Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020: Những thành công bước đầu

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020: Những thành công bước đầu
Bộ Xây dựng vừa có Báo cáo gửi Đoàn giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về các vấn đề liên quan đến Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến tháng 6/2009 trên địa bàn cả nước có 9.111 xã, tỷ lệ số xã đã có quy hoạch xây dựng chiếm tỷ lệ trung bình 23,4%. Tuy nhiên, đồ án quy hoạch xây dựng chất lượng nhìn chung còn yếu, tính khả thi chưa cao; các động lực phát triển thị tứ, trung tâm xã, điểm dân cư nông thôn được xác định chưa đầy đủ, chưa thu hút được nguồn lực đầu tư để phát triển. Để đạt được mục tiêu đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn là nông thôn mới, công tác quy hoạch xây dựng nông thôn cần phải đi trước một bước làm cơ sở: đầu tư, phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững.

Qua nghiên cứu về thực trạng của công tác lập, quản lý quy hoạch xây dựng nông thôn trên phạm vi cả nước, trên cơ sở thực hiện 11 xã thí điểm, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ "Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước" với mục tiêu đến năm 2011 cơ bản hoàn thành việc quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước, làm cơ sở để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020.

Để triển khai các nội dung và thực hiện các giải pháp tại Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 02/02/2010 của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hỗ trợ các địa phương trong công tác phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới, Bộ Xây dựng đã xây dựng Đề án “Mô hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới” với mục tiêu nghiên cứu các mô hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới theo đặc điểm sinh thái, hình thái sinh hoạt, sản xuất của dân cư của các vùng, miền có đặc trưng chung đáp ứng được các tiêu chí về nông thôn mới và có thể nhân rộng trên địa bàn cả nước; quản lý quy hoạch xây dựng, không gian kiến trúc, cơ sở hạ tầng, môi trường điểm dân cư nông thôn theo hướng xây dựng nông thôn mới gắn với phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và là khung hướng dẫn kỹ thuật cho công tác triển khai nhân rộng, phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn cả nước.

Các mô hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới được nghiên cứu và khái quát qua việc nghiên cứu 16 xã đặc trưng theo đặc điểm phát triển dân cư của từng vùng miền cả nước. Hồ sơ các đồ án đã gửi tới Sở Xây dựng, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các địa phương tham khảo và làm cơ sở hướng dẫn cho các đối tượng liên quan đến công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới nhằm đẩy nhanh tiến độ việc tổ chức lập và nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Sau hơn hai năm thực hiện Chương trình rà soát quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên phạm vi cả nước, kết quả thực hiện công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc, số xã đã hoàn thành việc phê duyệt quy hoạch xã nông thôn mới đạt tỷ lệ 74,6% so với tổng số xã trên toàn quốc. Đến nay, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, cộng với sự tham gia vào cuộc của nhân dân, đặc biệt sự chỉ đạo sát sao của Chính quyền địa phương công tác quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới cơ bản đã hoàn thành trên phạm vi cả nước, tỷ lệ hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới đến hết 6/2015 đã đạt 98,2% các xã có quy hoạch xây dựng nông thôn mới.

Hướng dẫn về quy hoạch nông thôn mới

Bộ Xây dựng đã thường xuyên hướng dẫn các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương, tổ chức khoa học, cơ quan tư vấn thông qua các hội nghị, hội thảo, các cuộc làm việc trực tiếp tại các địa phương hoặc thông qua các công văn, văn bản trả lời, tài liệu hướng dẫn cụ thể. Đã tổ chức Hội nghị đã đánh giá về công tác lập quy hoạch 11 xã thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới của Ban Bí thư Trung ương Đảng để tổng kết, rút kinh nghiệm và làm rõ những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ trong thực tế triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Năm 2010, trên cơ sở Đề án “Mô hình quy hoạch xây dựng nông thôn mới”, Bộ Xây dựng cũng đã phát hành 10.200 cuốn “Sổ tay hướng dẫn về quy hoạch nông thôn mới”.

