Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Bài 3: Đổi mới căn cơ cách làm

Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Bài 3: Đổi mới căn cơ cách làm
Có thể thấy đây là thời điểm bức xúc, cấp bách và thời cơ chín muồi nhất để thực hiện việc chuyển đổi cây trồng ở khu vực Nam bộ, khi thị trường xuất khẩu gạo, nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc và lợi thế tự nhiên đang ủng hộ mục tiêu chuyển đổi lần này. Tuy nhiên, để triển khai chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhà nước phải tính đến hậu quả. Các chuyên gia xác định việc chuyển đổi diện tích lớn đất lúa sang trồng các loại hoa màu phải dựa trên thực tiễn, đảm bảo đầu ra, khả năng cạnh tranh, không chủ quan, nóng vội. Nếu không, hậu quả mà nông dân phải gánh chịu còn nặng nề hơn rất nhiều so với trồng lúa.

Nhận diện thách thức

Thực tế, mỗi năm Việt Nam nhập hơn 3,4 tỷ USD bắp lai và đậu nành để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Rõ ràng, nhu cầu rất lớn và những mặt hàng này, nông dân ĐBSCL hoàn toàn có thể sản xuất và cung ứng được. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng các doanh nghiệp trong nước sẽ sẵn sàng quay sang tiêu thụ sản phẩm trong nước khi mà giá cả, chất lượng không cạnh tranh được với nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm Hưng Lộc (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), lưu ý: “Hiện nay, nông dân trong nước trồng đậu nành phải bán từ 17.000 - 18.000 đồng/kg mới có lãi trong khi giá mà các doanh nghiệp nhập về thấp hơn 5.000 - 6.000 đồng/kg”. 
 

Nông dân xã An Phong, huyện Thanh Bình chăm sóc ruộng bắp lai. Ảnh: Bình Đại

Cạnh tranh không lại về giá nên diện tích đậu nành trong nước giảm rất mạnh vài năm gần đây. Cụ thể, Đồng Nai hiện chỉ còn 500ha trong khi 8 năm trước đứng hàng đầu cả nước với 30.000ha. Tại Đồng Tháp, năm 2010 có 5.300ha đậu nành nhưng đến nay chỉ còn hơn 800ha. Trong khi đó, bắp lai, mặt hàng cũng được xác định có nhiều lợi thế về thị trường tiêu thụ cũng đang đứng trước thách thức rất lớn. Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai, đặt vấn đề: “Giá bắp nhập khẩu luôn thấp hơn từ 4.000 - 5.000 đồng/kg so với sản phẩm cùng loại trong nước. Rõ ràng, để cạnh tranh là vấn đề không dễ”. Vì khó cạnh tranh nên diện tích trồng bắp lai tại một số địa phương ở ĐBSCL sụt giảm mạnh. 

Quan tâm đến vấn đề này, ông Phạm Văn Bên, Ủy viên Thường vụ Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt nói: “Vấn đề quan trọng nhất là làm sao giảm giá thành sản xuất mới thu hút được doanh nghiệp lựa chọn sản phẩm trong nước. Hơn nữa, bã đậu nành nhập khẩu phục vụ chế biến thức ăn gia súc là phần phụ phẩm thu được sau rất nhiều quy trình chiết xuất, chế biến đậu nành nguyên hạt trước đó. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, chúng ta khó có khả năng thực hiện được”. Theo PGS-TS Mai Thành Phụng, Trung tâm Khuyến nông quốc gia, bắp, đậu nành trong nước làm ra nhưng giá thành cao hơn giá nhập khẩu thì chuyển đổi là không bền vững. Đặc biệt, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng nguyên liệu bắp và đậu nành trong nước rất khó. Một thực tế hiện nay là có rất nhiều doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nhưng chưa có mô hình liên kết, đầu tư bao tiêu sản phẩm trọn gói với nông dân.

Trong khi đó, điều kiện thực tế tại các địa phương để phục vụ cho diện tích lớn trồng màu cũng rất khó khăn bởi suốt thời gian dài, hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển trồng lúa. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang, cho rằng có 3 khó khăn cản trở việc chuyển lúa sang màu là thủy lợi cho cây trồng cạn, cơ giới hóa (máy đánh rảnh, máy gieo hạt, máy sấy bắp, đậu nành) và gắn kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm chưa thể đáp ứng được.

