Chính sách ưu đãi thuế cần đồng bộ
- Thứ tư - 22/11/2017 01:07
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trong dự thảo sửa đổi Luật Quản lý thuế do Bộ Tài chính soạn thảo mới đây, liên quan đến phần chi phí thuế, có ý kiến lưu ý rằng chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN), nhất là với DN FDI, với mục đích ban đầu là hỗ trợ, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng thực tế triển khai thì lại bị lợi dụng nhiều.
Tránh lợi dụng ưu đãi
Trong khi đó, theo Bộ Tài chính, tại Luật Đầu tư và các Luật thuế hiện hành có khá nhiều các quy định về ưu đãi thuế nhằm thu hút đầu tư và hỗ trợ DN đáp ứng các điều kiện ưu đãi về lĩnh vực, địa bàn và lao động…Về bản chất, bộ này cho rằng chi phí thuế là phần thu ngân sách mất đi khi thực hiện các ưu đãi thuế.
Mới đây, trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng văn bản không đưa các nội dung ưu đãi thuế khác so với quy định về thuế đã ban hành.
Trước đó, hồi tháng 6/2017, Thủ tướng Chính phủ từng yêu cầu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế nghiên cứu, báo cáo vấn đề dư luận phản ánh việc Việt Nam áp dụng nhiều hình thức ưu đãi thuế dàn trải, thiếu minh bạch.
Báo cáo nghiên cứu của Oxfam đã chỉ ra rằng mỗi năm, các nước phát triển (bao gồm cả Việt Nam) bị thất thu 100 tỷ USD do hoạt động tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia mà đáng lẽ các DN này phải có trách nhiệm đóng đủ phần thuế của mình, tại những nơi mình có hoạt động kinh doanh.
Gần đây, khi góp ý về đề xuất xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế do Bộ Tài chính soạn thảo, ông Phan Vũ Hoàng, Phó Tổng Giám đốc dịch vụ tư vấn thuế của Deloitte Việt Nam, lưu ý vấn đề bỏ ưu đãi thuế ở mức cao đối với các dự án đầu tư tại khu kinh tế thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội (KTXH) thuận lợi như đề xuất của Bộ Tài chính
Theo ông Hoàng, do sự thành lập khu kinh tế có những đóng góp quan trọng và có tác động to lớn đến sự phát triển KTXH của cả khu vực nên hiện tại, Chính phủ đang dành rất nhiều ưu đãi cho các dự án đầu tư cho các DN thành lập trong khu kinh tế, bao gồm cả mức ưu đãi thuế thu nhập DN hấp dẫn (thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế 4 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo).
Nếu như không áp dụng thuế thu nhập DN đối với dự án đầu tư trong khu kinh tế thuộc địa bàn KTXH thuận lợi, ông Phan Vũ Hoàng cho rằng sẽ không thể hiện đúng tinh thần của Nghị định số 29/2008/2008 của Chính phủ về điều kiện thành lập khu kinh tế là thuộc khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế khu vực (có cảng biển nước sâu hoặc gần sân bay); có điều kiện thuận lợi và nguồn lực để đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Vị lãnh đạo Deloitte Việt Nam đề xuất giữ nguyên mức ưu đãi áp dụng cho dự án trong khu kinh tế thuộc địa bàn có điều kiện KTXH thuận lợi để thống nhất với định hướng phát triển kinh tế của Chính phủ trong việc thành lập các khu kinh tế.
Các DN nội địa mong muốn chính sách ưu đãi thuế cần sự công bằng, đồng bộ và nhất quán
Chờ đồng bộ, nhất quán
Về việc đồng bộ quy định giữa Luật Đầu tư và Luật thuế TNDN liên quan đến điều kiện địa bàn, lĩnh vực ưu đãi, theo giới chuyên gia là vẫn chưa được đề cập tại dự thảo sửa đổi luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 5 luật thuế.
Trên thực tế, hiện nay ở cấp độ Nghị định và Thông tư khi hướng dẫn chi tiết về danh mục lĩnh vực, địa bàn ưu đãi được hưởng ưu đãi thuế TNDN đang có sự mâu thuẫn dễ gây hiểu lầm giữa Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp.
Ví dụ, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đầu tư thay thế Danh mục địa bàn ưu đãi đầu tư được hướng dẫn trong Nghị định 218/2013/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế TNDN.
Theo đó, khu công nghiệp nói chung đã được bổ sung trong danh mục địa bàn khó khăn được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Trong khi đó, theo quy định về thuế TNDN thì chỉ giới hạn các khu công nghiệp tại các địa bàn không thuận mới được hưởng ưu đãi thuế.
Ông Phan Vũ Hoàng cho rằng với mục tiêu đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật (luật Đầu tư và luật thuế TNDN), cần hạn chế các quy định không rõ ràng, gây khó khăn trong việc áp dụng.
Ông Hoàng đề nghị Chính phủ cần quy định danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư để áp dụng nhất quán giữa các văn bản hướng dẫn áp dụng Luật Thuế TNDN và Luật Đầu tư.
Theo luật sư Trần Xoa, Giám đốc công ty Luật TNHH Minh Đăng Quang, từ ngày Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực (ngày 1/7/2015) và ngày Nghị định số 118/2015/NĐ-CP có hiệu lực (ngày 27/12/2015), đến nay, đa số ưu đãi được quy định tại Luật Đầu tư và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 118 các DN vẫn không được cơ quan thuế các cấp cho hưởng các ưu đãi do Luật Đầu tư mang lại.
Luật sư Trần Xoa cho rằng do vướng hướng dẫn tại Thông tư số 83/2016/TT-BTC ngày 17/6/2016 của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính, thông qua thông tư này, chỉ chấp nhận cho DN hưởng ưu đãi những ngành, nghề do Luật thuế TNDN quy định, không cho hưởng ưu đãi những ngành, nghề mới bổ sung tại Luật Đầu tư và quy định tại Nghị định 118, dù Quốc hội đã ban hành luật và Chính phủ đã ban hành nghị định. Điều này cho thấy quyền lực của Bộ Tài chính cực kỳ lớn!
Thế Vinh
Thoibaokinhdoanh.vn