Chung sống với nắng hạn: Trồng gì trên 'chảo lửa'?

Để có thể "chung sống với nắng hạn" tại khúc ruột miền Trung, điều đầu tiên và cần nhất theo tôi là phải phủ lại màu xanh cho cả vùng.
Một vườn trôm ở Bình Thuận
Ở ĐBSCL, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng có một chỉ thị bất hủ: “Chung sống với lũ”. Đúng vậy, nếu chúng ta không cưỡng nổi thiên nhiên thì ta nên nghĩ tới cách sống tốt nhất trong hoàn cảnh đó!
Vậy, cả khúc ruột miền Trung luôn luôn chịu cảnh nắng hạn kéo dài thì có lẽ, chúng ta cũng nên nghĩ tới các biện pháp để “chung sống với nắng hạn”.
Hồi mới giải phóng, tôi vào giúp cho bà con ở Bình Trị Thiên. Anh Từ Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh nói với tôi: “… Ở đây, bọn mình có 5 thế mạnh là: Nắng nhiều, cát nhiều, gió nhiều, đá nhiều và biển nhiều”.
Tôi nghe mà thấy khó chấp nhận. Ở vùng này nổi tiếng với bài hát “Bình Trị Thiên khói lửa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương. Lũ bạn tôi khi đi vào đấy đều gặp đúng lúc nắng như thiêu, như đốt nên đã đổi tên bài hát là “Bình Trị Thiên…tóe lửa”. Vậy mà…
Đoán được ý tôi, anh Từ Sơn từ tốn giải thích: “Ở đây, các điều kiện bất lợi và khốc liệt. Nhưng, nếu ta biết biến cái bất lợi thành cái thuận lợi thì ta sẽ thắng…”.
Tôi sững sờ với cách giải thích của anh. Nó quả là một chân lý. Tôi nhớ mãi lời dạy đó và nghiệm vào cách địa phương mà mình đến giúp: Phải luôn luôn biến cái bất lợi thành cái thuận lợi thì mới thành công.
Miền Trung nắng hạn quá dữ dội. Khi đi dọc dải đất này, ta ngao ngán nhìn những cồn cát nóng bỏng, trơ trụi. Chúng đang sa mạc hóa dần dần. Cây còn không lên nổi thì có con vật nào sống được ở đây nữa. Bà con trên vùng đất này dù có chịu khó đến mấy thì vẫn không tránh khỏi một cuộc sống chật vật, cùng gian khó.
Con chó canh nhà chả thèm sủa. Nó uể oải liếc nhìn khách lạ như trách móc: “Sao không mang cái gì cho tao ăn?...”. Sự sống héo mòn. Vậy, phải làm gì cho bà con trên vùng đất nóng bỏng này?!
Theo chúng tôi, trước hết ta phải phủ lại màu xanh cho cả vùng đất đó. Việc này ta đã làm, làm rất cố gắng nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Tuy nhiên, có một đối tượng đầy triển vọng mà có khả năng đảm nhận nhiệm vụ này. Đó là cây neem - cây xoan chịu hạn.
Ở Ninh Thuận, Bình Thuận - nơi khô nóng nhất miền Trung, đã có rất nhiều vùng được phủ xanh bằng cây neem. Loài cây này đã được GS Lâm Công Định đưa từ châu Phi về Việt Nam từ năm 1981. Tính tới nay đã gần 35 năm rồi. Neem chịu hạn rất giỏi. Những nơi khô nóng nhất ở ta, nó vẫn mọc được. Neem đủ sức phủ canh tất cả hoang mạc hiện nay của chúng ta. Vấn đề là, tổ chức như thế nào và ai sẽ tham gia trồng.
Có lẽ, ta nên huy động để thanh niên tình nguyện cả nước về đây tham gia một mùa xanh đầy ý nghĩa. Mỗi năm, thanh niên tình nguyện sẽ trồng lấy vài nghìn hoặc vài chục nghìn ha cây neem thì chả mấy chốc cả miền Trung sẽ được phủ xanh.
Có rừng cây là ta giữ được nước. Mà có nước thì sẽ có tất cả… Đây là việc đầu tiên mà chúng ta nên làm. Tôi đã trao đổi với Ban Thanh niên nông thôn của Trung ương Đoàn. Họ đã sẵn sàng… Mặt khác, ta cần lựa chọn những loại cây có khả năng chịu hạn tốt mà lại cho nguồn thu nhập cao để tổ chức cho bà con trồng.
Ở Bình Thuận, thanh long đã trở thành cây trồng số 1 của tỉnh. Nó có họ hàng với xương rồng nên khả năng chịu hạn khá tốt. Tuy nhiên, nó vẫn cần có nước tưới.
Trong lúc đó, cây trôm lại tỏ ra chịu hạn tốt hơn nhiều. Ngay ở Vĩnh Hảo, nơi khô nóng điển hình ở miền Trung mà trôm vẫn mọc tốt. Nếu ta khéo tổ chức khâu thu mua và chế biến mủ trôm thì đó cũng là một giải pháp hữu hiệu, giúp cho bà con ta có nguồn thu đáng kể.
