Cơ hội cho nông sản địa phương
- Thứ ba - 30/10/2018 21:53
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiệu quả kinh tế lớn
5 năm gần đây, phố thị vùng sơn cước Cao Phong (Hòa Bình) có nhiều thay đổi, kinh tế địa phương phát triển; cơ sở hạ tầng được đầu tư nâng cấp; đời sống vật chất, tinh thần của người dân tăng cao. Có được điều này, theo lãnh đạo UBND huyện Cao Phong, nhờ quả cam Cao Phong - đặc sản của địa phương - được cấp Chứng nhận CDDL. Chỉ sau một năm được cấp chứng nhận, giá mặt hàng nông sản này được nâng cao rõ rệt. Nếu như những năm 2012, 2013, giá cam Cao Phong chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg, thì từ khi được cấp CDĐL, giá bán tại vườn đã tăng lên tới 25.000 - 40.000 đồng/kg.
Tiêu thụ nước mắm Phú Quốc tăng cao từ khi được cấp Chứng nhận chỉ dẫn địa lý |
Tương tự, sau khi được cấp CDĐL, nước mắm Phú Quốc cũng có mức tiêu thụ tăng từ 20 - 30 triệu lít và xuất khẩu 1,2 triệu lít mỗi năm; trong khi trước đây chỉ sản xuất từ 5 - 6 triệu lít/năm… Gần đây nhất, đầu năm 2018, bưởi da xanh Bến Tre được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp CDĐL, có giá cao hơn bưởi của các tỉnh miền Đông từ 10.000 đồng/kg…
Rõ ràng, hiệu quả kinh tế từ những sản phẩm được cấp CDĐL tại Việt Nam rất lớn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, ngoài lợi ích về kinh tế, CDĐL còn giúp nhà sản xuất, chính quyền, cơ quan quản lý có cơ sở pháp lý để phòng, chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.
Nâng cao chất lượng
Theo Bộ Công Thương, xây dựng và quản lý CDĐL là rất cần thiết để phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu, giúp sản phẩm đặc sản qua chế biến của Việt Nam giữ vững thị trường trong nước; đồng thời mở rộng, chiếm lĩnh thị trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng, địa phương phải tăng cường khả năng quản lý, kiểm soát về chất lượng đối với sản phẩm mang CDĐL, đặc biệt sau khi bảo hộ. Mặt khác, cần mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế về CDĐL nói riêng và sở hữu trí tuệ nói chung, tích cực triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
Là địa phương vừa công bố "CDĐL hạt tiêu Quảng Trị và nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận tỉnh Quảng Trị", lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã bày tỏ quyết tâm liên kết trồng tiêu sạch. Các hộ nông dân và doanh nghiệp cũng đang từng bước áp dụng biện pháp canh tác bền vững theo hướng thực hành nông nghiệp tốt; thực hiện công nghệ tưới tiết kiệm; tuân thủ quy trình kỹ thuật, sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.
Theo Bộ Công Thương, CDĐL là một quá trình đầu tư lâu dài và đòi hỏi cam kết, nỗ lực của nhiều bên tham gia, từ người nông dân, doanh nghiệp… đến chính quyền các cấp. |