Chương trình xây dựng Nông thôn mới: Hướng tới phát triển bền vững

Chương trình xây dựng Nông thôn mới: Hướng tới phát triển bền vững
Dễ đến hơn chục năm, ông bạn vong niên Việt kiều mới từ nước ngoài về chơi.

Từ Sân bay Nội Bài về quê ở huyện Phúc Thọ, ông cứ tấm tắc khen mãi, không ngờ Hà Nội lại đổi thay và phát triển nhanh đến thế. Không chỉ ở khu vực trung tâm, ra đến ngoại thành mà đường vẫn đẹp, ô tô đỗ tận cổng, nhà cửa khang trang, tiện nghi hơn rất nhiều.
Gặp phố ở… làng
Mà chẳng phải xa Hà Nội lâu năm như ông bạn tôi, rất nhiều người “lâu lâu” mới đi ra khu vực ngoại thành, kể cả một số xã “vùng cao, vùng xa” ở Ba Vì cũng phải ngạc nhiên trước sự phát triển nhanh chóng ở đây. Điện, đường, trường, trạm không còn là khái niệm xa vời mà đã được đầu tư hoành tráng hơn cả nội thành bởi có thuận lợi về đất đai. Có được kết quả ấy là sự quyết tâm, đầu tư mạnh mẽ của TP Hà Nội trong chương trình “Xây dựng nông thôn mới”.

