Chung tay vì nền nông nghiệp sạch

Dưới góc nhìn của ông ĐINH MINH HIỆP, Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) TPHCM, để có nền nông nghiệp sạch cần phải có sự chung tay của nông dân - nhà quản lý - người tiêu dùng.
Chung tay vì nền nông nghiệp sạch
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, hiện nay 2 khái niệm NNCNC và NNHC đang được nhắc đến nhiều. Vậy chúng có sự khác biệt gì?
Ông ĐINH MINH HIỆP: - NNCNC là nền nông nghiệp trong đó có ứng dụng hàm lượng khoa học công nghệ, ứng dụng các thành tựu công nghệ trong sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cho sản phẩm nông nghiệp, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội và đảm bảo một nền nông nghiệp bền vững. Còn NNHC là đi vào bản chất của canh tác nông nghiệp, tương tự các làm của ông bà ta xưa khi chưa biết sử dụng hóa chất trong nuôi trồng. 
Có thể thấy sau một thời gian dài nông dân sử dụng hóa chất thiếu kiểm soát trong nông nghiệp đã gây ra những hệ quả không tốt, không đảm bảo sinh thái gây ô nhiễm môi trường, đất đai cằn cỗi dẫn đến sự phát triển không bền vững. Chính vì thế nông nghiệp hiện nay đang hướng tới quay lại hình thức canh tác nông nghiệp từ xa xưa, tôn trọng tự nhiên, sản xuất theo hướng sinh thái bền vững.
Tuy nhiên, cần phải nói rõ, trước đây khái niệm sinh thái bền vững là vẫn sử dụng thuốc trừ sâu nhưng có kiểm soát như chương trình IPM (quản lý tổng hợp canh tác nông nghiệp, dùng thuốc bảo vệ thực vật đúng và đảm bảo). Nhưng hiện nay theo xu hướng của nhiều nước, cụ thể là châu Âu đã đưa ra chuẩn mới cho NNHC theo hướng không sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật nào, hay nói cách khác là canh tác hoàn toàn tự nhiên nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. 
 Đầu tư NNCNC ban đầu phải cần có vốn nhưng để khấu hao và xoay vòng vốn thuận lợi hơn nhiều. Khi các doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn đến NNCNC và hỗ trợ nông dân, hoặc tự họ sản xuất trong những vùng lớn, sản lượng và năng suất sẽ tăng lên rất nhiều. Sản xuất ở quy mô công nghiệp, giá thành của các sản phẩm nông nghiệp an toàn, nông nghiệp sạch sẽ giảm nhiều, góp phần giải quyết băn khoăn về giá cho người tiêu dùng.
2 khái niệm NNCNC và NNHC có điểm giao thoa là tạo ra biện pháp canh tác bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất và đích cuối cùng tạo ra nền nông nghiệp sạch, an toàn.
Có thể thấy hiện nay tình trạng sử dụng hóa chất vô tội vạ, không rõ nguồn gốc vẫn còn khá phổ biến trong nông nghiệp, nên đầu tiên phải hướng tới việc người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có kiểm soát, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn. Ngoài ra cần nâng cao trách nhiệm của nhà quản lý trong kiểm soát và xử phạt vi phạm. Cuối cùng cần phải có sự đồng hành và chia sẻ của người tiêu dùng để đảm bảo sản phẩm lưu hành trên thị trường là sản phẩm sạch. 
- Ông có thể nói rõ hơn vai trò của 3 nhân tố nông dân - nhà quản lý - người tiêu dùng trong việc chung tay tạo ra sản phẩm nông nghiệp sạch?
