Chủ thể xây dựng nông thôn mới

Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (NN-ND-NT) có vai trò cực kỳ quan trọng. Nghị quyết (NQ) 26 của Trung ương khóa X năm 2008 đánh giá trong 20 năm đổi mới, chúng ta chưa nhận định đúng vị trí và vai trò của NN-ND-NT; hệ thống lý luận về NN-ND-NT chưa rõ ràng, còn lúng túng. Từ đó, cơ chế, chính sách đối với NN-ND-NT chưa sát với cuộc sống, chưa kịp cập nhật hoặc có nhưng chậm bổ sung nên chưa thật sự tạo ra động lực cho sự phát triển. Ngân sách đầu tư cho nông nghiệp suy giảm. Nếu năm 2.000 là 13,7% tổng GDP toàn xã hội, đến 2005 còn 7,5% và năm 2010 chỉ là 6,26%.

Nước ta tồn tại và phát triển dựa trên nền tảng nông nghiệp. Trong những thời đoạn khủng hoảng, nông nghiệp gần như là bệ đỡ của đất nước, giúp ổn định xã hội. Vậy nhưng, một số nhà hoạch định chính sách vẫn chưa thật sự nhận rõ vai trò của NN-ND-NT nên dẫn đến đầu tư dàn trải. Trong lúc bộ máy quản lý cơ sở yếu, có nơi chưa đủ tầm nên kém hiệu quả.

Chính quyền ở nông thôn là “túi đựng” gần như toàn bộ chính sách của nhà nước nhưng do yếu kém, chậm hoặc chỉ triển khai khi có chỉ đạo cấp trên nên chính sách không đến được người dân. Khuyến nông là thiết thực nhất của bà con, nhưng do kinh phí hạn hẹp, chỉ vài chục ngàn đồng/ha/năm (trong khi Thái Lan gần cả trăm ngàn đồng/ha/năm hay Hàn Quốc cả triệu đồng/ha/năm) nên chỉ làm sự vụ, lấy lệ. Chính sách hợp tác hỗ trợ nông dân còn yếu.

Nghị quyết 26 nhận định muốn giải quyết những vấn đề ở nông thôn phải giải quyết đồng bộ cả NN-ND-NT; trong đó người dân là chủ thể của quá trình phát triển, công nghiệp dịch vụ là nền tảng và nông nghiệp là then chốt. Giải quyết NN-ND-NT là để nâng cao đời sống người dân, nhưng phải dựa trên phát huy nội lực từ người dân. Vì vậy điều cần làm là nâng cao trình độ về văn hóa, khoa học - kỹ thuật, dân trí để nông dân làm chủ quá trình phát triển. Cái khác của việc xây dựng nông thôn mới (NTM) hiện nay chính là đưa cả hệ thống chính trị vào cuộc thay vì chỉ một mình Bộ NN-PTNT làm, như việc triển khai mô hình nông thôn cấp xã năm 2000, nên không thành công. Giải quyết đồng bộ vấn đề NN-ND-NT sẽ xây dựng thành công NTM. Xây dựng NTM là chiến lược để giải quyết vấn đề NN-ND-NT như nghị quyết đề ra.

Tại TPHCM, tổng kết thí điểm NTM ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi) và 5 xã điểm của TP cho thấy các ngành đã vào cuộc một cách quyết liệt, cùng tham gia xây dựng NTM. Đây là mô hình có thể học tập. Điều cần quan tâm là mức độ phát huy nội lực cộng đồng tại chỗ ra sao, do dân làm chủ yếu hay cán bộ các cấp làm? Nếu dân thật sự làm chủ, TP và ban ngành huyện chỉ hỗ trợ sẽ là điều rất tốt. Bởi sau khi xây dựng NTM, chính người dân tự hào về những điều đã làm được thì càng có ý nghĩa, mang giá trị nhiều hơn, là nền tảng để phát triển cộng đồng bền vững.

Thực tế cho thấy, nhiều nơi còn trông chờ tỉnh hay trung ương “cấp phát” mới làm NTM, đây là quan điểm sai lầm. Ở Hàn Quốc, ban quản lý làng cùng cộng đồng người dân bàn nhau làm cái gì trước; nếu nội lực thấp, làm cái nhỏ trước; nếu thiếu, cùng góp lại... Bài học từ xây dựng NTM ở Hàn Quốc là phát huy rất tốt dân chủ cơ sở và nội lực tại chỗ, nhờ đó Hàn Quốc đã thành công xây dựng NTM sau 20 năm.

TS NGUYỄN VĂN BẢY
theo sggp