Chuyện xóa nghèo trên cao nguyên trắng

Chuyện xóa nghèo trên cao nguyên trắng
Cao nguyên Bắc Hà (Lào Cai) mùa này xanh mơn mởn đào, lê, hồng giòn không hạt, chè Tuyết San, cây dược liệu a-ti-sô... Mầu xanh kết quả của lao động sáng tạo cùng với hỗ trợ hiệu quả của Nhà nước đang xóa đi đói nghèo trên cao nguyên bốn mùa trắng sương mây, trắng mầu hoa mận...
 

Cán bộ Trại rau quả Bắc Hà kiểm tra sự phát triển của cây hồng giòn.  
 
Trong căn nhà gỗ làm theo kiểu truyền thống của người Tày rộng và thoáng mát; có máy thu hình, xe máy, máy bơm, bể chứa nước bằng xi-măng...; rót nước chè Tuyết san xanh óng ánh mời khách, ông Vàng Văn Mạnh, tuổi ngót lục tuần, tóc đã ngả mầu muối tiêu, cười tươi, khoe: "Bây giờ thì nhà mình thoát nghèo rồi, thừa ăn đủ mặc. Vợ con mình đổi đời thật rồi, không phải lo đi làm thuê kiếm gạo từng ngày, không phải xin xã gạo cứu trợ mùa giáp hạt nữa. Tiền bán mận, bán lợn thịt gom lại để trả nốt mười triệu đồng vay Ngân hàng Chính sách xã hội là mình vui lắm". Hỏi chuyện, ông kể: "Ðông con, vợ lại đau yếu liên miên, có ít ruộng và nương thì cứ quẩn quanh theo lối canh tác cũ, cho nên năng suất thấp, nghèo đói cứ bám dai dẳng mãi. Hơn chục năm liền "đội sổ" danh sách hộ nghèo của thôn Na Hô, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà, thấy xấu hổ lắm nhưng chưa biết làm cách nào thoát ra được. Dự án "Cải tạo, phục tráng vườn mận Tam hoa, trồng cây ăn quả ôn đới", rồi "Phát triển chăn nuôi lợn sạch" của huyện thật sự là chiếc "cần câu", giúp gia đình ông có điểm tựa để thoát nghèo. Ba năm qua, được Nhà nước trợ cấp  mỗi năm khoảng một tạ phân bón NPK; cán bộ của Phòng kinh tế và Trung tâm khuyến nông xuống tận nhà hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, vợ chồng ông tiến hành cải tạo vườn mận Tam hoa nhiều năm bỏ hoang; bằng cách cắt cành sâu đục tạo tán mới cho cây, bón phân theo phương pháp mới để tránh đứt rễ cây, dùng cỏ và rơm rạ tụ gốc để  giữ ẩm và tạo độ mùn cho đất... Kết quả thấy rõ, chỉ sau một vụ, vườn mận hơn trăm gốc đang thoái hóa già cỗi đã "lột xác", cho thu hoạch sản lượng gấp hai lần trước đó, quả to, chất lượng tốt, dễ bán lại được giá cao. Lần đầu  có được số tiền "ra tấm ra món" trong tay, ông Mạnh rưng rưng thấy rõ cơ hội thoát được cái nghèo đeo đẳng bao năm qua. Tiền bán mận, cộng thêm tiền vay Ngân hàng CSXH Bắc Hà với lãi suất ưu đãi trong thời hạn ba năm, ông nuôi lợn thịt theo phương pháp chăn nuôi sạch, hạn chế dùng chế phẩm tăng trọng. Xuất chuồng năm tạ lợn hơi đầu tiên được 17 triệu đồng, cộng với tiền bán mận, gia đình ông dành mười triệu đồng trả gốc vay ngân hàng, còn lại đầu tư vào trồng lê, mận và chăn nuôi. Mở tủ, lấy cho tôi xem tờ đơn xin ra khỏi hộ nghèo giữ lại làm kỷ niệm, ông Mạnh phân bua: "Xã không có ép buộc đâu, vợ chồng mình bàn bạc tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo đấy, để quyết chí làm ăn, nhường sự hỗ trợ của Nhà nước cho hộ khác có hoàn cảnh khó khăn hơn thoát nghèo".  Từ tấm gương vợ chồng ông Mạnh, nhiều hộ ở xã Tà Chải đã mạnh dạn vay vốn đầu tư thâm canh ngô lai, trồng mận Tam hoa, lê Tai Nung, đào Pháp, trồng cỏ VA06 để nuôi gia súc nhốt chuồng... tạo nguồn thu nhập ổn định, đời sống vật chất và tinh thần được nâng lên rõ rệt. Năm  2011, cả thôn có 14 hộ đã viết đơn tự nguyện ra khỏi hộ nghèo. Ðến Tà Chải, câu chuyện thời sự hôm nay trong dân và cấp ủy, chính quyền địa phương là làm thế nào để cuối năm nay có thêm vài chục hộ nữa thoát nghèo. Từ cán bộ đến người dân đồng lòng, hợp sức chung tay xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 186 hộ tham gia dự án cải tạo vườn mận, với hơn 25 ha, ở chín thôn, theo kỹ thuật khuyến nông tiên tiến của Ô-xtrây-li-a, đã nâng cao năng suất và chất lượng quả mận Tam hoa. Chủ tịch UBND xã Tà Chải Vàng Văn Khương phấn khởi cho biết: "Năm 2011, toàn xã có 38 hộ tự nguyện ra khỏi hộ nghèo, tạo khí thế phấn khởi, quyết tâm rất cao trong xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới. Từ cái đà này, chúng tôi dấn lên, đặt mục tiêu mỗi năm giảm từ 6 đến 8% hộ nghèo, đạt từ một đến ba tiêu chí nông thôn mới, dẫn đầu toàn huyện".   

