Chưa có chương trình nào đi vào cuộc sống như xây dựng nông thôn mới
- Chủ nhật - 16/04/2017 10:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bí thư tỉnh ủy Lê Đình Sơn khẳng định năm 2017 Hà Tĩnh tiếp tục ưu tiên nguồn lực cho NTM |
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, đến thời điểm này, cả nước đã có 2.656 xã (29,76%) đạt chuẩn NTM, tăng 263 xã so với năm 2016; bình quân cả nước đạt 13,87 tiêu chí/xã; còn 190 xã dưới 5 tiêu chí. Có 33 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM.
Năm 2016, tổng nguồn vốn ngân sách trung ương dành cho Chương trình là 6.897 tỷ đồng; năm 2017 dự kiến cả nước sẽ huy động khoảng hơn 222 nghìn tỷ thực hiện Chương trình này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu sắp tới các địa phương cần nỗ lực khắc phục hạn chế trong quá trình làm NTM giai đoạn 2010 – 2015 |
Được đánh giá là tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo, theo ông Lê Đình Sơn, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, hơn 6 năm qua Hà Tĩnh xác định cốt lõi xây dựng NTM là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Vì thế, ngay từ năm 2012 tỉnh đã quy hoạch xây dựng sản phẩm chủ lực, sau đó khi Thủ tướng phê duyệt đề án tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng NTM thì Hà Tĩnh bắt đầu phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 yếu tố cần gồm: doanh nghiệp, khoa học công nghệ và HTX, tổ hợp tác.“Đến nay Hà Tĩnh đã có những sản phẩm hình thành theo định hướng trên như: cây ăn quả, chăn nuôi bò, lợn, hươu, nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Vì thế, những năm tới Hà Tĩnh sẽ tiếp tục ưu tiên nguồn lực tối đa để hỗ trợ các địa phương, người dân thực hiện Chương trình. Riêng năm 2017, dù ngân sách khó khăn nhưng tỉnh sẽ dành khoảng 300 tỷ đồng cho NTM, thậm chí tới đây thu ngân sách thêm được đồng nào tỉnh cũng sẽ ưu tiên hỗ trợ thêm cho Chương trình này đồng đó”, ông Sơn nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan thực tế một số điểm xây dựng NTM ở Hà Tĩnh |
Theo Bí thư Hà Tĩnh, xây dựng NTM là một “cuộc cách mạng” vì thế phải làm kiên trì và quan trọng nhất là tạo được ý thức tự giác của dân. Kinh nghiệm Hà Tĩnh rút ra được tiếp theo là sự vào cuộc của cán bộ quyết định thành – bại của chương trình, ở đâu cán bộ làm NTM từ cái tâm, trái tim mình thì ở đó phong trào sẽ lên. Yếu tố thứ 3, phát huy tối đa quyền dân chủ cơ sở. Ban hành cơ chế chính sách kịp thời. Kiểm tra, nhắc nhở cơ sở thường xuyên. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhưng xã chủ động làm, huyện hướng dẫn còn tỉnh giám sát, hỗ trợ chính sách. Đặc biệt, Văn phòng điều phối NTM các cấp phải chuyên nghiệp dần, hướng đến làm chuyên trách chứ không phải là cán bộ điều động như hiện nay.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Xây dựng NTM là chương trình hành động cụ thể, tổng hợp, đầy đủ nhằm thể chế hóa thực hiện NQ26 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Giai đoạn 1(2010 – 2015) xây dựng NTM trở thành phong trào sâu rộng, ý nghĩa và hết sức thiết thực. Nhưng năm gần đây chưa có chương trình nào đi vào cuộc sống như vậy. Trong một thời gian ngắn, cả nước huy động được gần 900 nghìn tỷ; hoàn thiện một phần lớn các thiết chế hạ tầng; giao thông, công trình thủy lợi tăng gấp 10 lần giai đoạn 2005 – 2010; hơn 20 nghìn mô hình ở các quy mô khác nhau “sống” được, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
“Tuy nhiên, giai đoạn này vẫn có nhiều nút thắt, bất cập như: Khoảng cách vùng miền ngày càng giãn rộng; 19 nhóm tiêu chí đưa ra nhưng áp dụng vào nhiều vùng không phù hợp, đặc biệt là nhóm tiêu chế cứng: đường, trường, trạm, chợ...; công tác chỉ đạo đến phân bổ nguồn lực đang tập trung nhiều vào cơ chế hạ tầng mà chưa chú trọng đổi mới sản xuất, thay đổi tư duy, môi trường sống, môi tường sản xuất; một số nơi chạy theo tiến độ dẫn đến nợ nhiều..., buộc các địa phương phải nỗ lực khắc phục trong giai đoạn mới (2016 – 2020)”, Bộ trưởng nói.
Trước đó, chiều 14/4 các đại biểu tham dự hội nghị đã đến tham quan thực tế một số điểm xây dựng NTM trên địa bàn Hà Tĩnh như: huyện Hương Khê, Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên...