Chính sách về nông thôn: Nhiều nhưng thiếu tính đột phá

Chính sách về nông thôn: Nhiều nhưng thiếu tính đột phá
Việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn có tác dụng tích cực, nhưng chưa yêu cầu thực tiễn.

Nhiều văn bản thì khó thực hiện

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn) thống nhất với nhận định của Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội là hệ thống văn bản, pháp luật, về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn được ban hành tương đối đầy đủ và có thể nói rất nhiều trong vòng 10 năm, đặc biệt là trong giai đoạn 2006 - 2010.

Bên cạnh các nghị quyết của Đảng, Quốc hội riêng Chính phủ đã ban hành tới 237 văn bản bao gồm 8 nghị quyết, 43 nghị định, 134 quyết định, 38 thông tư liên tịch và 14 quyết định của các bộ, cơ quan ngang bộ.

Theo đại biểu, với một rừng văn bản chính sách như vậy, sự trùng lặp không đồng nhất dễ xảy ra gây khó khăn cho công tác thực hiện.

Ví dụ, liên quan đến xây dựng nhà ở cho người dân vùng ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long có tới 5 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc thực hiện xây dựng chương trình nước sạch nông thôn liên quan tới nguồn vốn ở 5 chương trình và quyết định khác nhau.

 

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường

 

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành cho rằng, ngoài sự trùng lặp còn thiếu vắng những chính sách mang tính đột phá cho sự phát triển như chính sách khoa học công nghệ thúc đẩy thị trường chế biến nông sản để tăng hiệu quả và tính cạnh tranh theo tinh thần Nghị quyết 26 của Ban chấp hành Trung ương.

Theo đại biểu, dường như việc cụ thể hóa chủ trương nghị quyết của Trung ương Đảng chưa được một số các bộ, ngành hữu quan Trung ương quan tâm chỉ đạo một cách đầy đủ. Điều này đã dẫn đến sự phát triển nông nghiệp của chúng ta giai đoạn vừa qua mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn nhưng nó chưa thực sự vững chắc, tính cạnh tranh chưa cao.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, sau khi Nghị quyết trung ương 7 được ban hành, đầu tư cho tam nông đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư ngày càng tăng rõ rệt. Chính nhờ vậy, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng được tăng cường và hoàn thiện, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, từng bước giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện được môi trường sinh thái.

Tuy nhiên trong kết quả giám sát vẫn còn những tồn tại và hạn chế, bất cập về ban hành chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chưa kịp thời, đầy đủ còn chồng chéo, mâu thuẫn gây khó khăn trong quá trình thực hiện.

Còn theo đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc), việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tuy đã có tác dụng tích cực, nhưng chưa đạt được như mong muốn và yêu cầu thực tiễn.  

Đầu tư chưa hiệu quả, còn lãng phí dàn trải, chất lượng một số công trình hạ tầng cơ sở còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân. Một số công trình, dự án đầu tư công không sử dụng được hoặc không phát huy được hiệu quả. Một số chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước cho người dân còn hạn chế, chưa đi vào cuộc sống.

Phân bổ nguồn lực đầu tư chưa hợp lý

Về nguồn lực đầu tư và phân bổ đầu tư, theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành (đoàn Lạng Sơn), mặc dù Chính phủ đã rất cố gắng bố trí cân đối nhiều nguồn vốn khác nhau, nhưng mới đáp ứng được 55-60% nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn lực trên phân bố chủ yếu vào phần xây dựng cơ sở hạ tầng và còn rất phân tán.

Các nội dung chính sách khác chiếm tỷ trọng rất nhỏ, riêng lĩnh vực quản lý của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn trong 5 năm đầu tư cho thủy lợi đã chiếm tới 79% tổng nguồn thu. Đầu tư cho chương trình giống, công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, nghiên cứu khoa học còn thấp và điều này lý giải tại sao chưa có bước chuyển mạnh trong sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của Trung ương và đây cũng là điểm cần được điều chỉnh trong thời gian tới.

Theo đại biểu, chính sách khuyến công và thúc đẩy thương mại có một vị trí quan trọng trong phát triển nông nghiệp, công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn. Nhưng trên thực tế chính sách ban hành trên lĩnh vực này rất ít và mờ nhạt, thực hiện chưa thực sự hiệu quả. Tổng ngân sách 6 năm 2005-2010 cho 63 tỉnh mới là 541 tỷ đồng, trong đó có nguồn ngân sách từ khuyến nông quốc gia là 200 tỷ đồng. Đây là một con số rất khiêm tốn.

Cùng chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cơ chế phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn theo hướng tăng cường quyền quyết định cho các cấp là phù hợp nhưng lại thiếu các biện pháp đồng bộ và thiếu kiểm tra, kiểm soát dẫn đến tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng về nguồn vốn.

Theo đại biểu này, đầu tư chỉ mới chú trọng vào hạ tầng, cụ thể là các công trình thủy lợi, nên phần lớn nguồn tiền chỉ tập trung vào xây mới các công trình chưa chú trọng đến nâng cấp đồng bộ hóa hệ thống.

Ngoài ra hệ thống giao thông đường nước sạch chưa được quan tâm đúng mức, nhất là ở vùng hải đảo, biên giới, vùng cao chưa có điện, cơ sở vật chất ở trường học một số nơi còn quá nghèo nàn, cơ sở y tế tuyến huyện, xã còn hạn chế khiến trang thiết bị và các đội ngũ y tế năng lực còn hạn chế. Cùng với đó là đầu tư công cho khoa học công nghệ chưa được quan tâm đúng mức.

Đại biểu Hồ Thị Thủy (đoàn Vĩnh Phúc) nhấn mạnh, với khoảng 70% dân số sống ở khu vực nông thôn và chủ yếu sản xuất nông nghiệp, nhưng họ lại hưởng rất ít những lợi nhuận từ sản phẩm của mình làm ra và luôn gánh chịu nhiều rủi ro do thiên tai dịch bệnh, giá cả không ổn định, được giá thì mất mùa, được mùa thì rớt giá và thiếu thông tin thị trường

Thời gian qua đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào các dự án cơ sở hạ tầng chiếm tỷ lệ còn cao, đầu tư trực tiếp để phát triển sản xuất còn khiêm tốn. Công tác quy hoạch nói chung và quy hoạch nông thôn, quy hoạch chi tiết phục vụ sản xuất chưa được quan tâm đúng mức, cơ chế tiêu chí phân bổ nguồn vốn chưa hợp lý./.

Ngọc Thành/VOV online