Ði dọc tỉnh lộ 153 láng nhựa êm, vào các xã Na Hối, Bản Phố, Lầu Thí Ngài, Lùng Phình... ở đâu cũng trải dài mầu xanh ngô lai, lê xanh, đào hồng, cây thuốc a-ti-sô... Trại trưởng Trại rau quả Bắc Hà thạc sĩ Lương Quang Thạch giới thiệu, đó là kết quả của ứng dụng di thực, lai tạo các giống cây ăn quả ôn đới từ Ðài Loan (Trung Quốc), Cộng hòa Pháp, từ Sa Pa... trong nhiều năm qua của Trung tâm giống nông, lâm nghiệp Lào Cai tại vùng đất này. Cây lê Tai Nung sau khi trồng, chăm sóc khoảng  ba năm thì cho thu hoạch, mỗi cây từ 25 kg quả và đạt sản lượng cao nhất khi cây mười tuổi, khoảng 120 kg quả/cây. Tính trung bình, mỗi ha đạt năng suất khoảng 50 tấn, trị giá theo thị trường địa phương khoảng 800 triệu đồng/ha. Lê Tai Nung bán được giá do chín sớm hơn lê địa phương khoảng một tháng. Hơn 130 ha lê Tai Nung đã "cắm chân" vững chắc trên đất cao nguyên, trong vườn của hơn 400 hộ nông dân nơi đây. Những cán bộ quản lý, kỹ sư của Trại rau quả Bắc Hà còn rất trẻ, phần đông từ miền xuôi Thái Bình, Nam Ðịnh, Hải Phòng... tình nguyện lên vùng cao làm việc, đã miệt mài bám đất, bám dân để tạo thêm một "chân kiềng" thoát nghèo bền vững cho đồng bào. Hiện, Bắc Hà có hơn 500 hộ nông dân là người Mông, Tày, Nùng... tham gia dự án phát triển cây ăn quả ôn đới; đã trồng được gần 300 ha trên những triền đất dốc và vẫn đang tiếp tục mở rộng. Chủ trương của Huyện ủy Bắc Hà là phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, trong đó cây mận Tam hoa truyền thống và tập đoàn cây ăn quả ôn đới, cây thuốc a-ti-sô sẽ là mũi nhọn chủ lực để xóa đói, giảm nghèo nhanh, hiệu quả và bền vững. Chỉ tính riêng năm 2011, có hơn tám nghìn lượt nông dân được tập huấn khoa học kỹ thuật về sản xuất nông, lâm nghiệp, Nhà nước hỗ trợ hơn 260 tấn giống ngô lai, lúa giống mới, 300 người được đào tạo nghề; hàng nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế... Anh Thạch cho biết, hiện, Bắc Hà có hơn 400 ha mận Tam hoa; 30 ha lê xanh, 60 ha lê Tai Nung, 70 ha đào Pháp..., tổng sản lượng đạt khoảng hai nghìn tấn quả, đem lại cho nông dân khoảng 30 tỷ đồng mỗi năm. Ðây chính là mũi nhọn xóa nghèo bền vững và làm giàu của nông dân Bắc Hà hôm nay.

