông, Tân Kỳ (Nghệ An). Điều này chứng tỏ các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội đã thực sự phát huy tác dụng, có hiệu quả, là điểm tựa để khơi dậy ý chí vươn lên của chính người nghèo, trong đó phải kể đến chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo trong những năm qua đã trở thành chính sách trụ cột trong hệ thống chính sách giảm nghèo Việt Nam”.


Để thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo, không chỉ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo sự liên kết, thông thương hàng hóa, mà đòi hòi phải có có cơ chế để người nghèo tiếp cận nguồn vốn, tổ chức phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, tạo việc làm, xuất khẩu lao động, hỗ trợ chi phí học tập cho con em hộ nghèo, cải thiện nhà ở, môi trường và nước sinh hoạt… Chỉ thông qua tín dụng chính sách, mới thực sự giúp cho người nghèo cải thiện chất lượng cuộc sống, tiếp cận đầy đủ hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 chuẩn bị kết thúc, từ nay đến 2020, chúng ta phải tập trung vào việc đề xuất, thiết kế Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cho giai đoạn 2021-2025, cũng như xây dựng các tiêu chí để xác định đối tượng hộ nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội, theo hướng hạn chế các chính sách hỗ trợ cho không, tăng chính sách hỗ trợ có điều kiện, có hoàn trả, hỗ trợ tạo điều kiện để thoát nghèo bền vững, trong đó tín dụng ưu đãi là chính sách mang tính nền tảng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục truyền cảm hứng

Nhấn mạnh về việc chuẩn bị tổng kết Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó đề xuất, định hướng khung chương trình giai đoạn tới, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ , Trưởng ban chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG, khẳng định, kết quả giảm nghèo đã đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra, bình quân mỗi năm giảm khoảng 1,55% (tương ứng với trên 300 nghìn hộ nghèo thoát nghèo/năm). 

Đến cuối năm 2018, đã có 8/64 huyện nghèo và 14/30 huyện nghèo (hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a) thoát khỏi tình trạng khó khăn, dự kiến đến cuối năm 2019, có khoảng 20 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; đến nay đã có 44/291 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, dự kiến đến cuối năm 2019 khoảng 90 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; và cũng đã có 121 xã, 1.286 thôn, bản đặc biệt khó khăn hoàn thành mục tiêu Chương trình 135. 

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn các thôn, bản đặc biệt khó khăn, xã nghèo, huyện nghèo đã được cải thiện đáng kể, đời sống người nghèo được nâng lên, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản, nhiều gương điển hình vươn lên thoát nghèo đã được ghi nhận, phong trào viết đơn “xin ra khỏi hộ nghèo” đã lan tỏa rộng khắp trên cả nước.

“Công cuộc giảm nghèo của chúng ta còn tiếp tục trên một chặng đường dài, càng về giai đoạn cuối, lõi nghèo tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, vào các đối tượng khó có khả năng thoát nghèo; bên cạnh đó, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, lũ lụt nên số người nghèo phát sinh ngày càng tăng, điều đó đòi hỏi trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, chính quyền các cấp, các ngành”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng cho biết, đến nay, tín dụng chính sách xã hội đã và đang triển khai thực hiện hơn 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác cho NHCSXH thực hiện. Tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng để phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tiến trình phát triển của họ, theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo rồi đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tạo thành hệ thống chính sách đồng bộ, bao phủ các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững.

Với cách thức hoạt động nghiệp vụ sáng tạo để phục vụ tốt nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH tổ chức gần 11 nghìn Điểm giao dịch tại các xã, phường, thị trấn trong toàn quốc và gần 200 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động tại 100% thôn, ấp, bản, làng.

9 tháng đầu năm 2019, doanh số cho vay của NHCSXH đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động, trong đó hơn 4,8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12 nghìn HSSV vay vốn học tập; xây dựng hơn 1 triệu công trình cung cấp NS&VSMTNT; xây dựng trên 12 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 3 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP...

Đến 30/9/2019, tổng dư nợ đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ.

Theo Thanh Tâm/kinhtenongthon.vn