Chương trình xây dựng nông thôn mới phải bàn bạc dân chủ khi huy động đóng góp của dân
- Thứ tư - 11/11/2015 02:31
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nóng vội, dẫn đến huy động đóng góp của dân quá mức.
Có biểu hiện chạy theo thành tích
Sau 5 năm thực hiện Chương trình, đã có trên 13% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và 10 huyện, thị xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn khang trang rõ rệt, Đời sống của người dân nông thôn được cải thiện hơn, niềm tin vào chính sách của Đảng, của Chính phủ và công cuộc xây dựng nông thôn mới của đất nước và cả người dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh những kết quả đạt được, gần đây, một số địa phương có biểu hiện chạy theo thành tích, nóng vội, dẫn đến huy động đóng góp của dân quá mức (nhất là đối với các hộ nghèo, khó khăn, gia đình chính sách), nợ đọng xây dựng cơ bản ở nhiều xã phấn đấu đạt chuẩn; đánh giá xuề xòa, tự hạ thấp chất lượng một số tiêu chí khi xét đạt chuẩn đã gây dư luận bất bình trong xã hội.
Để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 15/7/2014 về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Văn bản số 1447/TTg-KTN ngày 13/8/2014 về việc huy động vốn góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới yêu cầu việc phân bổ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập kế hoạch trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định, cần đảm bảo mức hỗ trợ 100% hoặc ít nhất 95% từ vốn ngân sách nhà nước cho các công trình trên các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn theo đúng qui định tại Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 8/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Người dân góp sức làm đường nông thôn tại Quảng Ninh
Về huy động các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đóng góp thực hiện Chương trình, Phó Thủ tướng yêu cầu: Phải tùy thuộc vào khả năng, hoàn cảnh cụ thể của từng vùng, từng địa phương và khả năng nguồn lực. Thực hiện nghiêm Luật Đầu tư Công và các văn bản hướng dẫn của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, không thực hiện xây dựng khi không có nguồn kinh phí đảm bảo, không để nợ đọng xây dựng cơ bản. Các tỉnh cần rà soát, chỉ đạo xử lý và có biện pháp giải quyết kịp thời, dứt điểm đối với nợ đọng xây dựng cơ bản (nếu có).
Việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ
Phó Thủ tướng yêu cầu việc huy động đóng góp của người dân phải được bàn bạc dân chủ; phải được sự đồng tình và nhất trí của người dân. Tuyệt đối không được yêu cầu dân đóng góp bắt buộc, quá sức dân; không huy động đối với hộ dân nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa, hộ khó khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội.
Xây dựng nông thôn mới phải chú trọng đến công tác giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu nông nghiệp góp phần tăng thu nhập, cải thiện Đời sống cho người dân; chú trọng hướng dẫn, tổ chức, hỗ trợ người dân chủ động thực hiện các nội dung về phát triển y tế, văn hóa, xã hội, tạo cảnh quan môi trường nông thôn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, từng bước đẩy lùi tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu, đảm bảo sự bình yên cho cuộc sống của người dân nông thôn.
Về công tác thẩm định, đánh giá và xét công nhận địa phương đạt chuẩn nông thôn mới ở các cấp cần phải thực hiện đúng theo quy định, các tiêu chí được công nhận đạt chuẩn phải đảm bảo chất lượng và có tính bền vững cao; quy trình xem xét phải công khai, dân chủ, minh bạch, tránh hình thức, chạy theo thành tích; không cho nợ tiêu chí chưa đạt chuẩn theo qui định; xã, huyện đạt chuẩn phải không có nợ xây dựng cơ bản sai qui định.
Bên cạnh đó, cần phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng nông thôn mới. Nơi nào, cấp nào để xảy ra tình trạng để đọng nợ xây dựng cơ bản kéo dài hoặc huy động quá sức dân, gây bất bình trong nhân dân, hoặc đánh giá xuề xòa khi xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới dẫn đến hạ thấp chất lượng các tiêu chí thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và phải được kiểm điểm xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phổ biến văn bản đến cán bộ các cấp và nhân dân để biết và thực hiện. Thường xuyên tổ chức chỉ đạo, kiểm tra thực hiện nghiêm túc; đồng thời chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực hiện những nội dung nêu trên.
Theo Công lý