Chuyện kể về những “ông hành động”
- Thứ tư - 25/02/2015 22:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Những con đường nông thôn mới đang được đầu tư xây dựng Nghe tiếng xe máy nổ giòn tan chạy qua con đường trước nhà bà Nguyễn Thị Phượng lại tủm tỉm cười. Suốt tuần nay, từ sáng sớm con đường đã tấp nập khi bà con nhân dân xã Gia Điền (huyện Hạ Hoà - Phú Thọ) đi mua hàng hoá chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Mùi. Từ Hạ Hoà có một lối tắt sang huyện Đoan Hùng chạy qua Gia Điền. Nhưng trước đây, con đường chỉ rộng có 1m nên việc đi lại, nhất là giao thương giữa nhân dân các vùng gặp rất nhiều khó khăn. Bà Phượng vẫn chưa quên cảm giác ngày hôm ấy, khi chồng bà - ông Nguyễn Văn Kỷ bảo sẽ hiến 7 sào đất để góp phần mở rộng con đường. Tuy là đất quê, nhưng mấy ngàn mét vuông đất hương hoả tổ tiên để lại không phải chuyện nhỏ, bán rẻ cũng được 300-400 triệu đồng. Ở vùng quê này đó là cả một gia tài lớn. Là Chủ tịch UB MTTQ xã, ông Nguyễn Văn Kỷ xem quyết định của UBND tỉnh Phú Thọ về xây dựng NTM mà canh cánh nỗi lo. Xưa kia Bác Hồ dạy phải "vận” để dân "động”. Nhưng với điều kiện kinh tế, xã hội của xã hiện thời, xây dựng NTM gặp cả núi khó khăn khi nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân còn hạn chế. Một trong những khâu then chốt trong xây dựng NTM được Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Gia Điền xác định là xây dựng hệ thống giao thông. Song, muốn có những con đường to rộng, tạo thành mạch máu kinh tế lại liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mỗi người: Muốn đường rộng ra thì ắt đất ở, đất canh tác phải co lại, trong khi đó xây dựng NTM không phải là dự án mà có thể giải phóng mặt bằng và có tiền đền bù. Động đến quyền lợi sát sườn như thế là cả một vấn đề. Ông Kỷ đã quyết định tạo khâu đột phá từ chính gia đình mình... Cán bộ gương mẫu đi trước, nhiều gia đình thấy vậy về bàn bạc để làm theo. Những con đường rộng rãi vươn đến từng ngõ xóm. Nhà nước cung cấp vật liệu xây dựng, nhân dân góp đất làm đường. Người dân Gia Điền nhìn những con đường mới vui mừng bảo nhau: "Nhà nước và nhân dân cùng làm là thế đấy”. Con đường chạy qua nhà "ông hành động” Nguyễn Văn Kỷ giờ đã trở thành con đường liên xã, liên huyện, rộng 5,5m, ô tô có thể đi lại dễ dàng. Lâu nay, người ta thường nói cán bộ Mặt trận là "ông vận động”. Vận động quyên góp hỗ trợ người nghèo, vận động cứu giúp đồng bào gặp thiên tai, vận động xây dựng gia đình văn hoá... Nhưng nhiều cán bộ Mặt trận bảo rằng, bây giờ muốn dân tin, dân nghe phải trở thành "ông hành động”. Cán bộ Mặt trận phải trực tiếp làm, phải đi trước để làm gương cho người dân làm theo. Câu chuyện của ông Kỷ khiến tôi nhớ đến một "ông hành động” khác ở thôn Đại Bằng, xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội). Xã Nguyên Khê là nơi có đường cao tốc Nội Bài - Nhật Tân chạy qua. Đường làm tới đâu, đất sốt tới đó là lẽ thường. Đúng lúc đất "sôi sình sịch” như thế, ông Nguyễn Văn Giới cắt hẳn 150m2 đất làm đường. Nếu ở các tỉnh xa, 150 m2 là con số nhỏ, nhưng ở Hà Nội đó là bạc tỷ của gia đình. Nhiều người nghe ông Giới hiến cả trăm mét đất giật mình bảo, có mà chuyện hoang đường. Cũng có những lời ra tiếng vào. Ông Giới "quán triệt” cả gia đình, từ con cháu đến dâu rể đều một lòng vì cộng đồng. Con đường rộng 1m bỗng rộng ra 3m. Ba hộ gia đình gần đó thấy vậy cũng quyết định hiến 220m nữa mở đường. Để phục vụ cho dự án này, có tới 54 hộ dân thôn Đại Bằng bị thu hồi đất ở các mức độ khác nhau. Muốn đường thông thì tư tưởng nhân dân phải thông. Người dân Đại Bằng còn nhớ không biết bao nhiêu lần, ông Giới "Mặt trận” đến từng gia đình vừa giải thích chính sách, vừa lắng nghe ý kiến của bà con thuộc diện phải thu hồi đất. Ngày tuyến đường đưa vào sử dụng, trong lòng ông Giới niềm vui như được nhân đôi, vì cũng là lúc xã Nguyên Khê chính thức hoàn thành xây dựng NTM. Một trong những cán bộ Mặt trận làm kinh tế giỏi mà tôi ấn tượng là anh Vương Văn Doãn, dân tộc Giáy, Phó Chủ tịch UBMTTQ xã Quang Kim kiêm Bí thư Chi bộ thôn Làng Toòng (huyện Bát Xát, Lào Cai). Làng Toòng là thôn định cư của đồng bào Giáy, thôn có 116 hộ, tất cả đều là dân tộc Giáy. Cái nghèo là người bạn thâm niên với Làng Toòng. Sau khi đi bộ đội xuất ngũ, anh Doãn về làng mà đau đáu những trăn trở. Ở vùng cao, muốn giải bài toán kinh tế không phải chuyện dễ dàng. Anh suy nghĩ và quyết định làm một cuộc "đổi đời” bằng chính đôi bàn tay trên mảnh đất của mình. Những thất bại ban đầu không làm anh nản chí. Anh tìm mua giống mới, lắng nghe tư vấn của cán bộ nông nghiệp... Thế rồi, ruộng lúa nhà anh cứ tốt bời bời, năng suất tăng gấp 2-3 lần so với trước. Có dư thóc gạo, anh đầu tư vào phát triển chăn nuôi, vừa nuôi lớn nái, vừa nuôi lợn thịt, rồi mua trâu sinh sản... Từ kinh nghiệm làm ăn của mình, anh tuyên truyền, hướng dẫn nhiều hộ gia đình trong thôn đổi mới cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo. Làng Toòng giờ đã có nhiều hộ gia đình được bằng khen là hộ gia đình sản xuất giỏi cấp huyện, và cả cấp tỉnh. Anh "Mặt trận” Vương Văn Doãn chính là người đi đầu trong số đó. Mùa xuân đến mang theo những kỳ vọng mới. Với người làm Mặt trận cần nhất là phương thức vận động mới. Mà cái cần nhất là phải trở thành những người đi ở tuyến đầu trong hành động, nói như chị Vũ Thị Chuyên, Chủ tịch UBMTTQ xã Gia Luận, huyện Cát Hải (Hải Phòng): "Muốn làm tốt công tác vận động quần chúng thì lời nói phải đi đôi với việc làm, dân mới tin, mới làm theo mình”. |
Nhã Phương
Theo daidoanket.vn
Theo daidoanket.vn