Chủ động chuyển dịch, đạt hiệu quả cao

Chủ động chuyển dịch, đạt hiệu quả cao
Diện tích đất nông nghiệp sụt giảm từng năm, bị manh mún do công nghiệp hóa và đô thị hóa, nhưng ngành nông nghiệp TPHCM năm 2015 vẫn duy trì đà tăng trưởng 5,9%, cao hơn bình quân cả nước hơn 2 lần (2,4%).

1ha đất nông nghiệp đạt 375 triệu đồng/năm

Trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung đều gặp khó khăn cả về thị trường và giá cả, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm sụt giảm dần từ năm 2011 đến 2015, nhưng với ngành nông nghiệp TP, tốc độ phát triển vẫn duy trì đà tăng trưởng. Giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp TP năm 2015 tăng 6%, bằng 2,3 lần so mức tăng cả nước (2,62%). Trong đó: Trồng trọt tăng 4,4%; chăn nuôi tăng 4,9%; dịch vụ nông nghiệp tăng ấn tượng với 2 con số - 11,8%; thủy sản  tăng 8,6%. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp TP tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa một vụ, kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao như hoa lan, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn… Qua chuyển dịch cơ cấu, năm 2015 trồng trọt chiếm tỷ trọng 23,3%, chăn nuôi 41,4%, thủy sản 28,3%.  

Ngành nông nghiệp TP đã tổ chức và xây dựng mô hình, hướng dẫn sản xuất rau theo quy trình VietGAP cho các hộ sản xuất rau. Kết quả, năm 2015, TP chứng nhận VietGAP cho 89 tổ chức, cá nhân, lũy kế tổng số được chứng nhận VietGAP còn hạn là 721 tổ chức, cá nhân với diện tích 448ha, sản lượng trên 47.000 tấn/năm. Ngoài ra, 2.250ha hoa, cây kiểng hàng năm cung ứng khoảng 6,7 triệu chậu và 68,9 triệu cành lan, 74 triệu chậu mai và kiểng bon sai… Nhờ đó, giá trị sản xuất đất nông nghiệp của TP năm 2015 đạt 375 triệu đồng/ha, so với 83 triệu đồng/ha của cả nước. Có thể nói, đây là kết quả của quá trình chuyển dịch sản xuất từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp đô thị mà TPHCM đã chủ động thực hiện từ rất sớm, hơn 10 năm trước. 


Trồng hoa - một mô hình nông nghiệp thích hợp tại TPHCM. Ảnh: cao Thăng


Thu hút đầu tư bằng chính sách

Phát biểu tại buổi triển khai kế hoạch ngành nông nghiệp TP năm 2016, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, GDP ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ so với ngành khác của TP nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc ổn định xã hội, nâng cao đời sống và sự an sinh của người dân ngoại thành; thu nhập người dân ngoại thành (theo con số thống kê 2 năm/lần) năm 2014 bằng 80,1% thu nhập người dân nội thành, so với năm 2008 là 55,4%. Đó là kết quả quá trình 5 năm cùng cả nước, TPHCM chung sức xây dựng nông thôn mới. Hiện đã có 3 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Cần Giờ đã đạt, đang chờ phê duyệt; hy vọng năm 2016, huyện Bình Chánh đạt chuẩn và TPHCM trở thành địa phương đầu tiên cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới toàn vùng nông thôn. Nhưng như đồng chí Lê Thanh Liêm nhắc nhở, điều quan trọng là phải giữ vững tiêu chí nông thôn mới và nâng chất các tiêu chí với yêu cầu nâng cao thu nhập một cách bền vững, cải thiện cuộc sống người dân nông thôn.

5 năm tới, ngành nông nghiệp TP phấn đấu giữ vững sự ổn định trong việc phát triển nông nghiệp đô thị theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhiều hơn để có thể nâng cao giá trị sản xuất. Để làm được điều này, bên cạnh sự đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nông thôn của TP, điều quan trọng là phải thu hút được doanh nghiệp về vùng nông thôn đầu tư. Thực tế những năm qua cho thấy, từ sự tư vấn của ngành nông nghiệp, UBND TP đã có chủ trương và chính sách phù hợp, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định theo từng giai đoạn. Nhờ đó mà thời gian qua, với 1 đồng vốn ngân sách (vốn mồi, hỗ trợ lãi vay 256,9 tỷ đồng) đã huy động 30 đồng vốn xã hội (hơn 7.700 tỷ đồng), trong đó huy động từ ngân hàng là 19 đồng (trên 4.600 tỷ đồng) và huy động trong dân là 11 đồng (trên 3.100 tỷ đồng). Tỷ lệ giá trị sản xuất trên vốn đầu tư đạt 150%. Tổng số việc làm tạo ra thông qua các phương án được hỗ trợ lãi vay là hơn 42.500 lao động.


 

Năm 2015, các doanh nghiệp nông nghiệp của TP sản xuất khoảng 16.200 tấn hạt giống, phục vụ cho hơn 1 triệu hécta diện tích gieo trồng. Trong đó, giống rau năng suất đạt 25 tấn/ha/vụ. TP có 35 phòng cấy mô, hàng năm sản xuất được khoảng 9,5 triệu cây giống (chủ yếu là các giống lan) để cung ứng, mở rộng diện tích trồng hoa, cây kiểng trên địa bàn TP và các tỉnh. Về giống cây lâm nghiệp, có 15 hộ gia đình, cá nhân và 1 công ty sản xuất, kinh doanh với tổng diện tích vườn ươm là 1,8ha.

Các doanh nghiệp TP còn xuất khẩu 262 tấn hạt giống (gồm 1,4 tấn bắp giống, 260 tấn rau giống) sang Mỹ, Nhật, lãnh thổ Đài Loan, Israel, châu Âu. Ngoài ra, còn có 22 doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả với trên 11.100 tấn, thị trường chủ yếu là Trung Quốc, Nhật và châu Âu; xuất khẩu 12 triệu cá cảnh, kim ngạch xuất khẩu khoảng 11 triệu USD, tăng 12% so năm 2014.


Công Phiên
Theo: sggp.org.vn