Chuyển biến ở xã nghèo

Sau hơn 8 năm triển khai XDNTM, Sa Bình (Sa Thầy - Kon Tum) mới đạt 7/19 tiêu chí. Là xã còn nghèo nên để thực hiện các hạng mục của các tiêu chí còn lại gặp rất nhiều khó khăn.
anh-2.JPG
Đường vào thôn văn hóa Bình Trung được bê tông hóa.

Sa Bình là xã vùng III đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, kinh tế của người dân trong xã chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hiện chiếm 32,73% (395 hộ), trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 88%.

Ông Nguyễn Minh Thuận, Chủ tịch UBND xã Sa Bình, cho biết: Chương trình XDNTM đã phần nào tạo chuyển biến, thay đổi bộ mặt nông thôn nhưng xã còn gặp không ít khó khăn. Sa Bình xác định nông nghiệp là hướng đi chủ đạo, là nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế, vì thế, những năm qua, xã tuyên truyền nhân dân đưa cây - con có giá trị kinh tế cao  vào sản xuất, chăn nuôi nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.

Sau 8 năm triển khai XDNTM, Sa Bình mới đạt 7/19 tiêu chí, bao gồm: quy hoạch, thủy lợi, điện, thông tin truyền thông, lao động việc làm, y tế, quốc phòng an ninh. Xã phấn đấu trong năm 2019 đạt thêm 5 tiêu chí (tiêu chí số 2 - giao thông, số 6 - cơ sở vật chất văn hóa, số 7 - cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, số 9 - nhà ở dân cư và số 16 - văn hóa).

Thời gian tới, xã tiếp tục xác định tuyên truyền, vận động để người dân thực sự thấy được XDNTM mang lại nhiều lợi ích cho dân và chính nhân dân là những người hưởng thụ. Đảng viên, đội ngũ cán bộ xã được phân công nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân, lắng nghe để hiểu và tháo gỡ kịp thời vướng mắc nảy sinh với mong muốn tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao của cán bộ và người dân trong thực hiện từng bước các tiêu chí còn lại. Là xã nghèo, Sa Bình rất mong được sự đầu tư hơn nữa của Nhà nước, của tỉnh, của huyện để triển khai hoàn thành XDNTM đúng kế hoạch.

Phát huy thế mạnh chăn nuôi

anh-1.JPG

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu cho thu nhập ổn định.

Đến thăm mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của gia đình ông Nguyễn Hữu Cầu ở thôn Bình An, chúng tôi được ông cho biết: Trước đây, khi chưa áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò theo hình thức vỗ béo, đàn bò của gia đình chậm phát triển, thời gian tăng trưởng kéo dài nên hiệu quả kinh tế không cao. Sau khi áp dụng kỹ thuật vỗ béo cho bò và được cán bộ khuyến nông tư vấn quy trình chăm sóc cho bò, đàn bò của gia đình trông mỡ màng, lông mượt, da bóng, mau lớn. Thời gian vỗ béo khoảng 90 ngày, trung bình một con bò tăng khoảng 60-70 kg, cho thu nhập từ 12-15 triệu đồng.

Ông Cầu nhận định, nuôi vỗ béo bò không mất nhiều thời gian, nông dân tranh thủ làm thêm lúc nông nhàn nhưng lại có thu nhập cao hơn một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi khác.

 

Sa Bình hiện có khoảng 1650 con bò, trong đó có 606 bò cái sinh sản, 400 bò hậu bị và 644 bò vỗ béo. Hàng năm địa phương có trên 300 con bê mới sinh sản, cung ứng một phần nguồn bò cho lĩnh vực nuôi bò vỗ béo. Ngoài đàn bò, bà con còn chăn nuôi đàn lợn trên 2 tháng tuổi khoảng 3.342 con, đàn gia cầm 6.580 con, 7,5ha ao hồ nuôi cá, sản lượng khai thác thủy sản tự nhiên (lòng hồ) đạt 25 tấn… Đây chính là nguồn thu nhập khá ổn định của người dân, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn.

Theo: Đức Sơn/kinhtenongthon.vn