Chuyện của Thanh Lâm

Chuyện của Thanh Lâm
Chuyến đi của tôi với gần 200 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) Huyện Đoàn Ba Chẽ tới thôn Làng Lốc, xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) để làm vệ sinh môi trường vào dịp đầu năm vừa rồi thật ấn tượng. Đây là thôn khó khăn của xã với khoảng 90% là bà con dân tộc Dao. Người dân ở đây đã quen với lối sống cũ, thường đổ rác vào các gốc cây quanh nhà, lâu ngày tạo thành những đống lớn, lại thêm nhiều hộ làm chuồng trâu ngay cạnh nhà, cạnh đường giao thông, rất mất vệ sinh.

Trong buổi tình nguyện kể trên, lực lượng thanh niên đã tập trung di dời 10 chuồng trâu như thế, quét dọn, thu gom rác thải tại 9 tuyến xóm của thôn. Đồng thời, các ĐVTN còn tuyên truyền giúp cho bà con nhân dân thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường tại nơi mình sinh sống, hướng tới xây dựng thôn, bản văn hoá.

Các ĐVTN Huyện Đoàn Ba Chẽ di dời chuồng trâu ra nơi tập trung cố định ở thôn Làng Lốc (xã Thanh Lâm).
Các ĐVTN Huyện Đoàn Ba Chẽ di dời chuồng trâu ra nơi tập trung cố định ở thôn Làng Lốc (xã Thanh Lâm).

Anh La Văn Thành, Bí thư ĐTN xã Thanh Lâm chia sẻ: “Để có chuyến xuất quân giúp bà con vệ sinh làng xóm thành công thế này, các ĐVTN xã chúng tôi dưới sự chỉ đạo của Huyện Đoàn đã mất nhiều thời gian đến làm công tác tư tưởng trước cho bà con. Người dân sống với những tập tục, lâu ngày thành thói quen khó bỏ rồi”. Qua câu chuyện của anh Thành, tôi mới hình dung công việc của các ĐVTN không dễ, bởi chẳng phải là ai cũng muốn mình giúp. Việc dựng chuồng trâu cạnh nhà, sát mép đường giao thông đối với người dân vùng cao là “nhất cử lưỡng tiện”, họ đâu mấy để ý đến chuyện mất vệ sinh môi trường. Bà con làm chuồng trâu cạnh nhà một phần là thói quen, một phần là để giữ của vì dễ bề trông coi, đêm hôm nhỡ mưa gió cần phải ra che chắn chuồng trâu cũng tiện. Chuồng trâu cạnh đường giao thông cũng thuận lợi cho việc lùa cả đàn trâu đông con ra đồng cỏ. Thói quen này đã ăn sâu vào đời sống nên bảo họ từ bỏ không dễ, nhiều người đưa ra đủ thứ lý do để từ chối, nào là “trâu tôi nuôi xa nhà sợ không lớn”, “năm nay nhà tôi di chuyển chuồng trâu sợ không hợp tuổi”… Có người lại mượn cớ không biết tiếng Kinh không nghe, không hiểu, vậy là các ĐVTN xã lúc này vừa phải làm tuyên truyền viên lại kiêm luôn là các phiên dịch viên.

Buổi ra quân của các ĐVTN lần này dọn và làm mới 10 chuồng trâu chỉ mất một ngày, thế nhưng các ĐVTN xã Thanh Lâm phải mất đến 1 tuần cho công tác tuyên truyền. Chuồng trâu được di dời đến một điểm tập trung, phù hợp với việc vệ sinh môi trường; để có mặt bằng làm chuồng này, một số ĐVTN đã về vận động gia đình mình hiến đất. Đồng thời, để giúp bà con không lo lắng chuyện mất trâu, các ĐVTN xã đã phối hợp với công an xã tăng cường việc giữ trật tự an ninh thôn xóm, khi cần huy động là có mặt kịp thời để ngăn chặn các hành động trộm trâu. Từ đó đến nay, xã chưa xảy ra vụ mất trâu nào.

Việc cho trâu đến nơi ở mới, giải quyết các đống rác lớn trong khu dân cư của các ĐVTN đã để lại ấn tượng tốt trong bà con thôn Làng Lốc. Người dân thay đổi nhận thức một cách rõ rệt vì khi môi trường sạch sẽ, tự nhiên bà con thấy sống thoải mái hơn. Đây cũng là tiền đề cho hoạt động ở các thôn triển khai thuận lợi hơn. Ở các thôn đã thành lập ra các đội thanh niên vệ sinh môi trường, hàng tuần cứ vào thứ bảy, chủ nhật là tiến hành quét dọn đường làng ngõ xóm, đồng thời tuyên truyền để bà con không vứt rác bừa bãi… Ban đầu, các buổi ra quân chỉ có thanh niên, sau thu hút được nhiều người già cùng tham gia. Ông Vi Văn Lương, thôn Làng Dạ, nay đã 70 tuổi nhưng cũng thường xuyên tham gia cùng lớp trẻ vệ sinh xóm làng. Ông bảo: “Tôi già rồi, không còn làm được nhiều như thanh niên đâu, nhưng làm được gì thì cứ tham gia. Mình có làm thì mới vận động được con cháu cùng làm…”. Đồng chí Hoàng Ngọc Quyền, Bí thư Đảng uỷ xã Thanh Lâm thì khẳng định: “Chúng tôi coi việc vận động người dân xoá bỏ các tập tục lạc hậu, tư tưởng ỷ lại, đồng thời chú trọng việc ăn, ở sạch sẽ là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở xã. Việc tuyên truyền được đẩy mạnh đến từng thôn, bản, từng hộ gia đình. Khi bà con đã nhận thức ra thì việc vận động phát triển kinh tế, xoá nghèo bền vững cũng sẽ tốt hơn…”.

Anh Vũ (baoquangninh.com.vn)