Cơ giới hóa nông nghiệp, nhìn từ Kiên Giang

Cơ giới hóa nông nghiệp là tất yếu, phù hợp với nhu cầu phát triển và quá trình CNH, HÐH đất nước. Một trong những chính sách nhằm đẩy nhanh tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp là hỗ trợ lãi suất cho nông dân khi đầu tư mua máy móc phục vụ nông nghiệp.
Trình diễn máy gặt đập liên hợp tại huyện Châu Thành (Kiên Giang).

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh nhiều vấn đề, do đó cần có chiến lược đầu tư chiều sâu và đồng bộ hơn.

Hỗ trợ nông dân mua máy nông nghiệp

Là một tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp đứng đầu cả nước, nhưng một thời gian dài sản lượng lúa ở Kiên Giang vẫn thấp hơn so với nhiều tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc sống của một bộ phận nông dân vẫn nghèo khó. Nguyên nhân của thực trạng này là do lối sản xuất lạc hậu, cũ kỹ vẫn chưa được khắc phục. Nhiều nơi vẫn còn tồn tại cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau; cấy, gặt, đập... tất cả đều dựa vào sức người. Sản xuất bị động nên rủi ro cao, thất thoát, giá thành tăng, chất lượng hàng hóa sụt giảm. Cơ giới hóa các hoạt động sản xuất là niềm ao ước, nhưng giá thành của các loại máy vượt khỏi tầm với của nông dân. Tiến sĩ Ðỗ Minh Nhựt, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Kiên Giang cho biết: Giữa năm 2003, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định 1351 hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua cơ giới phục vụ sản xuất, sau đó tỉnh có nhiều văn bản chỉ đạo tiếp tục thực hiện chủ trương này. Chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc ra đời đáp ứng nguyện vọng và mong mỏi cấp thiết của người nông dân, nên việc triển khai thuận lợi. Ðến tháng 10-2003, tất cả các hộ dân trong tỉnh đã được tiếp thu chính sách này. Nông dân Mã Văn Hùng ở xã Ngọc Thạnh, huyện Giồng Riềng chia sẻ: "Cơ giới hóa trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp là ao ước của người dân. Nhưng để đầu tư mua máy móc thì đa phần nông dân không có khả năng. Ngân hàng cũng rất e ngại khi cho nông dân vay một lúc nhiều tiền, nếu không có chính sách bảo trợ của Nhà nước". Chính vì vậy, ngay khi địa phương triển khai chủ trương hỗ trợ, ông Hùng đã nhanh chóng hoàn thành các thủ tục vay vốn. Năm 2004, ông Hùng được giải ngân 30 triệu đồng để mua máy cày. Chỉ sau hai năm đưa máy vào sản xuất không chỉ thu đủ vốn trả nợ, ông Hùng còn dư tiền mua thêm một máy cày mới. Nông dân Nguyễn Hữu Liêm ở hợp tác xã kinh 8B, huyện Tân Hiệp, cũng được hưởng chính sách hỗ trợ từ rất sớm và làm ăn khá hiệu quả. Ông Liêm khẳng định: "Nếu Nhà nước không có chính sách cho vay, hỗ trợ lãi suất thì những nông dân có mức thu nhập trung bình như chúng tôi không thể sở hữu được những loại máy móc hiện đại và tăng thu nhập được từ nông nghiệp".

Sau hơn tám năm triển khai chính sách cho nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, ở Kiên Giang đã có 917 hộ được xét cho vay có hỗ trợ lãi suất để mua 264 máy cày, 267 máy gặt đập liên hợp (GÐLH), 52 máy bơm nước, 123 mô-tơ điện, 46 máy suốt lúa, 163 máy sấy lúa... TS Ðỗ Minh Nhựt nhận xét: Cơ giới hóa đã giúp các hợp tác xã, tổ hợp tác, nông dân chủ động trong các khâu cày trục đất, bơm tưới tập thể, xuống giống đúng thời vụ, thu hoạch tránh lũ; đồng thời giảm áp lực thiếu lao động khi thu hoạch đồng loạt và giảm chi phí sản xuất từ 1,2 đến 1,7 triệu đồng/ha/vụ, riêng khâu bơm tưới tập thể giảm đến một phần ba chi phí so với bơm riêng lẻ. Sử dụng mỗi chiếc máy cày để cày xới đất sẽ cho lợi nhuận sau chi phí khoảng từ 40 đến 80 triệu đồng/năm; một máy suốt lúa cho lãi thực từ 14 đến 16 triệu đồng/năm. Riêng máy GÐLH cho lãi thực lên tới 180 triệu đồng/hai vụ lúa. Trên thực tế, dùng máy GÐLH nông dân còn tiết kiệm khoảng 1,2 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công và giảm thất thoát so với thu hoạch thủ công khoảng 2% sản lượng. Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Lợi (xã Mong Thọ A, huyện Châu Thành) Ðinh Văn Minh phấn khởi: "Tôi được hỗ trợ 100% lãi suất vay 980 triệu đồng mua hai máy GÐLH hiệu Kubota Việt Nam với thời hạn vay ba năm. Vụ đông xuân năm trước, hai chiếc máy thu hoạch được 120 ha, trừ chi phí mỗi chiếc còn lãi khoảng 80 triệu đồng. Ðến vụ hè thu, tiếp tục thu hoạch khoảng 100 ha, trừ chi phí còn lãi 75 triệu đồng mỗi chiếc. Chỉ sau hai vụ, tôi đã trả tiền gốc được 170 triệu đồng cho mỗi chiếc máy. Vụ đông xuân này, dù chưa tổng kết, nhưng có khả năng khá hơn năm trước".

