Chủ yếu làm nông nghiệp là nữ giới

Viện Nghiên cứu Gia đình-Giới vừa công bố một nghiên cứu cho thấy, phụ nữ đang là lực lượng lao động chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập thấp của họ thấp và đối mặt với nhiều rủi ro do phải tiếp xúc trực tiếp với các loại thuốc trừ sâu, phân bón.

“Nữ nội, nam ngoại”

Hiện nay, khi công nghiệp hóa đang được tiến hành mạnh mẽ thì xu hướng thoát ly đi làm công nhân ngày càng trở nên phổ biến. Vì vậy, lực lượng lao động chính trong nông nghiệp ở nhiều miền quê chủ yếu là phụ nữ, người già… Xu hướng này cũng được phán ánh trong nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình- Giới về phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Chu yeu lam nong nghiep la nu gioi - Anh 1

Phụ nữ đang là lao động chính trong lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: TTXVN

Năm 2015, Viện Nghiên cứu Gia đình- Giới đã khảo sát ở một số xã ở Hải Dương, Hòa Bình, Bình Định, Tiền Giang. Nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ đang là lực lượng chủ yếu tham gia trồng lúa và cây ăn quả. Bên cạnh đó, đất đai ở nông thôn đang bị thu hẹp do công nghiệp hóa, hoạt động nông nghiệp ngày càng hiện đại hơn nhờ cơ giới hóa nên tình trạng “nữ nội, nam ngoại” khá phổ biến ở các làng quê.

Do vậy, đa số nam nông dân sẽ di cư tìm việc nên gánh nặng làm nông nghiệp, việc gia đình của phụ nữ lại nhiều hơn. Họ vừa phải sản xuất lúa và cây ăn quả, lại phải chăm sóc con cái, gia đình, quán xuyến việc nhà, họ hàng và cộng đồng...

Chị T.L.N, một nữ nông dân ở Hải Dương cho biết: “Tôi phải làm nông nghiệp một mình do chồng đi lao động xa, phải gánh vác toàn bộ công việc trồng vải như phun thuốc sâu, vận chuyển,...”.

Tương tự, “Chồng làm nghề xây dựng, luôn luôn đi làm ăn xa, nên ở nhà tôi phải lo liệu hết. Khó khăn nhất là khi vào mùa vụ, có anh ấy về thì đỡ hơn nhưng không có ở nhà thì mình phải làm hết”, chị N., nông dân trồng lúa ở Bình Định cho biết.

PGS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình-Giới cho biết, đang có thực trạng “phụ nữ hóa nông nghiệp” do nam giới di cư nhiều, khiến lao động đồng áng dồn lên vai những nữ nông dân. Phụ nữ hiện nay không chỉ làm những công việc trồng trọt truyền thống như gieo cấy, làm cỏ… mà còn đảm nhiệm cả những hoạt động vốn trước kia của nam giới như cày bừa, bón phân, phun thuốc sâu... Điều đó làm tăng áp lực công việc nông nghiệp cho phụ nữ.

Nghiên cứu cũng cho thấy, nữ giới, đặc biệt là thuộc nhóm tuổi trung niên đang là lực lượng chủ yếu tham gia trồng lúa, cây ăn quả ở nhiều địa phương. So với phụ nữ ở vùng đồng bằng, quyền quyết định trong trồng trọt giống cây trồng, vay vốn, mở rộng sản xuất, bán sản phẩm.. của phụ ở miền núi hạn chế hơn.

Một nghiên cứu khác của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) về bất bình đẳng giới năm 2015 trên hơn 8.000 người cũng chỉ ra rằng, phụ nữ làm nhiều việc nông nghiệp hơn. Nam giới hay làm nhất là phun thuốc và làm đất. Còn phụ nữ tham gia vào hầu hết các khâu từ gieo trồng, bón phân, làm cỏ, thu hoạch, trông nom, chế biến, bán sản phẩm, quản lý thu chi…

TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng ISDS cho biết: “Trong sản xuất phụ nữ cũng làm nhiều hơn, 12/14 việc gia đình lại chủ yếu do phụ nữ đảm đương. Đàn ông làm nhiều ở việc thắp hương và sửa chữa đồ dùng. Đây là nghịch lý cho thấy sự bất bình đẳng giới trong phân công lao động, xuất phát từ những định kiến giới”.

Cởi bỏ những ràng buộc

Theo các chuyên gia, định kiến của giới truyền thống về vai trò của phụ nữ trong hoạt động sản xuất còn bảo lưu vững chắc trong nhiều người phụ nữ. Nhiều nữ nông dân còn tâm lý tự ti, phụ thuộc vào người chồng. Nhận thức về giới của cán bộ cơ sở và chủ doanh nghiệp nông nghiệp, đặc biệt là nam giới chưa cao.

Chu yeu lam nong nghiep la nu gioi - Anh 2

Cần có chính sách giúp phụ nữ vươn lên trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa. Ảnh: TTXVN

PGS.TS Nguyễn Hữu Minh cho rằng, những cải cách về chính sách đối với nông nghiệp nông thôn tạo nhiều thuận lợi cho nữ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Gia đình- Giới, việc chuyển nhượng và thuê đất trồng trọt chưa phổ biến, tình trạng manh mún đất đai, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên hai người chưa kịp thời gây khó khăn nhất định cho phát triển sản xuất của nữ nông dân; nguồn vốn vay bằng thế chấp lãi suất còn cao và thời gian cho vay ngắn, chưa phù hợp với chu trình phát triển của cây trồng đặc biệt là cây ăn quả khiến nhiều phụ nữ ngần ngại trong tiếp cận vốn vay để phát triển trồng trọt.

Ngoài ra, cơ hội tham gia các lớp tập huấn khuyến nông của phụ nữ còn hạn chế, đặc biệt là ở miền núi và đối với các khóa tập huấn về trồng cây ăn quả. Phụ nữ cũng ít có cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường. Điều này khiến cho phụ nữ hạn chế hơn trong thực hành kỹ thuật trồng trọt, thụ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

Do vậy, “để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nữ nông dân trồng lúa và cây ăn quả cần sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên cả vợ và chồng; tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có thể tiếp cận với hình thức vay vốn có thế chấp mà không bị ảnh hưởng bởi việc có tên trong 'sổ đỏ'; có chính sách chăm sóc sức khỏe và những hỗ trợ về mặt bảo hộ lao động cho nữ nông dân vì họ đang là người chủ yếu trực tiếp tiếp xúc với thuốc sâu và làm việc ở môi trường có nhiều ảnh hưởng không tốt tới tình trạng sức khỏe…”, PGS.TS Nguyễn Hữu Minh cho biết.

Hữu Vinh
theo 
Tin Tức TTX