Chủ động tự tin xây dựng Nông thôn mới

Chủ động tự tin xây dựng Nông thôn mới
Quán triệt nghiêm túc yêu cầu nhiệm vụ, hiểu rõ những khó khăn của một tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, nhiều vùng địa hình núi và biển phức tạp, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 70% trung bình của cả nước, Nghệ An đã có chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM.
Sản xuất hương trầm Phúc Thành, Yên Thành. ảnh Thu Hương
Sản xuất hương trầm Phúc Thành, Yên Thành. Ảnh: Thu Hương

 Nghệ An là địa phương sớm thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia  xây dựng nông thôn mới, với Văn phòng Điều phối các cấp tỉnh-huyện và các Ban Quản lý Chương trình cấp xã, Ban giám sát cộng đồng và Ban phát triển thôn (bản) hoạt động chuyên trách, chuyên nghiệp. Quy chế hoạt động và nhiệm vụ cụ thể được phân công cho từng bộ phận, cá nhân trong các đoàn công tác chỉ đạo, giám sát tại các địa phương. Các sở, ban, ngành thành lập tổ công tác tham mưu, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí thuộc ngành phụ trách....

Hàng loạt các giải pháp mang tính đồng bộ đã được các cấp triển khai quyết liệt trên tinh thần các Nghị quyết 03-NQ/TU về việc đẩy mạnh thực hiện Chương trình giai đoạn 2011- 2020 nghị quyết; Chỉ thị số 16-CT/TU ngày 24/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; các Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh, các Quyết định và Kế hoạch hành động của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM). Tỉnh cũng ban hành bộ tiêu chí tạm thời về xã NTM kiểu mẫu; chính sách về về quy hoạch, thiết kế - thi công giao thông nông thôn có lớp mặt là bê tông xi măng; hỗ trợ xi măng làm đường bê tông giao thông nông thôn; Chính sách thưởng công trình phúc lợi cho các xã đạt chuẩn NTM; khuyến khích xây dựng mô hình phát triển sản xuất và “cánh đồng mẫu lớn”. Các sở chức năng ban hành hướng dẫn thực hiện các tiêu chí chuyên ngành. Nhiều huyện, thành, thị có chính sách thưởng và hỗ trợ cho các xã trong xây dựngNTM, như hỗ trợ xi măng, cước vận chuyển và máy trộn bê tông…

Công tác thông tin, tuyên truyền về xây dựng NTM cũng được tăng cường, luôn đổi mới nội dung, cách làm và đa dạng hóa hình thức. Đài truyền hình tỉnh, báo Nghệ An tăng thời lượng, mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến về các hoạt động của Chương trình; nội dung, cách thức huy động sức dân; phát hiện và phổ biến những mô hình hay, cách làm sáng tạo, bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn thực hiện chương trình. Các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực thu hút các thành viên, hội viên tham gia chương trình, thông qua các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” gắn với xây dựng NTM; tổ chức cuộc thi Báo chí viết về Nông thôn mới và hội thảo khoa học “Vai trò hệ thống chính trị ở cơ sở trong việc xây dựng NTM”; triển khai nhiều mô hình: “Tổ phụ nữ tự quản đường giao thông nông thôn”, “Phụ nữ chung sức xây dựng NTM”; “Tuổi trẻ Nghệ An chung sức xây dựng NTM”, “Người cao tuổi chung sức xây dựng NTM”. Nhiều cấp uỷ chủ động lựa chọn và xây dựng thành nghị quyết chuyên đề để lãnh đạo thực hiện có kết quả nhiều vấn đề bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ cơ sở; nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, tạo sự nhất trí, đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị; được nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố nhận thức ý nghĩa, mục đích của chương trình và vai trò chủ thể của mình.

Sau 5 năm thực hiện chương trình, tổng nguồn vốn huy động, lồng ghép thực hiện Chương trình đã đạt khoảng 21 ngàn tỷ đồng (vốn doanh nghiệp chiếm 8%, vốn dân góp chiếm 31%.  Đến nay, 100% (431/431) xã hoàn thành việc phê duyệt Đề án và Quy hoạch Xây dựng NTM cấp xã; 25% xã đạt đủ 19/19 tiêu chí NTM; 12,5% xã đạt 15-18 tiêu chí; chỉ còn 6,3%.xã đạt dưới 5 tiêu chí, Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh hiện chỉ còn 10,28% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (năm 2011 là 18,79%). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn từ 12 triệu năm 2010 nay đạt hơn 17 triệu đồng. Cơ cấu  kinh tế đang có nhiều chuyển động tích cực.

Xây dựng NTM ở Nghệ An không chỉ được coi là nhiệm vụ chính trị, kinh tế và xã hội quan trọng hàng đầu của các tổ chức và lãnh đạo các cấp, mà còn trở thành nhận thức chung và việc làm tự thân, chủ động và tự giác hàng ngày của cộng đồng nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đây là đặc trưng chính và nhân tố quyết định sự thành công của triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới ở Nghệ An.

Những kết quả và kinh nghiệm đã có đang và sẽ tiếp tục tạo đà trong thời gian tới cho tỉnh Nghệ An chủ động, tự tin gặt hái thêm nhiều thành công về xây dựng NTM, phấn đấu đến hết năm 2020 có 50% xã, 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới và không còn xã dưới 7 tiêu chí; nâng cao chất lượng sống nhân dân trên địa bàn và ngày càng tỏa sáng trong phong trào thực hiện thành công chương trình QGMT xây dựng nông thôn mới nói chung của cả nước. Tuy nhiên, xây dựng NTM cần có lộ trình, bước đi chắc chắn và một số xã không nên duy ý chí hay nóng vội.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong/baohatinh.vn