Chủ động phòng vệ thương mại- Bảo vệ sản xuất trong nước
- Thứ tư - 11/07/2018 23:39
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Gia tăng các vụ phòng vệ thương mại
Để tiếp cận thị trường nước ngoài, hàng hóa xuất khẩu (XK) của Việt Nam phải vượt qua nhiều rào cản như: Vệ sinh an toàn thực phẩm, PVTM, chống bán phá giá, trợ cấp... Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) - hàng hóa XK Việt Nam đã là đối tượng của 107 vụ điều tra PVTM (78 vụ điều tra chống bán phá giá, 12 vụ chống trợ cấp và 17 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế). Trong số 78 vụ điều tra chống bán phá giá, có 37 vụ liên quan đến sắt, thép; chiếm gần 1/2 các loại hàng hóa.
Đặc biệt, Hoa Kỳ là một trong những bạn hàng XK lớn nhất của Việt Nam nhưng cũng là nơi hàng hóa XK Việt Nam phải đối mặt với nhiều vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và điều tra chống lẩn tránh thuế nhất trong số các thị trường XK của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam đang có xu hướng trở thành mục tiêu của các cuộc điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá, do bị coi là nơi chuyển tải của hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế. Đây là hình thức các nước nhập khẩu áp dụng nhằm tránh việc chuyển tải hàng hóa từ một nước sang nước khác, với mục đích thay đổi xuất xứ để tránh bị áp thuế chống bán phá giá.
Doanh nghiệp cần chủ động phòng vệ thương mại
Trước diễn biến ngày càng phức tạp của các vụ kiện PVTM, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) - cho rằng, DN nên chủ động phòng tránh bằng cách đa dạng hóa thị trường XK, tránh phát triển quá "nóng" một thị trường; đa dạng hóa mặt hàng, cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm với giá cao, giảm dần cạnh tranh bằng giá rẻ.
Bên cạnh đó, các DN cần tìm hiểu rõ pháp luật về PVTM, xu hướng kiện PVTM của nước XK. Trường hợp khi vụ việc xảy ra, các DN cần chủ động đối phó với vụ kiện như thuê luật sư tư vấn, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương). Khi bị điều tra, DN cần chuẩn bị tốt hồ sơ, chứng từ, xác định rõ chiến lược, mục tiêu và nỗ lực tham gia kháng kiện rõ ràng, thống nhất đến cùng. Việc thực hiện cam kết theo các hiệp định thương mại, Việt Nam đã loại bỏ hàng rào phi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu. Điều này đặt các DN, ngành hàng Việt Nam trước sự cạnh tranh khốc liệt của hàng hóa nhập khẩu, trong đó có cả cạnh tranh không lành mạnh. Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, những năm gần đây, Việt Nam đã tăng cường sử dụng biện pháp PVTM nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các ngành sản xuất trong nước. Đến nay, Việt Nam đã tiến hành khởi xướng điều tra và áp dụng 9 biện pháp PVTM.
Luật Quản lý ngoại thương về PVTM cũng có những điểm mới cơ bản, quy định chi tiết các biện pháp PVTM. 3 biện pháp PVTM cơ bản - cơ sở pháp lý áp dụng khi tiến hành điều tra, xử lý các vụ việc PVTM - là: Chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu; tự vệ đối với hàng hóa nhập khẩu; chống trợ cấp đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam.
Thông tư số 06/2018/TT- BCT tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam thực thi các biện pháp điều tra, áp dụng biện pháp PVTM, phù hợp pháp luật quốc tế và áp dụng thực tiễn. |