Chủ tịch Quốc hội: Bắc Kạn cần đón đầu chính sách phát triển

Chủ tịch Quốc hội: Bắc Kạn cần đón đầu chính sách phát triển
Ngày 22/6, tiếp tục chương trình làm việc tại các tỉnh miền núi phía Bắc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn về tình hình kinh tế xã hội và thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Báo Bắc Kạn)

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách của Bắc Kạn ước đạt 230 tỷ đồng, bằng 44% kế hoạch. Các khoản thu đạt khá như thu ngoài quốc doanh, phí và lệ phí. Các khoản thu đạt thấp là thu tiền sử dụng đất, thu cấp quyền khai thác khoáng sản. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được duy trì, đáng chú ý là việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo và trẻ em dưới 6 tuổi. Theo chuẩn nghèo đa chiều mới, Bắc Kạn còn 29,4% hộ nghèo; 12% hộ cận nghèo.

Báo cáo về chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, thay mặt lãnh đạo tỉnh, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Kạn thừa nhận chưa đạt mục tiêu đề ra. Cho đến nay, sau 5 năm thực hiện, Bắc Kạn vẫn chưa có một xã nào đạt tiêu chí nông thôn mới, chưa có xã nào đạt tiêu chí về cơ sở văn hóa dù năm qua, Bắc Kạn đã lồng ghép việc xây dựng văn hóa cơ sở vào các chương trình khác nhau.

Hiện toàn tỉnh mới xây được nhà văn hóa xã, 9 nhà văn hóa thôn. Một số tiêu chí khác như đường nông thôn mới, điện nông thôn, tiêu chí về y tế, trường học tỉ lệ đạt vẫn ở diện ‘xôi đỗ’. Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, Bắc Kạn chỉ có 2 xã đạt 15-16 tiêu chí, 6 xã đạt dưới 5 tiêu chí và bình quân mỗi xã chỉ đạt 8 tiêu chí nông thôn mới.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bắc Kạn là tỉnh miền núi đặc biệt duy nhất trong cả nước có dân số dưới 500.000 dân, mật độ trung bình 64 người/km2. Hàng năm, thu ngân sách của Bắc Kạn tăng, thu nhập bình quân đầu người tăng, hộ nghèo giảm so với từng năm. Với nguồn nhân lực và những đặc thù riêng như vậy, kết quả mà Bắc Kạn đã đạt được đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Bắc Kạn cũng còn những hạn chế như diện tích trồng rừng vẫn còn thấp; Xây dựng nông thôn mới chưa đạt được như mong muốn. Về công tác này, cho đến nay, Bắc Kạn chưa có một xã nào đạt chuẩn nông thôn mới. Chủ tịch Quốc hội đặt giả thuyết, nếu năm nay, Bắc Kạn phấn đấu đạt 4 xã tiêu chí nông thôn mới, như vậy 5 năm tới, với tiến độ này, sẽ khó đạt được mục tiêu.

Chỉ rõ nguyên nhân là do nguồn vốn thấp; việc huy động vốn còn khó khăn, chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không có cơ chế tích cực, chính sách hỗ trợ mạnh hơn thì chắc chắc sẽ có độ chênh rất lớn giữa các tỉnh. Và cho biết ‘Quốc hội sẽ nghiên cứu các chính sách này’, Chủ tịch Quốc hội nói.

Về tình hình phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Bắc Kạn cần phải đón đầu về phát triển đường giao thông, đường cao tốc để phát triển kinh tế liên vùng trong đó chú ý phát huy tiềm năng du lịch mà hồ Ba Bể là một ví dụ.

Lãnh đạo tỉnh đề xuất với Chủ tịch Quốc hội về một chính sách đặc thù để Bắc Kạn có thể thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; phân bổ ngân sách, phân bổ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ có mục tiêu; chính sách đào tạo, thu hút đội ngũ cán bộ có trình độ cao về công tác tại tỉnh, các huyện, xã có điều kiện kinh tế khó khăn; hướng dẫn cụ thể quy định về đại biểu chuyên trách các ban Hội đồng Nhân dân các cấp.

Về chính sách cho Hội đồng Nhân dân các cấp, Quốc hội sẽ rà soát; còn việc thực hiện Luật chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật sẽ xem xét liệu có làm cho phức tạp hơn, khó khăn hơn sẽ đề nghị Chính phủ có ý kiến, Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Theo: daidoanket.vn