Chủ động, sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, các cấp Hội nông dân trong cả nước đã vận động nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm thiết thực.

 
Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương, Hội Nông dân các tỉnh đã đảm nhận thực hiện một số việc cụ thể trong nội dung của Chương trình Xây dựng nông thôn mới, góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới nhanh đi vào cuộc sống. Với cách làm chủ động, sáng tạo, một số địa phương đang trở thành “điểm sáng” về xây dựng nông thôn mới.

Xác định rõ trách nhiệm của Hội trong xây dựng nông thôn mới

Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo, Ban quản lý chương trình xây dựng nông thôn mới từ tỉnh đến cơ sở, các cấp Hội Nông dân Thái Nguyên đã tích cực chủ động tham mưu, đề xuất và tổ chức các hoạt động thiết thực góp phần từng bước xây dựng nông thôn mới. Hội đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của nông dân trong xây dựng nông thôn mới, nhà nước hỗ trợ, người dân làm là chính.


Thực hiện Đề án phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch về tổ chức đào tạo, dạy nghề cho hội viên nông dân. Với phương châm “đào tạo theo nhu cầu”, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức 633 lớp dạy nghề theo nhu cầu cho 18.936 hội viên. Hội chủ trì xây dựng, triển khai và thực hiện Đề án tổ chức sản xuất và tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu giai đoạn 2010 - 2015 với tổng số kinh phí 7,8 tỷ đồng. Đây là một mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mới, lần đầu tiên triển khai trên địa bàn. Mô hình đã thu hút hút 5 doanh nghiệp, 7 hợp tác xã, 86 hộ tham gia, sản lượng thu được 3 nghìn tấn nấm các loại, doanh thu đạt trên 18 tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 2.000 lao động với mức thu nhập từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng. Hội triển khai dự án ứng dụng khoa học và công nghệ “Xây dựng mô hình sử dụng bã nấm tạo giá thể để sản xuất rau, hoa trong chậu" tại các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nấm. Hội tín chấp và nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp hơn 700 tỷ đồng, cho gần 200.000 hộ vay vốn phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hội viên.

Tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, các cấp Hội đã tăng cường tuyên truyền, vận động hội viên hiến đất làm đường, chấp hành tốt các chủ trương về giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án, tham gia đóng góp ngày công làm đường bê tông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương. Hàng nghìn hộ đã hiến trên 830.155m2 đất, đóng góp trên 117.490 ngày công lao động, kiên cố hóa trên 1.826 km đường bê tông, nạo vét, kiên cố 1.107 km kênh mương, làm mới và tu sửa 35 cầu, cống trị giá trên 116,6 tỷ đồng. Hội vận động hội viên xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng thôn, bản, làng văn hóa. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, chấp hành chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được hội viên tham gia tích cực và có hiệu quả.

Đến nay, Thái Nguyên đã có 143/143 xã đạt 100% hoàn thành công tác lập quy hoạch nông thôn mới (bình quân chung cả nước đạt 68%). Tính đến 31/12/2012, Số xã đạt dưới 5 tiêu chí: 23 xã (giảm 55 xã so với năm 2011); số xã đạt từ 5 đến 8 tiêu chí: 83 xã ( tăng 31 xã so với năm 2011); số xã đạt từ 9 đến 13 tiêu chí: 36 xã (tăng 23 xã so với năm 2011); số xã đạt từ 14 đến 19 tiêu chí: 1 xã ( tăng 1 xã so với năm 2011).

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường nông thôn

Cùng với cả nước, tỉnh Nam Định đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đời sống nông dân và bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra cho các cấp các ngành là vấn đề ô nhiễm môi trường đang diễn ra khá bức xúc ở khắp các địa phương cơ sở. Các chất thải, phế thải từ quá trình sản xuất của các nông trại, gia trại, trong quá trình trồng trọt chăn nuôi, trong sản xuất ngành nghề…đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của nhân dân.

Nhận thức được vấn đề này, các cấp hội đã phân công cán bộ phụ trách địa bàn, bám sát cơ sở, nhất là các địa điểm nóng về ô nhiễm môi trường; tổ chức cho các chi, tổ hội triển khai cho gia đình hội viên ký cam kết thực hiện 6 nội dung "Gia đình đảm bảo vệ sinh môi trường". Hàng năm, Hội đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thông nâng cao nhận thức kiến thức về bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả đất đai cho cán bộ hội viên nông dân, giúp họ nắm vững và chấp hành tốt quyền và nghĩa vụ của mình. Các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền cho nông dân tham gia bảo vệ môi trường bằng nhiều nội dung và hình thức phong phú, cụ thể, thiết thực như: Phổ biến các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về môi trường, đất đai; vận động cán bộ hội viên phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và đất đai. Hàng năm, 100% huyện, thành hội xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường ở các cơ sở, chi tổ hội, câu lạc bộ nông dân, tích cực hưởng ứng "Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”;"Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn” ...

Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên môi trường tổ chức xây dựng mô hình điểm, chọn Hội nông dân huyện Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Xuân Trường...triển khai xây dựng mô hình điểm về công tác bảo vệ môi trường, ra quân tổng vệ sinh thôn xóm vào thứ 6 hàng tuần... Hội phối hợp với Sở Thủy sản tập huấn bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho cán bộ hội viên nông dân thuộc 4 huyện Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Trên 70% số hộ gia đình nông dân đã ký cam kết đảm bảo vệ sinh môi trường; đăng ký đảm nhận các công trình giao thông. Nhiều gia đình đóng góp xây dựng công trình nước sạch, đường, trường, trạm, thu gom rác thải, xử lý chất thải.

Các cấp hội coi trọng xây dựng các mô hình điểm thực hiện bảo vệ môi trường và quản lý, sử dụng đất đai. Các cấp hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng 195 đội thu gom rác thải ở các địa phương, hỗ trợ 58 xe thu gom rác, trang bị bảo hộ lao động cho đội thu gom rác tại Yên Ninh (Ý Yên), Thị trấn Lâm (Ý Yên), Nam Hồng (Nam Trực), Mỹ Thắng (Mỹ Lộc), Hải Lộc (Hải Hậu), Xuân Hồng (Xuân Trường)...100% cơ sở xã, phường xây dựng hương ước của thôn về thu gom rác thải. Hội Nông dân tỉnh phối hợp với doanh nghiệp Trường Thành tổ chức tập huấn sử dụng rơm rạ thải chế biến nấm ăn, chế tạo phân bón hợp vệ sinh, góp phần cải tạo đất và bảo vệ môi trường. Đến nay, mô hình này đã triển khai trên 74 xã và đang được nhân rộng trên toàn tỉnh. Hội tín chấp cho gần 30 ngàn hộ hội viên vay vốn ngân hàng để xây dựng công trình nước sạch, công trình nhà vệ sinh, với tổng số dư nợ khoảng 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội phối hợp với Chi cục Bảo vệ Thực vật, Trung tâm Y tế dự phòng, các hãng sản xuất thuốc sâu, phân bón hướng dẫn cho hội viên cách sử dụng an toàn các loại thuốc và thức ăn gia súc, sử dụng an toàn phòng hộ cho người lao động.

Giúp nhau xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới

Thực hiện vai trò nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, các cấp Hội Nông dân Phú Thọ đã tập trung tuyên truyền đã giúp hội viên, nông dân nhận thức được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thấy rõ đây là cơ hội để giai cấp nông dân cải thiện đời sống. Các cấp Hội từ tỉnh đến các cơ sở đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, tiêu biểu là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Hằng năm, Hội phối hợp với Công ty cổ phần Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao cung ứng phân NPK chậm trả trên 10.000 tấn, giúp trên 70 ngàn hộ nông dân phát triển sản xuất. Hội phối hợp với ngành nông nghiệp xây dựng 187 phương án sản xuất kinh doanh, với trên 7.000 hộ hội viên tham gia, in trên 65 ngàn tập san, tờ rơi, tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất Nông nghiệp. Hàng năm, hội phối hợp mở từ 600 - 800 lớp tập huấn, hội thảo tham quan mô hình, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 30 ngàn lượt hộ nông dân. Hội Nông dân tỉnh đã trực tiếp và phối hợp dạy nghề cho 10.238 lao động nông thôn, tạo điều kiện cho 2235 lao động có việc làm. Hội Nông dân các cấp đã phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội, thành lập 1472 tổ tiết kiệm vay vốn, với trên 59.013 ngàn hộ vay, số dư trên 888 tỷ đồng. Hội quản lý 17,159 tỷ đồng quỹ hỗ trợ Nông dân, cho 4.600 lượt hộ vay.

Phong trào thi đua đã trở thành động lực quan trọng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và phát triển ngành nghề ở nông thôn, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Trong 5 năm, các cấp hội đã xóa 5.400 hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2012 còn 14,12%.Thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hội viên, nông dân đã đóng góp 94 tỷ đồng, trên 5.300 hộ hội viên, nông dân tự nguyện hiến trên 1 triệu m2 đất, 120.000 ngày công lao động để xây dựng các cơ sở hạ tầng nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng, trường học, trạm xá. Các cấp Hội tuyên truyền vận động hội viên tích cực thực hiện các hương ước, quy ước, xây dựng nếp sống văn hóa bài trừ các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang, mừng thọ. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao được khơi dậy và ngày càng phát triển. Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện. Hàng năm bình xét có 86% hộ gia đình nông dân đạt gia đình văn hóa, 85% khu dân cư đạt khu dân cư văn hóa./.


Khiếu Tư
Theo tamnhin.net