Chuyện ở Tuyên Quang: Nơi "đốt đuốc" không tìm ra...hộ nghèo
- Thứ hai - 26/11/2018 07:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Vượt gian khó
Anh Nông Văn Sự, người trồng cam có tiếng ở thôn Táu chia sẻ, cây cam mang đến cho người dân cuộc sống đủ đầy. Nhưng cây cam cũng không ít lần khiến người dân nơi đây nhọc lòng.
Người làng vẫn nhớ mãi năm 2007, cam được mùa nhưng đến vụ thu hoạch không ai mua. Tiếc công sớm tối mưa nắng, anh Sự mạnh dạn đề xuất với bà con thuê 20 xe tải vận chuyển về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội) để bán, hy vọng vớt vát được phần nào nhưng vì chưa ai biết đến cam Hàm Yên nên ế chỏng trơ, lỗ chồng lỗ vì phải thuê xe, chi phí đi lại...
Từ trồng cam đã cho xã Phù Lưu những làng triệu phú
Sau cái đận ấy, dân làng Táu bỏ bê việc chăm sóc vườn cam khiến sâu bệnh hoành hành, năng suất thấp, có vườn bị suy thoái không ra trái. Nhiều nhà đã bỏ cam sang trồng cây hoa màu. Anh Sự vẫn kiên quyết gắn bó với cây cam. Để có vốn tái đầu tư, anh vay ngân hàng gần trăm triệu đồng cải tạo vườn cam 2 ha. Anh Sự bộc bạch, khi ấy nợ cũ chưa trả hết, lại thêm tiền vay mới, nếu không thành công có khi phải bán cả nhà để trả nợ.
Đất không phụ công người, vườn cam của gia đình anh đã cho trái ngọt. Đặc biệt, khi huyện Hàm Yên xây dựng thành công nhãn hiệu cam sành, cam dần có thương hiệu trên thị trường và cho giá trị kinh tế đã “cứu sống” nhiều nông dân như anh. Đến nay, vườn cam của gia đình anh đã lên đến 7,8 ha. Mỗi vụ thu hoạch, gia đình anh lãi từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.
Thấy cam được giá, nhiều hộ dân trong thôn Táu đã quay trở lại mở rộng diện tích trồng cam. Từ cây cam sành, thôn có 110 hộ trồng cam, trong đó có 70 hộ mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Chỉ trong 5 năm trở lại đây, thôn Táu có 15 ngôi nhà sàn bê tông, nhiều nhà xây 2, 3 tầng khang trang được xây dựng nhờ vườn cam cho trái ngọt.
Hơn 200 triệu phúTrong số hơn 1.500 hộ trồng cam ở Phù Lưu, không có hộ thuộc diện hộ nghèo, trong đó có hơn 200 hộ mỗi năm thu lãi vài trăm hến hàng tỷ đồng. Toàn xã có 40 chiếc xe ô tô con, 20 chiếc xe tải. Những làng có nhiều triệu phú cam sành nhất là Nặm Nương, Lăng Đán, Khuổi Nọi, Nà Có, Nà Luộc, Pắc Cáp, Bản Ban, Pá Han và Táu.
Những ngôi nhà khang trang mọc lên ngày càng nhiều hơn ở Phù Lưu
Cam Phù Lưu nức tiếng so với các địa phương khác trong tỉnh không chỉ bởi vị ngọt đậm đà mà còn bởi cái tâm của người trồng cam. Đến thời điểm này đã vào vụ cam đầu mùa, nhiều nhà vườn đã không phun thuốc bảo vệ thực vật nữa, đảm bảo người tiêu dùng được ăn cam sạch. Chủ tịch UBND xã Phù Lưu Đỗ Hữu Ước bảo, người dân đều ý thức bảo vệ tốt được thương hiệu, nâng cao giá trị cam sành là bảo vệ chính bát cơm của họ.
Gia đình anh La Văn Hiệp, thôn Lăng Đán trồng cam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Khi ấy vốn ít, thị trường tiêu thụ nhỏ, gia đình anh trồng 100 gốc cam. Năm 2007, cam được mùa nhưng mất giá anh phải gánh cam đi hàng chục cây số để bán rong nhưng chẳng đủ tiền rau cháo. Sau này, cam sành có thương hiệu, giá không còn bấp bênh nữa, đường giao thông đi lại thuận tiện, cây cam cho giá trị kinh tế cao. Hiện tại, trừ chi phí, 4 ha cam của gia đình anh cho thu lãi 300 triệu đồng.
Vườn cam của gia đình anh Nình Văn Hòa, mỗi năm thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Trong những người trẻ trồng cam ở Phù Lưu, chàng trai trẻ Nình Văn Hòa, thôn Pá Han nổi bật hơn cả. Mới ở tuổi 30, Hòa đã là ông chủ vườn cam hơn 2.000 gốc. Hòa chia sẻ, năm 2005, sau một thời gian đi làm thuê tích lũy được vốn và kinh nghiệm trồng cam, Hòa đầu tư trồng 500 gốc cam sành tại khu đồi Tát Trà. Quyết tâm làm giàu, ham học hỏi, hiện tại anh đã sở hữu vườn cam rộng gần 6 ha, mỗi năm cho thu lãi hơn 500 triệu đồng.
Người trồng cam ở Phù Lưu luôn tâm niệm: Làm nghề trồng cây ăn quả muốn bền được thì phải làm bằng cái tâm sạch, chứ vì lợi ích trước mắt thì sẽ mất hết. Có lẽ đó cũng là cội rễ để cây cam cho nơi đây những làng triệu phú.