Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm': Nâng tầm nông sản Sơn La

Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm': Nâng tầm nông sản Sơn La
Với tiềm năng, lợi thế rất lớn của mình cùng với chính sách phát triển đúng đắn, đến nay, Sơn La đã có 200 sản phẩm có lợi thế để phát triển thành các sản phẩm OCOP.

Trong đó có 9 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ gồm: Cà phê Sơn La, cam Phù Yên, nhãn Sông Mã, xoài tròn Yên Châu, chè Shan tuyết Mộc Châu, rau an toàn Mộc Châu, chè Ô long Mộc Châu, chè Tà Xùa và mật ong Sơn La...

Chăm sóc vườn nhãn tại huyện Sông Mã.

Những năm gần đây, nông nghiệp Sơn La đã đạt được nhiều thành tích nổi bật, thậm chí đã tạo được những bước nhảy vọt.

Sự thành công của nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa, dịch vụ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao là tiền đề để nhân dân tiếp tục mở rộng quy mô, tạo chuỗi giá trị gia tăng, nâng cao năng lực và thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh dịch vụ sản phẩm nông nghiệp.

Đây cũng chính là nhân tố đóng vai trò “nền tảng” để Sơn La tiếp tục duy trì xây dựng thành công Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, bền vững.

Với nhiều tiểu vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau được thiên nhiên ban tặng cho Sơn la, là điều kiện rất thuận lợi để Sơn La phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ đa dạng. Tận dụng những lợi thế, tiềm năng sẵn có này, tỉnh Sơn La đã thực hiện việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp với việc ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển.

Từ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, tổ chức hướng dẫn, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất chế biến, hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ cao, tổ chức xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản...; tổ chức thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao hiệu quả nhằm phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, làm gia tăng giá trị sản phẩm của từng địa phương theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Một trong những chủ trương đúng đắn đang phát huy hiệu quả kinh tế rõ rệt tại nhiều địa phương trong toàn tỉnh, đó là việc chuyển đổi phát triển cây ăn quả trên đất dốc thay thế cho canh tác cây lương thực kém hiệu quả. Bắt đầu từ năm 2015, Tỉnh Sơn La đã thực hiện “Đề án phát triển cây ăn quả trên đất dốc”, chuyển dịch diện tích trồng ngô và các cây trồng khác hiệu quả thấp sang trồng cây ăn quả phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng từng tiểu vùng, và hiện nay đang đem lại hiệu quả tích cực.

Nhờ đó năm 2018 Sơn La đã thu được 115 triệu USD từ việc xuất khẩu các sản phẩm nông sản sang 12 quốc gia, trong đó có một số thị trường khó tính như: Mỹ, Úc, Pháp... Trước đó, Sơn La là tỉnh không thu được một USD nào từ xuất khẩu nông sản (PV). Vụ xoài năm 2019, chỉ tính đến tháng 6, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã xuất khẩu được hơn 2.500 tấn. Cũng năm 2019, trên 8.100 tấn nhãn tươi Sơn La đã được xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Mỹ, EU, Trung Đông...

Tại địa bàn huyện Mộc Châu, nếu trước kia người dân ở đây chủ yếu là trồng ngô cho giá trị sản phẩm thấp, thì sau khi chuyển đổi sang trồng cây ăn quả theo tiêu chuẩn, không những mang lại hiệu quả cao, mà còn góp phần đưa nông sản Sơn La xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

Hướng dẫn bà con trồng chanh leo. Ảnh: Lê Bền.

Không chỉ riêng cây ăn quả, việc chuyển đổi mô hình trồng ngô sang trồng rau sạch áp dụng công nghệ cao tại Mộc Châu cũng mang lại hiệu quả rõ rệt. Trước đây bà con trồng ngô, mỗi ha cho lãi chỉ từ 10-20 triệu đồng, sau khi chuyển sang trồng rau doanh thu đạt 400-500 triệu/ha, mang lại lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay sản phẩm rau sạch được cung cấp tới người tiêu dùng qua hệ thống các siêu thị lớn ở Hà Nội như: Big C, Vinmart…

Thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) hiệu quả, nhiều hợp tác xã đã được thành lập để tạo điều kiện cho các xã viên liên kết sản xuất theo quy trình, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời cùng nhau tiêu thụ sản phẩm và gia tăng thu nhập cho các thành viên hợp tác xã.

Việc chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông sản là chủ trương lớn của tỉnh, giúp phát huy được tiềm năng lợi thế, tạo những đột phá trong sản xuất nông sản cũng như đáp ứng sự mong đợi của nông dân. Từ đó tạo ra nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương có giá trị kinh tế cao, hình thành được các vùng nuôi trồng tập trung, tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường; góp phần đưa nền nông nghiệp Sơn La phát triển ngày càng bền vững, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Để triển khai sâu rộng Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tỉnh Sơn La yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tạo các cơ chế chính sách của các cơ quan quản lý, chỉ đạo hướng dẫn, tổ chức thực hiện của các cơ quan chuyên môn...

Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo được sức cạnh tranh cho các mặt hàng nông sản chủ lực của Sơn La, giúp người dân nâng cao thu nhập, có thêm cơ hội làm giàu chính đáng từ các sản phẩm đặc trưng, bản địa của địa phương mình.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La:

Năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tiếp tục xác định đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để phát triển lực lượng sản xuất; chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, nâng cao hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất canh tác; phát triển HTX nhằm hoàn thiện quan hệ sản xuất mới theo chuỗi giá trị, trong đó HTX đóng vai trò là cầu nối giữa người nông dân và doanh nghiệp...

Theo Lê Tấn/nongnghiep.vn