        Bám sát thực tiễn

Theo các chuyên gia, việc chuyển đổi phải cương quyết để đa dạng cây trồng, nâng cao thu nhập cho nông dân. Khi cây lúa có vấn đề thì cần chuyển đổi mạnh hơn. Để đạt hiệu quả, phải giải quyết tốt các mặt tồn tại như ổn định nguồn tiêu thụ, khâu chế biến, xây dựng vùng nguyên liệu; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa. Lãnh đạo các địa phương ở ĐBSCL đề xuất: Giải bài toán chuyển đổi phải xuất phát từ thị trường. Nhà nước nhất thiết phải rà soát, quy hoạch vùng phát triển, vụ trồng thích hợp; đồng thời liên kết nông dân xây dựng các mô hình cánh đồng mẫu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng; có chính sách cho nông dân, doanh nghiệp. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp Nguyễn Thành Tài cho biết: “Sắp tới, ngành nông nghiệp địa phương sẽ từng bước gắn kết nông dân trong vùng sản xuất hoa màu tập trung với nhau thông qua tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ để tập hợp sản phẩm số lượng lớn đáp ứng nhu cầu thu mua của doanh nghiệp. Tiếp tục mở rộng các hình thức liên kết tiêu thụ sản phẩm bằng cách liên kết doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, thức ăn chăn nuôi thủy sản. Hỗ trợ cho các doanh nghiệp có khả năng tổ chức tiêu thụ, sơ chế hoặc chế biến hoặc có khả năng xúc tiến các đầu mối tiêu thụ hoa màu cho nông dân. 

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả đã có chủ trương từ lâu, Bộ NN-PTNT đã 3 lần họp bàn về vấn đề này nhưng thời điểm hiện nay là bức xúc nhất để giải quyết tăng sản lượng bắp, đậu nành thay thế một phần việc nhập khẩu nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, tăng hiệu quả kinh tế trên đất lúa kém hiệu quả. Nam bộ có lợi thế do có ánh sáng đầy đủ, có thể trồng bắp tăng mật độ để tăng năng suất, đã có các mô hình chuyển đổi thành công ở ĐBSCL và Đông Nam bộ. Theo đó, muốn việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng thành công, cần lưu ý các vấn đề sau: tổ chức lại sản xuất; rà soát lại quy hoạch, làm rõ vùng nào, vụ nào do điều kiện tự nhiên trồng lúa kém hiệu quả hoặc trồng lúa vẫn có hiệu quả nhưng chuyển sang cây trồng khác có hiệu quả hơn thì cần chuyển đổi, không nói quy hoạch một cách chung chung. Bộ chỉ đạo Cục Trồng trọt là cơ quan tập hợp và làm việc với địa phương để sau 3 tháng sẽ trình bộ đề án quy hoạch về việc chuyển đổi này.

Trên cơ sở các mô hình liên kết đã có, cần chú ý và đẩy mạnh các mối liên kết: Liên kết dọc: toàn bộ chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò quyết định. Muốn tồn tại và phát triển bền vững cần có sự minh bạch và công bằng trong phân chia lợi nhuận cũng như rủi ro. Liên kết ngang: liên kết các khâu của quá trình sản xuất như cung cấp giống, cung cấp nguyên liệu, liên kết nông dân thành tổ hợp tác hay hợp tác xã để có thể đại diện cho nhà sản xuất đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác. Tăng cường thông tin và hướng dẫn cho người sản xuất về các giải pháp đồng bộ cho việc chuyển đổi cây trồng. Các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc liên kết với sản xuất để phát triển các cây trồng có lợi thế trên đất lúa kém hiệu quả. Bộ NN-PTNT cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để làm sao cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa đạt hiệu quả cao nhất. Bộ NN-PTNT sẽ có thông tư hướng dẫn việc bảo đảm giữ 3,8 triệu ha đất lúa trên toàn quốc nhưng việc sử dụng phải linh hoạt, phân cấp cho địa phương để quản lý, sử dụng đất lúa sao cho có hiệu quả cao nhất…

NHÓM PV
theo sggp