- Trước hết nói về người nông dân, không phải họ không biết sản xuất nông nghiệp sạch, hay khái niệm nông nghiệp bền vững. Nhưng khi trò truyện mới hiểu rằng họ cũng vì “cơm áo gạo tiền”, nếu không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sản phẩm không đẹp, khó bán, thời gian canh tác lâu…
Vì thế nên hỗ trợ để nông dân hiểu rõ hơn vấn đề khi hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm tốt, vẫn đảm bảo cuộc sống cho họ. Lâu nay khi nhắc đến NNCNC hay NNHC nhiều người thường nói đến vai trò của doanh nghiệp. Nhưng doanh nghiệp chỉ là người tổ chức thực hiện còn nông dân là người trực tiếp canh tác trên đồng ruộng, nên thay đổi nhận thức, trình độ, kỷ luật cho nông dân là hết sức quan trọng. 
Về vai trò của nhà quản lý, nên có những biện pháp xử lý mạnh tay hơn, quản lý nhà nước phải thể hiện tính nghiêm minh những người làm ăn gian dối mới sợ, không dám làm. Hiện nay TPHCM đang thực hiện đề án truy suất nguồn gốc các sản phẩm như thịt heo, rau củ, thịt và trứng gia cầm… nếu những việc này thực hiện tốt sẽ là nền tảng của chuỗi thực phẩm an toàn. 
Còn với người tiêu dùng, có lẽ cần nhận thức rõ bản chất của vấn đề hơn. Khi ta mong muốn có sản phẩm sạch, chất lượng cho bữa ăn hàng ngày cũng phải chấp nhận trả một cái giá xứng đáng. Bởi khi người nông dân làm đúng quy trình, canh tác an toàn sẽ đội thêm nhiều chi phí, thậm chí trong canh tác còn có những rủi ro nhất định. Tất nhiên trong bối cảnh thu nhập hiện nay của đại bộ phận người dân vẫn chưa cao, là lý do nhiều người chọn mua thực phẩm ở chợ thay vì mua ở trong siêu thị có kiểm soát. Song về lâu dài khi NNCNC được phát triển rộng khắp, giá cả sẽ được kiểm soát tốt hơn để sản phẩm an toàn có thể đến với nhiều người tiêu dùng hơn. 
- Ông có thể chia sẻ việc phát triển mô hình NNCNC từ Ban quản lý xuống tới doanh nghiệp, nông dân tại TPHCM cũng như ra các tỉnh thành lân cận?  
- Ban quản lý khu NNCNC hoạt động chính thức từ năm 2010 sau khi tiếp nhận công nghệ từ Israel. Đến nay chúng tôi đã chuyển giao nhiều mô hình cho doanh nghiệp, nông dân TPHCM cũng như các tỉnh bên ngoài, với nhiều mô hình trồng dưa lưới, cà chua bi, ớt, lan, nuôi cá cảnh…
Tuy nhiên việc chuyển giao chỉ là một phần, yếu tố quan trọng đầu tiên khi triển khai NNCNC là phải có vốn, bởi đầu tư ban đầu khá tốn kém nên mô hình này cũng kén người đầu tư. Hiện việc vay vốn ngân hàng không dễ. Các ngân hàng dù hiểu nhà màng, nhà lưới có giá trị cao nhưng lại xếp vào loại công trình tạm và thanh khoản thấp. Nếu người vay không trả được nợ, ngân hàng siết nợ cũng không biết bán tài sản cho ai. Do đặc thù như vậy nên ngân hàng không nhận tài sản thế chấp này, hộ nông dân muốn làm NNCNC phải dùng nhà, đất thế chấp vay vốn. 
Ngoài ra làm NNCNC cần phải có hiểu biết nhất định và phải tuân thủ kỹ thuật, trong khi nông dân chưa quen tác phong công nghiệp nên rất khó triển khai trên diện rộng. Thêm vào đó chúng tôi cũng chỉ song hành cùng người nông dân trong giai đoạn đầu chuyển giao, còn những giai đoạn tiếp theo cũng khó mà biết hết hiệu quả. Vì lẽ đó, chúng tôi cũng chưa có những thống kê chính xác về hiệu quả trong chuyển giao. 
- Xin cảm ơn ông.

THANH LÂM/saigondautu.com