Chương Mỹ: Hướng đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn

Chương Mỹ: Hướng đến các sản phẩm nông nghiệp an toàn
Cùng với phát triển nông nghiệp chuyên canh tập trung, huyện Chương Mỹ còn đặc biệt quan tâm phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm cho ra những sản phẩm nông sản an toàn, chất lượng cao.
Mô hình trồng bưởi diễn an toàn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thành Nam

Huyện Chương Mỹ có đặc điểm địa hình vừa mang đặc trưng vùng đồng bằng sông Hồng, vừa mang đặc trưng vùng bán sơn địa được chia làm 3 vùng địa hình có định hướng phát triển cây trồng, vật nuôi khác nhau. Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, những năm qua, huyện đã tập trung chỉ đạo tái cơ cấu lại nền nông nghiệp, thực hiện rà soát quy hoạch các vùng chuyển đổi theo hướng tập trung và vùng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đến nay, huyện đã cơ bản hình thành được các vùng sản xuất chuyên canh.

Nam Phương Tiến là vùng trồng bưởi Diễn lớn nhất của Chương Mỹ với gần 300 ha, trong đó 150ha trong độ tuổi thu hoạch. Năm 2018, sản lượng bưởi của xã đạt hơn 2.700 tấn, cho hiệu quả kinh tế đạt trung bình 700 triệu đồng/ha. Không chỉ có Nam Phương Tiến, đến nay, bưởi Diễn còn được trồng tập trung quy mô lớn tại 7 xã, thị trấn của huyện Chương Mỹ với khoảng 680ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 320ha. Năm 2018, năng suất bưởi của Chương Mỹ đạt 7.500 tấn, giá trị kinh tế đạt 150 tỷ đồng. Đến nay, trên địa bàn huyện đã xây dựng được vùng sản xuất lúa hữu cơ tại xã Đồng Phú với diện tích 90 ha, vùng bưởi hữu cơ diện tích ha tại xã Nam Phương Tiến.

Rau an toàn cũng là mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Chương Mỹ. Hiện toàn huyện có 382 ha sản xuất rau chuyên canh. Các vùng sản xuất rau đã  được xây dựng hạ tầng giao thông nội đồng. Riêng 2 vùng rau lớn của huyện tại thị trấn Chúc Sơn và xã Thụy Hương với diện tích 145,5 ha đã có 5 công ty, đơn vị đến thuê đất, liên kết với nông dân phát triển vùng rau an toàn VietGAP, hữu cơ. Trung bình mỗi năm vùng rau của Chương Mỹ cung ứng cho thị trường Hà Nội hơn 19.000 tấn các loại. Trong đó, sản lượng qua sơ chế, chế biến là 960 tấn/năm, cung cấp chủ yếu cho các siêu thị, trường học, bệnh viện… trên địa bàn Thành phố.

Trong số các sản phẩm chủ lực kể trên thì lúa gạo sản xuất theo phương pháp hữu cơ tại xã  Đồng Phú là một điển hình của Chương Mỹ, đây cũng là sản phẩm lúa gạo hữu cơ đầu tiên của Hà Nội áp dụng công nghệ thâm canh tiên tiến của Nhật Bản.

Để nhân rộng mô hình, huyện Chương Mỹ đã quy hoạch và phát triển các vùng trồng lúa trọng điểm tại 9 xã, mục tiêu đến năm 2020, huyện phát triển vùng lúa chất lượng cao với diện tích 3.500 ha, vùng sản xuất lúa hữu cơ diện tích 300 ha; vùng rau chuyên canh 500 ha, diện tích rau an toàn, VietGap 150 ha, diện tích rau hữu cơ 30 ha trở lên; vùng sản xuất bưởi tại các xã vùng đồi gò gắn với thương hiệu “Bưởi Chương Mỹ”, phát triển diện tích sản xuất bưởi VietGap diện tích 200 ha và bưởi hữu cơ 50 ha trở lên tập trung ở các xã vùng đồi gò.

Song song với việc chuyển đổi, đưa những cây, con giá trị cao vào sản xuất, Chương Mỹ còn đặc biệt chú trọng phát triển các mô hình theo chuỗi nhằm giải quyết bài toán an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người dân. Với hướng đi đó, đến nay, Chương Mỹ đã xây dựng và phát triển được 12 chuỗi có quy mô lớn, ổn định. Điển hình như: Chuỗi sản xuất - tiêu thụ trứng gà của Hợp tác xã Nam Việt; chuỗi chăn nuôi lợn gia công; chuỗi chăn nuôi gà gia công…

Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng các chương trình, đề án trọng tâm, phát triển sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Đồng thời, chỉ đạo xây dựng các hình thức liên doanh, liên kết, hợp tác, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, bảo đảm phát triển sản xuất bền vững, hiệu quả.

Ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã có 25/30 xã về đích nông thôn mới (NTM), còn 5 xã đã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2019; qua đánh giá giá, chấm điểm tiêu chí huyện NTM, huyện Chương Mỹ được 91/100 điểm, đã đạt 7/9 tiêu chí huyện NTM.

Để đạt mục tiêu huyện NTM vào năm 2020, thời gian tới huyện sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt các xã còn lại phấn đấu đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng. Huy động tối đa các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân, các doanh nghiệp trong xây dựng NTM...

Theo Thành Nam/thanglong.chinhphu.vn