Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lại Xuân Môn: Tuyên truyền cho nông dân qua những mô hình cụ thể
- Chủ nhật - 26/03/2017 08:18
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo Chủ tịch Lại Xuân Môn, năm 2016, trong khi ngành nông nghiệp nhiều tỉnh, thành khốn khó vì thời tiết thất thường, giá cả sản phẩm bấp bênh… thì tại Bình Phước, các mô hình nông nghiệp do Hội ND xây dựng đang diễn ra khá sôi nổi.
Chủ tịch Lại Xuân Môn (giữa) thăm mô hình tiêu sạch của ông Trần Minh Chánh,
ấp 6, Lộc Hòa, huyện Lộc Ninh (Bình Phước) Mô hình được triển khai từ vốn vay Qũy HTND. Ảnh: Trần Đáng
Mô hình sản xuất đa dạng, hiệu quả
“Trong năm qua, các cấp Hội ND tỉnh Bình Phước đã xây dựng được 110 mô hình kinh tế tập thể hiệu quả kinh tế cao” - bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội ND tỉnh Bình Phước cho biết.
Bà Đào Thị Lanh nêu dẫn chứng, đó là mô hình trồng quýt đường của HTX quýt đường xã Tân Thành (thị xã Đồng Xoài) bằng vốn vay 300 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh. Hiện, HTX quýt đường Tân Thành có 10 hộ thành viên. Hay mô hình trồng rau sạch bằng phương pháp thủy canh diện tích 3.000m2…
Tuy nhiên, theo bà Lanh, đáng kể hơn phải là 2 mô hình nuôi bò sinh sản mà Hội ND tỉnh đang thực hiện bởi số tiền vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân lên đến 1 – 2 tỷ đồng. Ông Nguyễn Quang Hòa – Chủ tịch Hội ND phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài cho biết, Hội ND tỉnh vừa giải ngân 1 tỷ đồng cho Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản trên địa bàn với 20 hộ tham gia. “Hiện, các hộ này đang nuôi 5 – 7 con bò thịt/hộ. Họ vay thêm tiền để tăng số lượng đàn bò” - ông Hòa cho biết.
Theo bà Phan Thị Lùn (khu phố Phú Cường, một thành viên của tổ hợp tác), hiện bà đang nuôi 8 con bò, nhưng đã vay 50 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để mua thêm 2 con bò giống. “Giá bò thịt luôn ổn định. Chỉ cần nuôi 2 năm là bán bò trả xong vốn vay” - bà Lùn thổ lộ.
Đại diện lãnh đạo Ban Điều hành Qũy Hỗ trợ nông dân tỉnh Bình Phước cho biết, đơn vị này chuẩn bị giải ngân 2 tỷ đồng cho 1 dự án nuôi bò thịt với 30 hộ tham gia tại huyện Đồng Phú.
Không thể “tay không bắt giặc”
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Lại Xuân Môn nhấn mạnh, làm công tác tuyên truyền cho nông dân không thể nói suông mà phải có mô hình hiệu quả. “Nói nôm na, hiện nay, các cấp Hội ND, lãnh đạo Hội ND không thể tay không bắt giặc được nữa mà tuyên truyền phải đi liền nguồn lực hỗ trợ, với mô hình sản xuất hiệu quả…” - Chủ tịch Lại Xuân Môn thể hiện quan điểm.
Bà Đào Thị Lanh cho biết, thời gian tới đơn vị này sẽ tiếp tục nâng chất lượng hiệu quả hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình, các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. “Từ hiệu quả các mô hình đã góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới ở địa phương, góp phần nâng cao thu nhập của hội viên, nông dân. Theo đó, các hoạt động của Hội ND ngày càng phong phú về nội dung, thiết thực hơn với hội viên, nông dân” - bà Đào Thị Lanh cho biết.
Tài cơ cấu nông nghiệp là phải từ nông dân. Nếu không như thế thì không có chính sách nào giải quyết được việc tái cơ cấu nông nghiệp. Nhưng muốn tái cơ cấu từ nông dân thì phải bằng các mô hình phát triển nông nghiệp cụ thể, không thể nói chung chung…”. Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN - Lại Xuân Môn |