Về Đông Anh, huyện thứ hai của TP sau huyện Đan Phượng được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), cảm nhận ấy càng rõ nét hơn. Tại xã Liên Hà, “phố làng” buôn bán các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ khá sầm uất, náo nhiệt, khác hẳn những làng quê thuần nông ngoại thành. Hàng trăm xưởng sản xuất của xã tấp nập lao động xẻ, cưa, đục, chạm gỗ. Hai bên trục chính đường giao thông dẫn tới các thôn nhộn nhịp người, xe chuyên chở hàng hóa. Nhiều hộ sản xuất lớn ở Liên Hà đã đầu tư máy móc và nhà xưởng lên tới vài chục tỷ đồng, còn hộ sản xuất nhỏ cũng đầu tư từ 1 - 2 tỷ đồng là chuyện bình thường, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã.
Bên cạnh việc khai thác thế mạnh của các làng nghề truyền thống, huyện Đông Anh còn tập trung ưu tiên vào phát triển nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao. Vì vậy, năm 2011, giá trị sản xuất/héc ta canh tác mới đạt 110 triệu đồng, thì đến nay đã tăng lên 245 triệu đồng/năm.
Tiếp sức cho nông thôn mới 
Không chỉ dừng lại ở đầu tư điện, đường, trường, trạm, cơ cấu nông nghiệp cũng được chuyển dịch theo hướng hiệu quả cao hơn. Từ đó, đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống người dân đã từng bước được cụ thể hóa. Nhận rõ lợi ích từ NTM, nên nhiều người dân đã không tiếc sức người, sức của để ủng hộ. Như bà Đinh Thị Tình ở xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất đã hiến tới hơn 700m2 đất và vận động nhiều hộ dân trong xã hiến đất để xây trường học. Là người dân tộc Mường, bà Tình trăn trở về sự vất vả của con em mình hàng ngày phải đi gần 7km để học chữ. Nếu có đất và được Nhà nước xây ngôi trường gần nhà, các cháu đi lại đỡ vất vả và yêu "con chữ" hơn. Nghĩa cử của bà Tình có sức lan tỏa rộng lớn. Các hộ gia đình ông Hoàng Công Cường, ông Hoàng Công Cư hiến 560m2, ông Hoàng Công Thưởng hiến 342m2, ông Quách Đình Lực hiến 320m2… Đến nay, con em trong xã Tiến Xuân đã có trường học khang trang, sạch đẹp trên nền đất rộng hơn 4.800m2. Rất nhiều địa phương khác, khi người dân đồng thuận, hưởng ứng tham gia, đã đóng góp rất lớn thay đổi diện mạo nông thôn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, còn không ít vướng mắc, không phải lúc nào, nơi nào việc triển khai cũng “thuận” cả. Bởi lẽ thực tế là những địa phương “có điều kiện” đều đã đạt chuẩn NTM, các xã còn lại đều “vướng” việc này, việc kia. Như công tác dồn điền đổi thửa hay cấp giấy chứng nhận sau dồn đổi, không ít nơi vào cuộc khá “ì ạch”. Trực tiếp đi kiểm tra cơ sở và chỉ đạo tại nhiều cuộc họp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã rất gay gắt, chỉ rõ trách nhiệm và yêu cầu các cấp, các ngành liên quan phải rốt ráo, vào cuộc tháo gỡ vướng mắc với thời gian, tiến độ cụ thể. Nhờ sự quyết liệt đó, công việc mới “trôi”, đi vào nền nếp và đạt hiệu quả cao hơn.
Làm vì người dân, không vì danh hiệu
Kế thừa những kết quả của giai đoạn 2011 - 2015, Chương trình số 02 của Thành ủy Khóa XVI đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và ATVSTP, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5 - 4%/năm trở lên, giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên; đến năm 2020, TP có 80% trở lên số xã, 15 huyện, thị xã trở lên đạt NTM. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%... Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, kết quả Chương trình 02 thực hiện trong nhiệm kỳ trước của TP rất ấn tượng. Trong nhiệm kỳ này, Thành ủy đề ra các chỉ tiêu về số xã NTM, về thu nhập… cao hơn so với chuẩn của T.Ư, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị. Đây cũng chính là cơ hội để khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh to lớn của khu vực ngoại thành, tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ, bền vững cho toàn TP.
Năm 2016, từ hiệu quả công tác dồn điền, đổi thửa, nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung đã được hình thành như các vùng sản xuất lúa chất lượng cao ở các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Oai, Chương Mỹ… cho giá trị thu nhập tăng thêm so với sản xuất lúa truyền thống khoảng từ 20 - 25%; Vùng sản xuất rau an toàn tại các huyện: Đông Anh, Phúc Thọ, Hoài Đức, Gia Lâm, Chương Mỹ... với giá trị sản xuất từ 400 - 500 triệu đồng/ha/năm; Vùng trồng cây ăn quả ở một số xã thuộc huyện Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm, Phúc Thọ… với giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm; vùng trồng hoa, cây cảnh như ở Mê Linh, Đan Phượng, Thường Tín, Đông Anh, Thạch Thất… với giá trị từ 0,5 - 1,5 tỷ đồng/ha/năm, có nơi đạt trên 2 tỷ đồng/ha/năm, các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư như: Sơn Tây, Ba Vì, Gia Lâm, Chương Mỹ, Thanh Oai, Thanh Trì, Phúc Thọ… với giá trị từ 5 - 6 tỷ đồng/hộ/năm. Đến nay, TP đã có 256 xã đạt chuẩn NTM, sau Đan Phượng và Đông Anh, 2 huyện Thanh Trì và Hoài Đức cũng hội đủ các điều kiện, đang “xếp hàng” để chờ thẩm định đạt chuẩn.
Bên cạnh phát triển kinh tế, các tiêu chí NTM của Hà Nội cũng được nâng cấp cho phù hợp với tình hình, nhất là trong quá trình đô thị hóa như hiện nay. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh: Không phải đạt được NTM là dừng lại. Chúng ta làm không vì danh hiệu mà vì chính cuộc sống của người dân. Do đó cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân là mục tiêu xuyên suốt. Vì vậy, các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân hiểu rõ việc duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được là sự nghiệp của toàn dân, là trách nhiệm và quyền lợi của mỗi người dân nông thôn, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ, mỗi người dân phải là chủ thể, mỗi gia đình phải đi đầu trong tham gia xây dựng NTM. Có như vậy mới đạt kết quả và thực sự bền vững.
 

Theo: Quốc Toản/kinhtedothi.vn