Chuyện nóng nhất công sở dịp cuối năm
- Thứ ba - 17/01/2012 22:19
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xôn xao thưởng Tết
Dịp cuối năm, chuyện nóng và được “buôn” nhiều nhất ở các công sở là thưởng Tết. Đây là chủ đề thu hút sự quan tâm và bàn tán của rất nhiều chị em. Thậm chí các “anh em” cũng vào cuộc để thêm phần rôm rả.
Chị Thu, nhân viên kế toán trong lĩnh vực dệt may cho biết, chị nắm rõ tình hình thưởng Tết của cơ quan mình nhưng cũng rất “tò mò” về mức thưởng của cơ quan khác (cùng hoặc khác lĩnh vực đều khiến chị quan tâm).
“Năm nay cơ quan tôi thưởng mỗi người 2 triệu, thấp hơn năm ngoái 500 ngàn đồng. Tết dương lịch vừa rồi được thêm 500 ngàn đồng. Mọi người đều cho rằng mức này là quá thấp, chẳng thấm vào đâu so với khoản chi phí bỏ ra để tiêu trong cả dịp Tết”, chị Thu nói.
Chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết nên chuyện thưởng Tết đang hâm nóng các công sở. Nhiều người cho biết đến giờ họ chưa được thông báo gì về mức thưởng năm nay vì công ty "găm" thông tin cho nhân viên không rệu rã |
Cả cơ quan chị ngoài việc xôn xao bình luận về thưởng Tết của mình thì rất quan tâm đến thông tin về thưởng Tết của các ngành khác được phản ánh trên báo chí. “Khi đọc thông tin có nơi thưởng đến hơn 700 triệu, cả cơ quan đều choáng váng, thi nhau bình luận, đoán già đoán non xem người đó làm việc ở lĩnh vực nào. Chúng tôi cũng không khỏi chạnh lòng vì mức thưởng Tết quá thấp”, chị Thu cho biết.
Có điểm đáng chú ý là năm 2011, do kinh tế khó khăn nên cơ hội việc làm bị thu hẹp. Nhiều người cho biết họ ngậm ngùi khi thấy người khác có thưởng Tết dù chỉ với mức 2 triệu đồng bởi như vậy là đã may mắn hơn những người mất việc ngay ở thời điểm cuối năm.
Chị Hoa, nhân viên văn phòng của một công ty xây dựng cho biết chị bị sa thải vào tháng 12. Việc sa thải này nằm trong kế hoạch “sàng lọc” nhân sự của công ty thời khủng hoảng. Năm nay công ty của chị làm ăn thất bát, tiền không rải ngân được nên mọi hoạt động gần như bị đình trệ.
Tính đến thời điểm này, tuy chỉ còn vài ngày nữa là đến Tết âm lịch nhưng có không ít cơ quan vẫn chưa công bố thưởng Tết khiến nhân viên như “ngồi trên đống lửa” vì sốt ruột. Với những cơ quan này, các nhân viên rất thấp thỏm chờ đợi và hi vọng rằng nguyên nhân công bố thưởng Tết chậm không phải do không có tiền vì khủng hoảng kinh tế. Nhưng cũng có nhiều người cho biết cơ quan mình không công bố thưởng Tết sớm để tinh thần nhân viên không “rệu rã” vào những ngày cuối năm.
Đau đầu tìm cách chi tiêu hợp lý
Việc thưởng Tết ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch chi tiêu của cả gia đình nên ngay sau khi câu chuyện thưởng bao nhiêu lắng xuống thì câu chuyện chi tiêu thế nào lại “nóng lên”.
Thưởng Tết thấp khiến nhiều chị em đau đầu tìm cách chi tiêu Tết sao cho hợp lý |
Chị Thu cho biết với mức thưởng Tết 2,5 triệu (cả Tết âm lẫn Tết dương), chị chỉ kỳ vọng sắm sửa đủ được những thứ thiết yếu nhất như thực phẩm, bánh trái, hoa quả, mứt Tết. Ngoài ra những khoản cần chi phí nhiều hơn như đi chúc Tết người thân, chúc Tết sếp, chi phí thuê xe về quê và lì xì cho mọi người sẽ được huy động từ tiền thưởng Tết của chồng (7 triệu đồng).
Với những chị em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thưởng Tết của chồng cũng ít ngang ngửa vợ (nhất là những người làm việc trong cơ quan Nhà nước) thì họ còn phải xoay sở nhiều cách để đảm bảo có một cái Tết đầy đủ.
Nhiều chị em đã vận dụng cách đặt mua thực phẩm từ quê hoặc nhờ bố mẹ ở quê hỗ trợ để tiết kiệm chi phí. Khoản tiền ít ỏi còn lại được sử dụng cho những việc không thể thiếu như chi phí đi lại, lì xì, chúc Tết sếp, vv… Còn lại các chi phí khác như mua cây cảnh, hoa, quất, sắm quần áo mới cho gia đình, vv … đều được cắt giảm để tiết kiệm tối đa.
Chuyện đi Tết sếp, mua quà biếu cho người cao tuổi, người thân trong gia đình dường như là một “gánh nặng” với những người có thu nhập và thưởng Tết thấp, nhất là những người nào “không may” làm việc trong môi trường có “truyền thống” đi chúc Tết sếp.
Chị Hòa, nhân viên hành chính của một doanh nghiệp Nhà nước trong lĩnh vực xây dựng cho hay, Tết nào cơ quan chị cũng xếp hàng đi Tết sếp nên chị không thể không đi. “Mà quà cho sếp thì không thể mua quà "đểu" được, ít nhất cũng phải ngốn tiền triệu trở lên. Như vậy là mất đứt tiền thưởng Tết của vợ hoặc chồng rồi”, chị Hòa nói.
Lên kế hoạch đi du lịch
Đối với những gia đình có thu nhập khá và thưởng Tết cao thì ngoài việc dư dả lo cho gia đình có một cái Tết đầy đủ, đầm ấm, họ còn lên kế hoạch đi du lịch hoặc sử dụng những dịch vụ giải trí, nhất là năm nay được nghỉ Tết dài ngày (9 ngày) sẽ thuận lợi cho những chuyến du lịch gần.
Các tour du lịch ngắn ngày trong nước hoặc các nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan, … là những lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình, đặc biệt là các gia đình ở TP HCM – nơi mà các phong tục lễ Tết không quá nặng nề như ngoài bắc.
Anh Mạnh, một trình dược viên tại TP HCM cho biết anh đã mua vé đưa cả nhà đi du lịch Campuchia 4 ngày (từ mùng 2 đến mùng 6 âm lịch). Với chi phí gần 20 triệu đồng (cho 4 người), anh hoàn toàn có thể đáp ứng được vì Tết năm nay hai vợ chồng anh được thưởng tổng cộng gần 40 triệu đồng.
Đại diện các hãng lữ hành tại Hà Nội cũng cho hay: Các tour du lịch ngắn (như Sa Pa chẳng hạn) là lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ Hà Nội. Nhiều gia đình có điều kiện kinh tế tốt còn tổ chức cả một chuyến đi Châu Âu để giải tỏa stress sau một năm làm việc căng thẳng. Không những tự tổ chức đi mà hình thức mua voucher đi du lịch để tặng bạn bè, người thân hoặc sếp … trong dịp Tết cũng khá phổ biến.
Theo Vietnamnet