Chuyện xây dựng nông thôn mới ở Thanh Xuân

Với mục tiêu làm đến đâu chắc đến đó, dễ làm trước, khó làm sau, xã Thanh Xuân (Như Xuân - Thanh Hóa) đã đạt 5/19 tiêu chí NTM; phấn đấu đạt thêm 2 tiêu chí vào cuối năm 2015.
Đường về Thanh Xuân đang dần được hoàn thiện, mở ra cơ hội giao thương cho người dân.

Triển khai thực hiện chương trình XDNTM, Đảng bộ, chính quyền xã Thanh Xuân quyết tâm vượt qua gian khó đi lên bằng nội lực là chính, không trông chờ ỷ lại. Ngay từ đầu, Thanh Xuân đã tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân, đây được xem là yếu tố quyết định để thay đổi cuộc sống của nhân dân.

Ban chỉ đạo XDNTM của xã đã khuyến khích nhân dân chăm sóc, phát triển trồng rừng trên đất sản xuất, đặc biệt là triển khai dự án trồng cây lấy gỗ lớn có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện các biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng, tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, tuyên truyền, vận động hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, ứng dụng  tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích. Thâm canh tăng năng suất cây công nghiệp mía, sắn; chăm sóc, bảo vệ diện tích cây cao su đang có; chuyển đổi cây trồng thay thế cây sắn đã trồng vụ 3 sang trồng mía ở độ dốc thấp, trồng cây lâm nghiệp nơi độ dốc cao; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với kinh tế trang trại, gia trại; đẩy mạnh xây dựng mô hình trang trại nông - lâm kết hợp, trang trại lâm nghiệp - chăn nuôi...

Phát triển chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng, tập trung mở rộng và nâng cao hiệu quả chăn nuôi tập trung, kết hợp chăn nuôi hộ gia đình; thực hiện tốt các hợp phần hỗ trợ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; quy hoạch đất trồng cỏ, chủ động nguồn thức ăn, xây dựng chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, phấn đấu nâng giá trị chăn nuôi đạt 20% trong nội ngành nông nghiệp, tập trung ở các thôn Thanh Thủy, Thanh Đồng, Đồng Phống... Tận dụng mặt nước ao, hồ để nuôi thuỷ sản và chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông - lâm nghiệp.

Trong 3 năm thực hiện XDNTM,  Thanh Xuân đã tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp ngày công và tiền mặt xây dựng 513m đường bê tông, san lấp được 2.350m3 đất làm mặt bằng nhà văn hóa,  làm đường bê-tông ngõ xóm. Tiêu chí làm đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng luôn được ưu tiên; tiêu chí môi trường  cũng được chú trọng, trong đó toàn xã đã đào được 125 hố đốt rác thải sinh hoạt, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường nông thôn. Tổng giá trị trong quá trình triển khai XDNTM từ nguồn nhân dân đóng góp ngày công lao động và  tiền mặt là 512.300.000 đồng.

Ông Lương Thế Tài, Chủ tịch UBND xã Thanh Xuân, cho biết: “Kết quả đạt được trong XDNTM là sự cố gắng vươn lên trong gian khó của cán bộ và nhân dân trong  xã. Đây là động lực để xã tiếp tục thực hiện những tiêu chí còn lại. Từ những bước đi đúng đắn đó mà tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã luôn đạt 13%/năm trở lên, thu nhập bình quân đến năm 2015 đạt 13,8 triệu đồng, tăng 80,5% so với năm 2010”.

Tuy nhiên, trong XDNTM, Thanh Xuân còn gặp khá nhiều khó khăn, bởi những tiêu chí còn lại khó thực hiện hơn nhiều nên xã rất cần sự quan tâm của Nhà nước và sự vào cuộc của các doanh nghiệp  trong việc xây dựng những công trình lớn như: xây dựng đập thủy lợi Thanh Đồng – Thanh Tiến, nâng cấp tuyến đường Thanh Bình – Thanh Tiến, xây dựng hội trường trung tâm văn hóa xã, nâng cấp cải tạo các nhà văn hóa thôn bản... Đặc biệt, cải tạo nâng cấp chợ trung tâm xã Thanh Xuân để nhân dân trong vùng có thể mở rộng giao thương trao đổi hàng hóa trong vùng “6 Thanh”, có như vậy mới thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng phát triển.

Theo Như Quỳnh/kinhtenongthon.com.vn