Cơ bản khống chế được dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước

Ngày 20/6, thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã được khống chế, hiện cả nước không có ổ dịch mới nào phát sinh.
Cơ bản khống chế được dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cả nước. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Tuy nhiên, Cục Thú y cũng lưu ý các địa phương không vì thế mà lơ là trong công tác phòng, chống dịch; đặc biệt là những ổ dịch cũ.

Theo nhận định của Cục Thú y, đối với dịch cúm gia cầm , do diễn biến phức tạp của thời tiết nên nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao; các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9.

Bên cạnh đó, tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời.

Đối với dịch lở mồm long móng, Cục Thú y khuyến cáo các địa phương thuộc khu vực có nguy cơ cao, nơi có ổ dịch cũ, có đàn gia súc chưa được tiêm phòng triệt để, đặc biệt các địa phương có dự án cung ứng con giống gia súc, xóa đói giảm nghèo cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, tổ chức tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng, kiểm soát chặt việc vận chuyển gia súc, quản lý giết mổ gia súc để giảm thiểu nguy cơ phát sinh, lây lan dịch.

Hiện nay, cả nước có 1 ổ dịch lở mồm long móng típ A chưa qua 21 ngày tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (đã qua 7 ngày).

Đến nay, các địa phương tiếp tục khống chế thành công dịch tai xanh lợn. Tuy nhiên, có thể vi rút vẫn tồn tại trong môi trường chăn nuôi kết hợp với những diễn biến phức tạp của thời tiết ảnh hưởng xấu đến đàn gia súc nuôi, nên trong thời gian tới dịch có thể xuất hiện và gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh có dịch cũ.

Do đó, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm ổ dịch, thực hiện nghiêm các qui định về kiểm dịch vận chuyển lợn và các sản phẩm của lợn, tăng cường kiểm soát giết mổ lợn, chủ động ngăn chặn dịch xâm nhập vào địa bàn.

Đối với tỉnh Bạc Liêu, thời gian qua cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.

Ngành thú y tỉnh đã tổ chức nhiều đợt tiêm phòng, có hơn 80% đàn gia súc, gia cầm đã được tiêm phòng đủ mũi.

Ngành phối hợp với các địa phương, hộ chăn nuôi cho thống kê lại tổng đàn, tiếp tục tiêm phòng lập lại mũi, tiêm vắc xin cho đàn nuôi mới; tổ chức vệ sinh, khử trùng môi trường, nhất là khu vực đã xảy ra dịch bệnh, nguy cơ tái phát dịch bệnh cao; quản lý chặt nguồn con giống, người nuôi mới phải khai báo; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, nhất là tình trạng mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm tươi sống tại các chợ.

Đồng thời, khuyến cáo người dân, người chăn nuôi nâng cao ý thức trong công tác phòng chống bệnh, khi phát hiện gia súc, gia cầm có chịu chứng bệnh báo ngay với cơ quan chức năng; tuyệt đối không bán, không ăn thịt chưa qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc…

Tuy nhiên, công tác tiêm phòng gần đây gặp không ít khó khăn, một bộ phận người chăn nuôi né tránh, không khai báo khi nuôi mới, tái đàn.

Hơn nữa, lâu nay người chăn nuôi ở Bạc Liêu sản xuất theo mô hình nhỏ lẻ, theo hộ gia đình, mang tính tự phát, không ổn định nên gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý.

Đặc biệt, trong chăn nuôi, quy trình kỹ thuật, thiết kế chuồng trại chưa đạt yêu cầu, khâu xử lý vệ sinh, môi trường chưa tốt...

Theo ông Trương Phước Thông, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bạc Liêu, địa phương có đàn gia súc hơn 230.000 con và hơn 2,5 triệu gia cầm. Hiện tổng đàn trên đã tăng so với cùng kỳ, nhất là đàn gia cầm tăng hơn 14%.

Tính đến thời điểm này, trên địa bàn có hơn 2.000 con gia súc, 3.000 con gia cầm bị nhiễm bệnh, tuy nhiên ngành chức năng kịp thời khoanh vùng, xử lý nên không lây lan ra diện rộng./.