Một đối tượng nữa cũng nên nhắc tới, đó là cây bụp giấm. Ở Tuy Phong (Bình Thuận), lượng mưa chỉ khoảng 600 mm/năm, thế mà người ta đã trồng được hàng chục (có khi là hàng trăm) ha bụp giấm.
Bụp giấm là cây thuộc họ bông, có nguồn gốc từ Tây Phi. Nó chịu hạn rất tài. Nóng như sa mạc mà cây vẫn lên tươi tốt. Người ta trồng bụp giấm để thu lấy đài hoa. Đài hoa của nó dày và có màu tím. Nó có vị chua rất độc đáo và thường được dùng để làm trà, làm thuốc, làm mứt, làm si-rô… Hàm lượng vitamin C trong bụp giấm rất cao. Nếu ta tổ chức tốt việc trồng, thu hái và tiêu thụ bụp giấm thì cũng là một giải pháp hay cho bà con ở vùng khô hạn. Nhiều Cty nước ngoài cũng đã quan tâm tới bụp giấm. Cần khâu nối, liên kết để SX và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Có lẽ còn vô vàn các loại cây trồng mà chúng ta nên lưu ý để đưa vào cho những vùng khô nóng này. Điều quan trọng nhất là giúp cho bà con có được những loại cây trồng mà cho họ có nguồn nhập cao. Các cụ ta đã nói: “Có tiền, mua tiên cũng được!” (chứ dăm cây lương thực thì đáng bao nhiêu!).
TS Phan Quốc Kinh - một chuyên gia đầu ngành về dược còn cho chúng tôi biết một đối tượng rất quý, đó là cây tật lê (hay còn gọi là bạch tật lê). Trong lúc đối với bà con, cây này còn bị xếp vào loại cây đáng nguyền rủa. Nó mọc hoang trên cát ở khu vực miền Trung.
Cây bò hoang ra như cây trinh nữ. Tuy thân cây không có gai nhưng quả thì lại có gai rất sắc. Xe đạp đi qua có thể bị thủng lốp. Bà con còn gọi nó là cây gai yết hầu, gai sầu, gai trống, gai ma vương…Nếu đạp phải nó là bị sưng chân.
Tuy nhiên, nó lại là một loại dược liệu quý. Người ta cho biết, trong tật lê, có chứa nhiều chất nhưng quan trọng nhất diosgenin, gitogenin và clorogenin. Đó là những chất có tác dụng tăng cường sinh lý.
Tôi sang Mỹ và được thấy những viên thuốc Zeturin (có màu xanh như viên Viagra nhưng được đóng viên theo kiểu con nhộng). Nó có tác dụng tăng cường sinh lý không chỉ cho đàn ông nào cả cho các bà đã đến tuổi mãn kinh.
Trong thành phần của thuốc có tới 40% là từ cây tật lê (Tribules terestric.L). Thuốc ấy rất quý, bán đắt như tôm tươi. Nhiều người phải đặt trước mới có. Trong lúc ở ta, cây tật lê mọc hoang trên các bãi cát nóng ở miền Trung.
Tôi ra đảo Phú Quý (Bình Thuận) thấy cây tật lê mọc kín các lối đi, bà con phải cuốc dọn hàng tuần để khỏi bị gai đâm vào chân. Đúng là, ta đứng trên vàng mà không biết biết khai thác. TS Phan Quốc Kinh thì dùng nó để làm thuốc tăng lực cho vận động viên. Nó có tác dụng rất tốt, nếu có doanh nghiệp nào đi sâu vào khai thác loài cây này thì bà con ta nên trồng. Cây hoang còn lên tốt thì nếu trồng, cây sẽ mọc khỏe hơn nhiều. Loại dược liệu quý này là điều mơ ước của hàng tỷ người. Vậy, ta chớ thờ ơ với chúng.
Ở mảnh đất miền Trung khô nóng này, có lẽ ta nên xem xét lại việc trồng bông. Lâu nay, các giống bông của ta vừa cho năng suất thấp, vừa bị rất nhiều sâu bệnh phá hoại. Trong lúc, nhu cầu về bông lại lớn. Hơn 90% bông phải nhập từ nước ngoài. Ta nên đưa các giống bông chuyển gen vào canh tác, chúng vừa không bị sâu bệnh vừa cho năng suất rất cao.
Nếu huy động được các doanh nghiệp đầu tư vào đây để cơ giới hóa cho ngành trồng bông thì vừa tăng năng suất, vừa hạ được giá thành, đủ sức cạnh tranh với thế giới. Có ai tài giỏi vận động được bầu Đức ngó tới cây bông không? Ông ấy mà sờ vào là dân được nhờ đấy! (Còn nữa)
Theo: nongnghiep.vn