Cho vay đóng tàu 67: Đã đến lúc cần sửa đổi
- Thứ hai - 20/11/2017 00:32
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thành công, nhưng quá nhiều khó khăn, vướng mắc
Nghị định 67/2014/NĐ-CP (Nghị định 67) về một số chính sách phát triển thủy sản đã thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo ngư dân, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ; mang lại hiệu quả và thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngư dân... Nhưng chỉ còn khoảng một tháng rưỡi nữa nghị định này còn hiệu lực thi hành (ngày 31/12/2017), nên đây là thời điểm các cơ quan quản lý nhìn nhận, đánh giá để sửa đổi bổ sung nghị định này theo chỉ đạo của Chính phủ.
Ở góc độ cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 đến nay, các NHTM đã ký hợp đồng tín dụng để đóng mới, nâng cấp 1.055 tàu với tổng số tiền cam kết cho vay là 10.489 tỷ đồng; giải ngân cho vay theo tiến độ đóng mới, nâng cấp tàu đạt 9.622 tỷ đồng, dư nợ đạt 9.373 tỷ đồng, tăng 22,2% so với 31/12/2016.
Hệ thống NHTM cũng đã giải quyết 93% tổng số hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Trong đó, UBND các tỉnh, thành phố đã phê duyệt 1.986 tàu đóng mới, nâng cấp đủ điều kiện hưởng chính sách và các NHTM mới nhận được 1.249 bộ hồ sơ đề nghị vay vốn của chủ tàu. Có một số chủ tàu chủ động rút hồ sơ vay vốn hoặc ngân hàng từ chối cho vay.
Cần sự đôn đốc của địa phương tới các chủ tàu trong thực hiện trả nợ NH |
Theo thông tin từ các NHTM thì kết quả bước đầu là đáng ghi nhận nhưng khi triển khai cho vay đóng tàu, phía NH cũng gặp một số vướng mắc khó khăn: Tàu đóng mới không đảm bảo chất lượng, không khai thác được phải nằm bờ hoặc tàu đã đưa vào khai thác nhưng phải sửa chữa thường xuyên. Chủ tàu không có khả năng tiếp tục đóng mới hoặc khai thác tàu do bị bệnh hoặc qua đời. Trong khi Nghị định 67 và các văn bản liên quan không có quy định về cơ chế chuyển đổi chủ tàu gây khó khăn cho ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ vay. Chủ tàu khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài, bị nước ngoài đánh chìm tàu, không được bảo hiểm bồi thường, mất tài sản bảo đảm là con tàu hình thành từ vốn vay. Nhưng trong Nghị định 67 chưa có quy định về việc xử lý rủi ro do nguyên nhân này để bảo toàn vốn vay cho NHTM.
Ngoài ra, việc khai thác của chủ tàu không hiệu quả do nguồn lợi hải sản có dấu hiệu suy giảm, thời tiết diễn biến bất thường, thị trường tiêu thụ không ổn định, dẫn đến chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng đúng hạn…
Phải có giải pháp bảo toàn vốn vay cho NH
Tại buổi họp báo Chính phủ đầu tháng 11 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo bộ phối hợp với các bộ, ngành xem xét để trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị định 67. Được biết những khó khăn vướng mắc trên của Ngành NH đã được chuyển tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đơn vị đầu mối trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 67 trong thời gian tới.
Để đảm bảo việc thu hồi vốn theo Điều 4 của Nghị định 67, Chính phủ đã quy định chủ tàu vay đóng mới, nâng cấp tàu có công suất lớn được sử dụng chính con tàu đóng mới, nâng cấp hình thành từ vốn vay để làm tài sản bảo đảm. Tuy vậy, thời gian qua, việc khá nhiều tàu mới đi vào khai thác nhưng đã hư hỏng cho thấy NH sẽ rất khó khăn trong việc thu hồi vốn. Hiện nay quy trình cho vay của NHTM được thực hiện đúng từ khâu xét duyệt hồ sơ theo đúng đối tượng được UBND tỉnh phê duyệt, giải ngân vốn vay đúng mục đích, đúng tiến độ đóng tàu trên cơ sở biên bản nghiệm thu khối lượng hoàn thành có xác nhận kỹ thuật của Cơ quan đăng kiểm và phù hợp với quy định tại Nghị định 67.
“Nhưng cái khó là theo quy định tại Nghị định 67 chủ tàu có quyền được tự quyết định việc vay vốn, lựa chọn mẫu tàu, máy móc trang thiết bị, ngư lưới cụ, cơ sở đóng tàu để đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản và tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ. Như vậy, chủ tàu sẽ là người chịu trách nhiệm chính về việc kiểm tra, giám sát chất lượng tàu trong suốt quá trình đóng tại xưởng và uy tín của DN đóng tàu nên khi xảy ra tàu hư hỏng sẽ làm khó NH” – một chuyên gia tài chính – ngân hàng phân tích và đề nghị, nếu tới đây sửa Nghị định 67 mà NH vẫn tiếp tục cho vay thì cần phải có những cam kết về chất lượng tàu để gỡ khó cho cả chủ tàu và NH.
Đối với vấn đề chuyển nhượng tàu cho người khác nếu không sử dụng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến này và các bộ, ngành xem xét kỹ lưỡng trong quá trình xem xét sửa đổi Nghị định 67. Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, sửa Nghị định tới đây cần đưa vào việc đầu tư của Nhà nước để đảm bảo đồng bộ các hạng mục là cảng cá loại I, khu neo đậu cấp vùng, các trung tâm nghề cá lớn; đầu tư hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, vùng sản xuất giống tập trung.
Với chính sách cho vay vốn lưu động cần bổ sung đối tượng vay là chủ cơ sở nuôi biển quy mô công nghiệp vùng biển xa bờ, ven các đảo; tăng hạn mức cho vay tối đa cho một chuyến biển. Đồng thời, quy định thời hạn vay theo cơ chế tự thỏa thuận và thời hạn duy trì hạn mức tín dụng đối với khách hàng tối đa là 12 tháng. Ngoài ra, để tránh xảy ra tình trạng nợ quá hạn, ảnh hưởng đến việc bảo toàn vốn vay của các NHTM, thì cần nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị liên quan đến đâu, đồng thời có cơ chế xử lý rủi ro đối với các khoản vay bị rủi ro do các nguyên nhân không được quy định tại Nghị định 67 và Thông tư số 114/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính. Và đề nghị UBND các tỉnh, thành phố phối hợp cùng ngành NH trên địa bàn đôn đốc các chủ tàu đã được vay vốn theo Nghị định 67 thực hiện trả nợ vay ngân hàng đúng hạn theo hợp đồng tín dụng đã ký kết.
Đức Nghiêm
toibaonganhang.vn