Trong quá trình triển khai công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới trên cả nước giai đoạn 2011-2015, Bộ Xây dựng luôn chủ động nắm bắt tình hình thực tế, liên tục cập nhật và điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Nghiên cứu và hướng dẫn thiết kế mẫu các loại công trình công cộng cấp xã, mẫu khuôn viên ở, nhà ở nông thôn phù hợp với các vùng miền, đặc điểm sinh thái, loại hình sản xuất, quy mô ở của từng nhóm hộ, của từng vùng cho các địa phương, ưu tiên trước vùng bị ảnh hưởng nhiều bởi thiên tai theo chỉ đạo của Trung ương. Hướng dẫn cải tạo chỉnh trang nhà ở, tạo dựng được bộ mặt nông thôn mới tại các xã, thôn, bản.

Về đào tạo tập huấn cán bộ cấp huyện, xã thực hiện công tác quy hoạch, Bộ Xây dựng đã ban hành các Quyết định về công tác tập huấn, đào tạo cán bộ địa phương. Nội dung đào tạo, tập huấn tập trung vào các văn bản pháp luật về xây dựng nông thôn mới; mô hình quy hoạch nông thôn mới gồm 11 mô hình thí điểm và 16 mô hình đặc trưng vùng khí hậu, sinh thái; công tác quản lý quy hoạch xây dựng trên địa bàn xã; công tác quản lý dự án đầu tư trên địa bàn xã. Sau 5 năm thực hiện, Học viện Cán bộ Quản lý Xây dựng và Đô thị (đơn vị thuộc Bộ Xây dựng) đã thực hiện các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 2.000 lượt cán bộ tại các địa phương trong cả nước. Việc đào tạo, tập huấn đã có những đóng góp nhất định trong việc nâng cao nhận thức và kinh nghiệm cho các cán bộ quản lý ở địa phương cũng như năng lực cho các cá nhân, đơn vị tư vấn trong việc lập quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới.

Hỗ trợ về nhà ở

Thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg và Quyết định 67/2010/QĐ-TTg, các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ nhà ở cho 531.598 hộ, đạt tỷ lệ 107% so với số hộ phê duyệt ban đầu của các địa phương là 496.025 hộ và đạt 99,9 % so với số hộ thực tế phải hỗ trợ sau khi rà soát, bổ sung là 532.315 hộ. Hầu hết các căn nhà đều vượt diện tích và chất lượng quy định. Diện tích căn nhà đa số từ 28-32m2. Nhiều căn nhà có diện tích 50-60m2. Các căn nhà được xây dựng bằng vật liệu có chất lượng tốt.

Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL (giai đoạn 2): Đã hoàn thành tôn nền, đắp bờ bao 174/179 dự án (tỷ lệ 97%). Hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Đã xây dựng xong 29.250/35.024 căn nhà (tỷ lệ 83,5%). Đã bố trí dân vào ở trong cụm, tuyến và bờ bao được 51.605/55.939 hộ (tỷ lệ 90,3%). Các dự án cụm, tuyến dân cư và bờ bao khu dân cư có sẵn được xây dựng theo đúng quy hoạch, không làm cản lũ cục bộ. Đa số các cụm, tuyến xây dựng gắn với điều kiện sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của người dân.

Thực hiện triển khai thí điểm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo nâng cao điều kiện an toàn chỗ ở, ứng phó với lũ, lụt vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung: Các địa phương đã hoàn thành hỗ trợ cho 700/700 hộ nghèo xây dựng chòi phòng tránh lũ lụt, đạt tỷ lệ 100%. Tất cả các nhà chòi đều đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân khi di chuyển lên đó ở trong thời gian có lũ. Qua thí điểm thành công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung. Theo Đề án của các địa phương là 25.817 hộ; số lượng hộ sau rà soát bổ sung là: 28.132 hộ, tăng hơn so với đề án ban đầu là 2.315 hộ. Đến 30/10/2015 đã thực hiện hỗ trợ được 5.374 hộ, đạt tỷ lệ 21% so với Đề án và đạt 19% so với số lượng hộ cần hỗ trợ sau rà soát.
 

Theo: Thư Kỳ/baoxaydung.com.vn