Gỡ vướng cho nông dân

Chính sách hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp còn tạo ra bước chuyển rõ rệt trong tư duy, nhận thức của người nông dân, khuyến khích những người có tiền mạnh dạn đầu tư vào khu vực nông nghiệp-nông thôn, mở dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa làm giàu cho gia đình vừa làm lợi cho xã hội. Ðến nay, toàn tỉnh Kiên Giang có 1.319 máy GÐLH, 4.827 máy cày, 160 máy gặt xếp dãy, 1.799 lò sấy lúa, 5.692 dụng cụ sạ hàng... Với số máy hiện có, Kiên Giang đã cơ giới hóa đạt 65% diện tích cày ải, 100% khâu bơm tưới bằng động lực, 35% khâu thu hoạch, 30% khâu sạ hàng, 50% sản lượng khâu sấy khô...

Tuy nhiên, số máy móc được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay để mua so với số máy mà nông dân tự đầu tư vẫn còn thấp, nguyên nhân do phát sinh một số vấn đề trong quá trình thực hiện. Theo kỹ sư Lê Văn Tuyền, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Hiệp, việc ngân hàng quy định các tập thể và cá nhân khi vay vốn mua máy móc phải có tài sản thế chấp và hàng hóa phải đạt tỷ lệ nội địa dẫn đến khó khăn cho nông dân. Nông dân không còn tài sản khác ngoài đất đai. Bên cạnh đó, việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi còn khó khăn. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Giồng Riềng Nguyễn Phùng Như cho rằng, Quyết định 2213 của Thủ tướng Chính phủ ra đời nhưng thời gian đầu hướng dẫn không cụ thể nên gặp khó khăn khi áp dụng. Ðến khi có hướng dẫn cụ thể thì đã hết thời gian thực hiện. Hơn nữa, các loại máy móc sản xuất, lắp ráp trong nước phần lớn hoạt động không ổn định nên khi vận hành không đạt yêu cầu. Nông dân Ðinh Văn Minh cho biết thêm: "Nếu các loại máy nội địa hoàn thiện công nghệ sản xuất để đạt được đặc tính như nhẹ, dễ chạy, bền, ít hao nhiên liệu, ít hư hỏng, khâu bảo hành tốt, cắt được lúa ngập nước như máy nhập ngoại thì nông dân sẽ dùng máy sản xuất trong nước. Vì các loại máy sản xuất ở nước ngoài, hoặc các hãng nước ngoài sản xuất tại Việt Nam đều có giá thành cao so với các loại máy sản xuất trong nước như: Tư Sang, Vạn Phúc, Út Máy Cày...".

Hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng, được nông dân đồng tình ủng hộ và đang tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên thực tế có những vấn đề khó khăn đặt ra khi đưa máy móc vào đồng ruộng như: Diện tích đất của từng hộ quá nhỏ hẹp, phần lớn dưới 1 ha. Nông dân làm lúa hai vụ, ba vụ/năm mà vụ hai, vụ ba thường thu hoạch trúng ngay mùa mưa, cho nên việc sử dụng máy móc gặp không ít khó khăn... Vì vậy, việc đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp cần có một chiến lược đầu tư có chiều sâu và đồng bộ. Tỉnh Kiên Giang phấn đấu đến năm 2015, nâng diện tích cơ giới hóa khâu thu hoạch lên 70%, cày ải đạt 85%, phun thuốc 70%, sấy khô đạt 70% sản lượng... Ðể hoàn thành mục tiêu này, tỉnh Kiên Giang phải đầu tư mua mới 1.584 máy GÐLH, 1.060 máy cày, 2.178 máy sấy, 3.733 mô-tơ điện, 9.800 máy phun thuốc và 8.750 máy sạ lúa theo hàng. Tổng nhu cầu vốn trong thời gian bốn năm lên tới hơn 1.152 tỷ đồng, trong đó số tiền hỗ trợ lãi suất ước tính hơn 443,5 tỷ đồng. UBND tỉnh Kiên Giang cũng đã chỉ đạo ngành công thương xây dựng đề án hỗ trợ lãi suất để khuyến khích các cơ sở cơ khí đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất phụ tùng nội địa, sửa chữa cơ giới; xây dựng kế hoạch phát triển các cơ sở cơ khí tại các vùng nông thôn; tạo điều kiện kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp... Các doanh nghiệp cơ khí trong nước cần quan tâm đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm bền, tốt, rẻ, hợp... để không tiếp tục thua ngay trên sân nhà.

Theo Nhandan