Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất
Hai năm qua, từ nguồn ngân sách Trung ương, tỉnh Quảng Trị đã hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề 2.944 triệu đồng cho 26 xã thí điểm nông thôn mới (NTM) của tỉnh, huyện (bình quân 115 triệu đồng/xã) để hỗ trợ phát triển sản xuất cây, con, giống và máy móc thiết bị nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Đầu tư phát triển hạ tầng thiết yếu: 14.100 triệu đồng cho 26 xã thí điểm NTM của tỉnh, huyện để đầu tư cho các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống ở nông thôn theo đề án của các huyện nhằm tập trung trước mắt đạt chuẩn các tiêu chí gần đạt như: giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ nông thôn.

Phong trào nuôi tôm đang phát triển ở các xã ven biển


Từ nguồn ngân sách của địa phương, theo chỉ đạo của UBND tỉnh có 3 huyện đã bố trí ngân sách địa phương cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã điểm của tỉnh, năm 2011 tổng kinh phí là 3.000 triệu đồng, trong đó huyện Gio Linh: 1.000 triệu đồng xây dựng trường tiểu học xã Gio Phong; huyện Đakrông 1.000 triệu đồng xây dựng đường vào khu tái định cư thôn Phú Thành, xã Mò Ó; huyện Hướng Hóa: 1.000 triệu đồng làm đường liên thôn Bản 1 và 2 nhà sinh hoạt cộng đồng Bản 6 và thôn Thuận Hòa xã Thuận. Năm 2012, tổng kinh phí là 6.427 triệu đồng, huyện Đakrông đã phân bổ kinh phí cho 3 hạng mục bao gồm trường học, đường vào trường, đường nội thôn và đường vào khu sản xuất với tổng kinh phí là 1.827 triệu đồng; huyện Triệu Phong 5 hạng mục gồm hạng mục xây dựng chợ, đường liên thôn với số kinh phí đã phân bổ là 1.000 triệu đồng; huyện Hải Lăng hỗ trợ làm đường giao thông xã Hải Thượng và sửa chữa trạm Y tế xã Hải Tân 1.200 triệu đồng; huyện Cam Lộ với 2 hạng mục ở 2 xã Cam Thuỷ và Cam Nghĩa với tổng kinh phí đã phân bổ là 1.000 triệu đồng; huyện Gio Linh hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho 6 xã là 900 triệu đồng; thị xã Quảng Trị cũng đã hỗ trợ xây dựng tuyến đường liên thôn Tân Lệ- Như Lệ đúng tiến độ. 

Bên cạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, sự nghiệp Giáo dục- Đào tạo tiếp tục được quan tâm và phát triển toàn diện; quy mô đào tạo ngày càng mở rộng, chất lượng dạy và học từng bước nâng cao; chủ trương xã hội hoá lĩnh vực Giáo dục- Đào tạo được triển khai tích cực nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập. Phong trào xây dựng trường chuẩn quốc gia được chú trọng. Đến nay toàn tỉnh có 186 trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 66%. 

Toàn tỉnh có 140/141 xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; trong đó có 20 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn mức độ 2; 120 xã đạt chuẩn mức độ 1; 140/141 xã, phường, thị trấn duy trì đạt chuẩn quốc gia về phổ cập THCS. 10/10 huyện, thị xã, thành phố duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS và 10/10 huyện, thành phố, thị xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. 

Công tác bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân được chú trọng, đặc biệt là thực hiện chính sách khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách. 

Kết quả đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo Quyết định số 370) của các xã trên địa bàn tỉnh là 86 xã, chiếm 73,5%, các xã chưa đạt chủ yếu là ở các huyện Hướng Hoá, Đakrông, Hải Lăng. Nếu theo chuẩn mới của Bộ Y tế thì tỷ lệ đạt chuẩn về trạm y tế xã của nhiều địa phương sẽ giảm, nguyên nhân là do hầu hết các trạm y tế đã đầu tư từ lâu, hiện nay đã xuống cấp, số phòng chưa đảm bảo, nhân lực còn thiếu, đặc biệt là đội ngũ bác sĩ, trang thiết bị và danh mục thuốc còn thiếu theo quy định. 

Đến nay toàn tỉnh có 124.328/146.804 gia đình được công nhận gia đình văn hoá (đạt 84,6%); 1.666/2000 làng, bản, khu phố, cơ quan đơn vị, trường học đạt danh hiệu văn hoá (chiếm tỷ lệ 83,3%). Có 3 huyện, thị xã điển hình về văn hoá là thị xã Quảng Trị, huyện Hải Lăng và Vĩnh Linh.

Có 100% làng, khu phố đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả các quy ước, hương ước của làng, khu phố, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp trong lễ cưới, việc tang được duy trì tốt, một số hủ tục đang dần được xoá bỏ. Gắn văn hoá xây dựng nông thôn mới, phát triển mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. 

Trong 2 năm đã xây dựng thêm được 17 nhà văn hoá, nâng số nhà văn hoá của xã lên 139 nhà, có 772 nhà văn hoá thôn, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao được tiếp tục duy trì. Toàn tỉnh hiện có 1.000 câu lạc bộ với các loại hình, tổ chức sinh hoạt tương đối có nền nếp. 

Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã triển khai có hiệu quả, tỷ lệ hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 83,74%, trong đó có 30,5% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn 02:2009/BYT, 84% số nhà trẻ, mẫu giáo và 96,3% trường học có công trình cấp nước, nhà tiêu HCS, 100% số trạm y tế nông thôn có công trình cấp nước và nhà tiêu HVS. 

Gắn với công tác tuyên truyền vận động, các phong trào vệ sinh nông thôn của các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...đã hình thành nhiều mô hình thu gom rác thải trong nông thôn có hiệu quả, gắn với các hoạt động thiết thực và thường xuyên, đặc biệt là các mô hình thu gom rác thải, thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng như ở xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh. 

Thông qua quy hoạch xây dựng NTM, nhiều nghĩa trang nhân dân đã được quy hoạch tốt hơn, đồng thời vận động người dân thực hiện tốt việc di dời mồ mả xa khu dân cư và tập trung đất cho sản xuất nông nghiệp, điển hình như một số xã ở huyện Cam Lộ. 

Công tác xây dựng chính quyền, nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp được chú trọng. Công tác tổ chức cán bộ được chú trọng gắn việc đào tạo, bồi dưỡng với quy hoạch và sử dụng cán bộ, từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là cán bộ chuyên quản lĩnh vực NTM. Công tác cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa” ngày càng được tăng cường và triển khai có hiệu quả. 

Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản được ổn định, công tác bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền biển đảo được tăng cường; gắn chặt với nhiệm vụ phát triển kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội tại các địa bàn trọng yếu. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh nội bộ, kinh tế, văn hoá, tư tưởng, thông tin và nông thôn. Tổ chức có hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm. Thực hiện tốt công tác xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đấy tranh chống tội phạm theo hướng tự phòng, tự quản, tự hòa giải tại cơ sở. 

                                                        Bài, ảnh:  NGUYÊN ANH
Nguồn baoquangtri.vn