Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tạo ra diện mạo mới cho nông thôn
- Thứ hai - 07/11/2016 21:08
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân, sát với yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Chương trình được phê duyệt và triển khai rộng rãi trên toàn quốc đã đạt những kết quả quan trọng. Diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nhận thức của người dân được thay đổi, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới.
Đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1% tổng số xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, bình quân tiêu chí/xã là 12,9 tiêu chí, tăng 8,2 tiêu chí so với năm 2010. Đến nay, đã có 2.061 xã (chiếm 23%) đạt tiêu chí nông thôn mới, có 27 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Sau 5 năm thực hiện, các tiêu chí Chương trình xây dựng nông thôn mới được cải thiện rõ rệt, có mức tăng tích cực so với năm 2011. Một số tiêu chí đạt cao như quy hoạch (98,74%), an ninh trật tự (93,7%), điện (82,38%), giáo dục (77,86%), thủy lợi (61,37%), thu nhập (56,48%)... Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2011 xuống 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 50,07% năm 2011 xuống còn dưới 28% năm 2015. Riêng những xã đã đạt tiêu chí nông thôn mới, mức thu nhập bình quân đầu người tăng từ 16 triệu đồng năm 2011 lên đạt 28,4 triệu đồng năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 11,6% xuống còn 3,6%.
Về nguồn vốn thực hiện Chương trình, trong 5 năm cả nước đã huy động khoảng 851.380 tỷ đồng. Quốc hội đã phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ cho Chương trình giai đoạn 2014-2016 là 15.000 tỷ đồng. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp được ban hành khi Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang triển khai thực hiện. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần nâng cao thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới bền vững. Qua khảo sát cho thấy, những xã đạt chuẩn nông thôn mới là những xã biết phát huy thế mạnh, có những bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong xây dựng nông thôn mới đã gắn kết với việc tái cơ cấu nông nghiệp tại địa bàn. Sau hơn 2 năm thực hiện đề án tái cơ cấu, ngành nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá; năng suất, chất lượng và giá cả nhiều loại sản phẩm đã được nâng cao. Chăn nuôi đã từng bước chuyển dần từ hình thức nhỏ lẻ, phân tán sang hình thức gia trại, trang trại. Ngành thủy sản đã chuyển dịch cơ cấu giữa khai thác với nuôi trồng, tăng tỷ trọng nuôi trồng những sản phẩm chủ lực; tổ chức lại dịch vụ hậu cần nghề cá, nâng cao hiệu quả khai thác và giảm tổn thất sau thu hoạch. Giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng trưởng mạnh.
Về cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, so với năm 2011 số lượng máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp năm 2015 tăng, cụ thể: máy cấy lúa tăng 10 lần, máy kéo các loại tăng 1,1 lần, máy phun thuốc trừ sâu có động cơ tăng 1,24 lần, máy gặt đập liên hợp lúa tăng 1,54 lần. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp đã từng bước được nâng lên.
Sau khi đăng ký lại theo Luật hợp tác xã năm 2012, nhiều hợp tác xã hoạt động có hiệu quả hơn. Một số hợp tác xã nông nghiệp đã có sự đổi mới về phương thức hoạt động, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng liên doanh, liên kết, tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp mang lại hiệu quả tích cực.
Cần bổ sung Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới để phù hợp với thực tiễn
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ một số hạn chế, vướng mắc. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới được ban hành từ tháng 4/2009 và Quyết định về phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ tháng 6/2010 nhưng các văn bản hướng dẫn của các Bộ, ngành để triển khai thực hiện còn chậm, thiếu đồng bộ, một số văn bản hướng dẫn đến nay vẫn chưa được ban hành. Việc chậm trễ, thiếu đồng bộ trong ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện đã ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình. Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung, tuy nhiên, qua giám sát cho thấy vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp với thực tế, điều kiện của các vùng, miền, địa phương
Một số xã mặc dù đã được công nhận hoàn thành mục tiêu Chương trình nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa hoàn thành hoặc không đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí nông thôn mới đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tiếp tục theo dõi việc áp dụng Bộ tiêu chí này để kịp thời sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới. Xây dựng bộ tiêu chí nâng cao làm cơ sở để các địa phương áp dụng cho các xã đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới. Ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Hướng dẫn cụ thể, đầy đủ các biểu mẫu báo cáo, chỉ tiêu thống kê để có sự thống nhất trong số liệu báo cáo từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Quốc hội sẽ dành cả ngày để thảo luận ở Hội trường về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Đặng Mai- Minh Hằng/quochoi.vn