Không chỉ ở chung quanh thị trấn huyện lỵ, đến các xã vùng sâu như Bản Liền, Nậm Khánh, Nậm Ðét... toàn người dân tộc thiểu số sinh sống ven suối hay trên những đỉnh núi cao mờ sương, thấy công cuộc "đột phá" để sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu đang được mỗi người dân hưởng ứng tích cực. Cả một vùng núi non xanh bạt ngàn chè Tuyết san; nồng nàn hương quế, có những rừng quế 20 tuổi, thân to như cột nhà, ken dày, vút thẳng lên cao. Tôi ngạc nhiên trước tấm bảng đề "Vườn quế hạnh phúc" của Ðoàn Thanh niên xã Nậm Ðét. Vườn rộng đến hai ha, quế to đường kính cỡ 15 đến 20 cm. Có đến năm "Vườn quế hạnh phúc" như thế. Khí hậu, thổ nhưỡng Nậm Ðét khá thích hợp với cây quế, sinh trưởng nhanh, cho chất lượng tinh dầu tốt nhất tỉnh Lào Cai, được khách hàng ưa chuộng. Phó Bí thư Ðoàn xã Nậm Ðét, người Dao, Triệu Thị Dân giải thích:  Ðặt tên "Vườn quế hạnh phúc" là nhằm giúp những cặp vợ chồng trẻ còn nghèo, ra ở riêng có vốn liếng làm ăn để thoát nghèo, có cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ðoàn xã gây dựng được một vườn quế đầu tiên khoảng hai ha, đang cho thu hoạch tỉa thưa chừng 80 triệu đồng/năm. Từ nguồn quỹ này, Ðoàn xã cho những đoàn viên, thanh niên mới lập gia đình vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, mở ngành nghề thủ công... tạo việc làm và thu nhập ổn định. Rất mừng là bốn trong số tám chi đoàn thôn có "Vườn quế hạnh phúc", với tổng diện tích khoảng chín ha, đang cho thu hoạch và hơn chục ha mới trồng. Nguồn quỹ của Ðoàn xã Nậm Ðét gần 500 triệu đồng thu từ quế, mỗi năm đã giúp hàng chục hộ gia đình trẻ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, trở thành những triệu phú trẻ ở nơi núi cao suối sâu hiểm trở bậc nhất này. Ði dưới tán rừng quế xanh mát, Bí thư Ðảng ủy xã Triệu Kim Vảng khoe rằng, toàn xã Nậm Ðét hiện có gần 900 ha quế, trong đó có khoảng 670 ha đang cho thu hoạch, mỗi năm đem lại cho đồng bào Mông, Dao ở đây hàng chục tỷ đồng. Nậm Ðét có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, dẫn đầu huyện Bắc Hà trong công cuộc xóa nghèo.

Chiều muộn, mặt trời ngả bóng sau dãy núi Cô Tiên xanh thẫm vươn sừng sững giữa cao nguyên Bắc Hà. Trong câu chuyện nói về xóa nghèo, Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà Nguyễn Anh Tuấn tâm đắc với việc tuyên truyền, chú trọng khơi dậy nội lực, vai trò chủ thể của người dân trong xóa nghèo, xây dựng nông thôn mới, tránh thụ động, ỷ lại Nhà nước. Ông vui mừng thông báo, năm 2011, huyện có gần một nghìn hộ thoát nghèo, cao nhất từ trước đến nay; nhất là, lần đầu có hơn 100 hộ cận nghèo ở các xã Tà Chải, Na Hối, Bảo Nhai... tự nguyện rút khỏi diện hộ nghèo. Ðiều đó cho thấy, chuyển biến tích cực trong nhận thức của người dân và sự vào cuộc hiệu quả của các cấp, các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội trên cao nguyên Bắc Hà bốn mùa trắng sương mây.

Bài và ảnh:  QUỐC HỒNG

 Theo nhandan. org.vn