Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó hạng I là 234 chợ (3%); hạng II là 888 (10%); hạng III là 7.417 chợ (87%). Thực hiện chủ trương của Chính phủ về xã hội hóa công tác xây dựng, cải tạo, nâng cấp các chợ, một số tỉnh/thành phố trên cả nước thông qua những cơ chế, chính sách đặc thù đã khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh tham gia đầu tư xây dựng, khai thác, quản lý chợ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo hướng xã hội hóa còn chậm, đến cuối năm 2017 cả nước mới có 1.337/8.533 chợ do các HTX, DN tham gia quản lý.
Nguyên nhân chuyển đổi mô hình quản lý chợ còn chậm là do ngân sách đầu tư phát triển chợ còn hạn hẹp; chính sách hỗ trợ DN đầu tư, phát triển chợ chưa đồng bộ; các nguồn thu từ hoạt động kinh doanh chợ thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư, cải tạo chợ...
Bên cạnh đó, theo rà soát của Bộ Công Thương, trong quá trình thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã xảy ra tình trạng khiếu kiện ở 28 tỉnh, thành phố (76 vụ) với các nội dung liên quan tới việc di dời chợ sang địa điểm mới; mức phí dịch vụ bán hàng tại chợ; phương án bố trí, sắp xếp địa điểm kinh doanh tại chợ sau đầu tư, nâng cấp, cải tạo; việc quản lý, kinh doanh, khai thác chợ… Một số địa phương chưa coi trọng quản lý chợ thông qua quy hoạch, việc quy hoạch và bổ sung quy hoạch mạng lưới chợ trên địa bàn chưa đầy đủ, chưa công khai việc đầu tư nâng cấp, cải tạo chợ.
Bộ Công Thương khẳng định, chủ trương xã hội hóa công tác đầu tư, quản lý, kinh doanh chợ là một xu thế khách quan, cần thiết. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, việc lựa chọn mô hình tổ chức, quản lý, kinh doanh chợ cần phù hợp với định hướng phát triển và chính sách của nhà nước, điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở từng địa phương, bảo đảm phát triển ổn định, lâu dài, khai thác chợ có hiệu quả.
Để thực hiện tốt công tác chuyển đổi mô hình quản lý chợ thời gian tới, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu xây dựng Nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối, bao gồm quản lý và phát triển chợ, trình Chính phủ ban hành để thay thế Nghị định 02/2003/NĐ-CP và
Nghị định 114/2009/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ cho phù hợp với bối cảnh mới. Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các chính sách để hỗ trợ, khuyến khích phát triển, quản lý hạ tầng thương mại, trong đó có chợ; bổ sung vào danh mục ưu đãi đầu tư (Nghị định số 118/2015/NĐ-CP) đối với hình thức đầu tư xây dựng và quản lý, kinh doanh chợ tại các địa bàn thành thị…
Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương công khai, minh bạch chủ trương, phương án đầu tư, chuyển đổi mô hình quản lý chợ. Đồng thời, tăng cường chỉ đạo rà soát quản lý đầu tư phát triển chợ, đặc biệt là chuyển đổi các chợ truyền thống sang mô hình trung tâm thương mại, hoặc kết hợp giữa chợ với trung tâm thương mại, bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động sau khi được chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh tại chợ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu mua sắm của người dân.
Bộ Công Thương đã ban hành Quy hoạch tổng thể Phát triển mạng lưới chợ trên toàn quốc đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 để định hướng sắp xếp, quy hoạch vị trí, địa điểm mạng lưới chợ phù hợp.