Chủ tịch Hội NDVN Lại Xuân Môn: Nông dân và doanh nhân là "2 chân" của nền kinh tế nông nghiệp
- Thứ năm - 06/07/2017 22:03
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chủ tịch Lại Xuân Môn phát biểu khai mạc hội nghị.
Kính thưa các quý vị đại biểu, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân!
Ngày thư 3, (4.7) tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước tổ chức hội thảo bàn giải pháp thúc đẩy nhanh gói tín dụng 100.000 tỷ đồng đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hôm qua, 6.7, Trung ương Hội NDVN và Bộ Công an tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chương trình phối hợp phòng, chống tội phạm (2012-2016), ký chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2021.Đây chính là những hoạt động nhằm thúc đẩy quá trình thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Hôn nay, tại Thủ đô Hà Nội, lần đầu tiên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ với 100 doanh nghiệp tiêu biểu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thay mặt lãnh đạo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, xin gửi lời cảm ơn chân thành đến các doanh nhân đã dành thời gian đến tham dự buổi gặp mặt này; đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn và chúc sức khỏe đồng chí…. thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự và động viên Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Đối với nước ta, kinh tế nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc cũng như tạo ra kỳ tích trong công cuộc đổi mới đất nước, đưa nước ta không những thoát khỏi tình trạng thường xuyên thiếu lương thực, mà còn bảo đảm an ninh lương thực, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn cùng nhiều loại nông sản đứng hàng đầu thế giới. Ngày nay, trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng, nông nghiệp lại một lần nữa khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế quốc dân, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu và lạm phát tăng cao.
Làm nên kỳ tích của nông nghiệp nước ta chính là nhờ vào sự cần cù, sáng tạo của những người nông dân- họ là những dũng sĩ trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, tạo ra nông sản, cung cấp lương thực, thực phẩm nuôi sống xã hội và đồng thời cũng chính là tầng lớp doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp- những chiến sĩ thầm lặng cung ứng các sản phẩm đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp và lưu thông, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của nông dân đến tay người tiêu dùng trong nước và quốc tế, từ đó góp phần làm cho đất nước Việt Nam phát triển và hội nhập.
Như vậy, nông dân và doanh nhân nông nghiệp chính là “2 chân” của nền kinh tế nông nghiệp nước ta. Muốn cho nền kinh tế nông nghiệp nước ta phát triển, tiến lên phía trước bền vững thì “2 chân” phải vững, phải chắc, phải đi đều và phải có sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp với nhau.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Trong những giai đoạn đầu của cách mạng, Đảng ta luôn xác định nền tảng của cách mạng nước ta là liên minh công-nông- trí thức, nền tảng đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm lên 2 cuộc cách mạng, đánh đổ 2 đế quốc to, thống nhất đất nước, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bước vào thời kỳ nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta tiếp tục hình thành liên minh liên kết 4 nhà, gồm nhà nước- nhà nông- nhà doanh nghiệp- nhà khoa học; trong đó, nông dân và doanh nghiệp là 2 nhân tố chính, quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất. Dù còn có mặt bất cập, song liên kết 4 nhà thời gian qua gắn bó, hỗ trợ, tác động và trở thành động lực để phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại.
Cho đến nay, nông nghiệp nước ta đã có bước phát triển tương đối toàn diện, tăng trưởng khá, quan hệ sản xuất từng bước được đổi mới, phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường; giai cấp nông dân ngày càng chuyên nghiệp hơn, giàu có, khá giả hơn, là chủ các trang trại, các tổ hợp tác, hợp tác xã ngày càng tăng, làm ra khối lượng nông sản phẩm ngày càng lớn.
Bên cạnh đó, chúng ta đã có khoảng trên 4.500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp theo Luật doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả. Mặc dù con số này chỉ chiếm khoảng dưới 1% số doanh nghiệp trong cả nước, nhưng các doanh nghiệp nông nghiệp đã có nhiều đóng góp quan trọng, tạo động lực, trở thành đầu tầu, là hạt nhân của tiến trình chuyển đổi cơ cấu nền nông nghiệp của Việt Nam, góp phần đưa nền nông nghiệp từng bước thoát khỏi tình trạng sản xuất manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp, thiếu tính chủ động, xa rời thị trường, năng suất thấp và luôn phụ thuộc vào thiên nhiên; bước đầu hình thành nên nền nông nghiệp phát triển theo ngành và lĩnh vực; phát huy thế mạnh của mỗi địa phương gắn với thị trường; Ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi; Chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá trị văn hóa trong sản phẩm được chú trọng hơn, ngày càng có nhiều thương hiệu nông sản nước ta được thế giới chấp nhận…
Nhưng tại sao khi nền nông nghiệp nước ta đã tạo dựng và phát triển được 2 lực lượng, vậy mà nông nghiệp nước ta vẫn chưa phát triển được như mong muốn, bà con nông dân cơ bản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát dẫn đến khủng hoảng thừa, một số nông sản phải chung tay giải cứu thời gian qua nhưng vẫn không hiệu quả? Trong khi đó, các doanh nghiệp nông nghiệp phần lớn vẫn bị động trong việc tạo ra nguồn nông sản, chủ yếu là thu mua gom nông sản để kinh doanh, xuất khẩu thô, giá trị thấp, chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; chưa tạo ra sự gắn bó, liên kết và những vùng nguyên liệu sản xuất theo chuỗi…? Do vậy mà thu nhập của cả nông dân lẫn doanh nhân đều chưa ổn định.
Thưa các quý vị đại biểu!
Nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian qua đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn: những bất lợi của thị trường và hội nhập, biến đổi khí hậu diễn ra khắc nghiệt; tác hại của ô nhiễm môi trường; vấn đề vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng; vấn đề tín dụng đen; tình trạng được mùa mất giá… đã lấy đi quá nhiều thành quả lao động của nông dân, không chỉ lấy đi một lần mà lấy đi rất nhiều lần, có hộ nông dân không còn gì để lấy, vì thế mà không ít nông dân đã từ bỏ nghề truyền thống cội nguồn làm nông nghiệp của mình để thoát nông, bởi một lý do khổ cực, vất vả, càng sản xuất càng bị lỗ.
Vì vậy, vấn đề liên kết trong hoạt động kinh tế trở lên rất quan trọng. Mục tiêu của liên kết kinh tế là tạo ra mối quan hệ kinh tế ổn định thông qua các hợp đồng kinh tế hoặc các quy chế hoạt động để tiến hành phân công sản xuất chuyên môn hoá và hiệp tác hoá, nhằm khai thác tốt tiềm năng của từng nhân tố tham gia liên kết; hoặc để cùng nhau tạo thị trường chung, phân định hạn mức sản lượng cho từng đơn vị thành viên, giá cả cho từng loại sản phẩm nhằm bảo vệ lợi ích của nhau, cùng giúp nhau để có khoản thu nhập cao nhất, chia sẻ rủi ro để hạn chế thiệt hại. Nếu để hộ nông dân cá thể không thể làm được điều này. Mặt khác, doanh nghiệp cũng rất khó tổ chức sản xuất quy mô lớn.
Nếu không có vùng nguyên liệu, doanh nghiệp phải thu gom nông sản thô, nên rất bị động, sản phẩm không đồng đều, số lượng, chất lượng hàng hóa bấp bênh… Do vậy, cần phải có sự liên kết chặt chẽ giữa nông dân với nông dân và nông dân với doanh nghiệp để xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị, loại bỏ bớt tác nhân trung gian giữa người sản xuất và doanh nghiệp, rút ngắn độ dài của kênh tiêu thụ, mang lại hiệu quả kinh tế cho cả nông dân, doanh nghiệp và người tiêu dùng, mà trước hết bảo đảm cho người nông dân có thể đổi đời trên mảnh đất của mình.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị- xã hội của giai cấp nông dân Việt Nam, do Đảng thành lập và lãnh đạo. Hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn.
Trong những năm qua, với trách nhiệm của mình, Hội Nông dân Việt Nam đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn, đến nay, cả nước đã có gần 4 triệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân mạnh dạn học hỏi, dám nghĩ, dám làm, bỏ vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Họ chính là những hạt nhân, đầu tầu trong phát triển sản xuất nông nghiệp.
Hội Nông dân Việt Nam cũng đã hợp tác, phối hợp rất hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực cung ứng, hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng ở lĩnh vực xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm còn rất hạn chế. Do vậy chưa tạo ra chuỗi giá trị cho từng dòng nông sản, việc sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản ở nước ta vẫn mạng tính tự phát, dẫn đến tình trạng được mùa mất giá đã làm bà con nông dân điêu đứng; và cũng có hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh nông sản gặp nhiều khó khăn do không có nguồn nguyên liệu ổn định để kinh doanh, nhiều doanh nghiệp bị phá sản.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp nhằm tạo ra chuỗi giá trị khép kín, mang lại lợi ích và chia sẻ rủi ro cho cả 2 bên và vì một nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, chiến thắng trọng hội nhập, chiến thắng thiên tai… thì vấn đề đặt ra là chúng ta phải bàn bạc, trao đổi, thảo luận, phân tích thấu đáo, và cần trả lời được 5 câu hỏi đó là:
1- Tại sao Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đẩy mạnh liên kết 4 nhà trong khi dư địa để phát triển nông nghiệp ở nước ta là rất lớn mà các doanh nghiệp hiện nay lại không mấy mặn mà khi tham gia vào lĩnh vực này, Vì sao?
2- Làm thế nào để 2 lực lượng này gắn kết chặt chẽ hơn trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, đảm bảo hài hòa lợi ích của các nhân tố tham gia chuỗi giá trị nông sản?.
3- Nông dân Việt Nam sản xuất cái gì? sản xuất như thế nào? Cách bán hàng ở đâu? giá cả như thế nào?
4- Doanh nghiệp giữ vai trò gì, trách nhiệm ra sao trong mối liên kết để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất; dự báo định hướng thị trường cho nông dân sản xuất; hỗ trợ đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ và thu mua sản phẩm cho nông dân ra sao?.
5- Hội Nông dân Việt Nam với vai trò là tổ chức chính trị xã hội của nông dân có vai trò gì để giúp mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trở lên bền vững, hiệu quả?.
Hội cùng với doanh nghiệp, nông dân cần kiến nghị những chính sách gì với Đảng, Nhà nước để bảo đảm thúc đẩy liên kết nông dân- doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bền vững vì một nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho cả 2 bên?
Xuất phát từ quan điểm đó, tôi hy vọng qua buổi gặp gỡ, tiếp xúc với 100 doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực nông nghiệp, các đại biểu sẽ trao đổi để hiểu rõ hơn về vai trò, vị trí của nông dân trong phát triển nông nghiệp và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp đối với nông dân, nông nghiệp và những thuận lợi, khó khăn, những cơ hội và thách thức để có giải pháp mạnh mẽ hơn thúc đẩy sự liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, nhằm đưa kinh tế nông nghiệp của Việt Nam chiến thắng trên mọi thị trường.
Xin trân trọng cảm ơn và kính chúc sức khỏe quý vị đại biểu, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp!
Theo: danviet.vn