Chợ đầu mối quốc tế- đẩy nhanh mô hình từ bàn ăn đến trang trại

Container thịt lợn đầu tiên của Việt Nam do tập đoàn Mavin xuất khẩu vừa đặt chân tới thị trường Myanmar sau khi vượt qua không ít những tiêu chuẩn khắt khe của nước sở tại. Số lượng còn khiêm tốn nhưng nó đánh dấu việc có thêm một mặt hàng nông sản quan trọng của Việt Nam đi vào thế giới bằng cửa chính, đặc biệt trong bối cảnh mới chỉ cách đây không lâu, thịt lợn còn khủng hoảng thừa.
Xây dựng các chợ đầu mối quốc tế tại Việt Nam, tạo ra hệ sinh thái thương mại bán buôn mới

Diễn biến này cũng cho thấy mô hình “từ bàn ăn đến trang trại” là hướng đi tất yếu của nông sản Việt Nam nếu muốn có chân trong chuỗi giá trị quốc tế và xa hơn là có được thương hiệu mạnh, bền vững.

Theo các chuyên gia, một động lực quan trọng đẩy nhanh mô hình trên chính là tạo lập được các chợ đầu mối mang tầm quốc tế hiện đại về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao dịch và truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Số liệu thống kê cho thấy trong số 8.539 chợ của cả nước thì số lượng chợ đầu mối mới chỉ có 83 chợ, nghĩa là chưa chiếm đến 1%. Nhưng điều đáng quan tâm hơn cả là số lượng chợ đầu mối được đầu tư khang trang, hiện đại như chợ Bình Điền, Hóc Môn như tại TP. Hồ Chí Minh còn quá ít trong khi đa phần chợ đầu mối vẫn ở trong tình trạng xập xệ về hạ tầng và công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, cung cấp dịch vụ còn rất hạn chế.

Trong bối cảnh đó, đề án xây dựng mới chợ đầu mối quốc tế do Bộ Công Thương xây dựng không chỉ nhằm giải quyết triệt để các tồn tại trên mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là phát huy vai trò của các chợ đầu mối nội địa trong việc điều phối và lưu thông hàng hóa. Đặc biệt nó còn hướng tới việc giải quyết bền vững đầu ra , nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, nông sản và đặc sản vùng miền. Từ đó đưa Việt Nam trở thành điểm đến quốc tế về giao thương hàng hóa và dịch vụ.

Theo đó Việt Nam sẽ xây dựng 3 chợ đầu mối quốc tế với quy mô từ 200 đến 1.000ha, suất đầu tư cho 1ha của chợ này là vào khoảng 1 triệu USD với việc xã hội hóa hoàn toàn nguồn vốn. Giá trị thương mại mỗi năm được trông đợi vào khoảng 1.500% so với tổng vốn đầu tư.

Không giống với các chợ đầu mối hiện có, chợ đầu mối quốc tế sẽ là một tổ hợp gồm trung tâm quản lý điều hành, khu bán lẻ và bán buôn, chợ bán nông sản, đặc sản vùng miền, trung tâm dịch vụ du lịch, trung tâm đấu giá hàng hóa, sàn thương mại điện tử, container bán hàng tự đông (ATM- ATF) trong và ngoài chợ.

Có thể nói một trong những giá trị lớn nhất của việc xây dựng các chợ đầu mối quốc tế tại Việt Nam là tạo ra hệ sinh thái thương mại bán buôn mới, hướng sản xuất dựa trên nhu cầu thị trường, ứng dụng và phát huy công nghệ 4.0 để giảm chi phí sản xuất, chi phí logistics, tăng hiệu quả từ tiêu dùng đến sản xuất. Đặc biệt tại các chợ này sẽ xây dựng trung tâm kiểm định nhanh chất lượng hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá mô hình chợ đầu mối quốc tế tại Việt Nam có tính khả thi cao và sẽ tác động tích cực đến ngành bán buôn trong nước.