Cơ hội cho xuất khẩu bưởi da xanh, dừa xiêm xanh
- Thứ tư - 06/06/2012 21:37
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bưởi khan hàng, sốt giá
Ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp tư nhân Hương Miền Tây tại huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, cho biết từ đầu năm đến nay có rất nhiều đối tác nước ngoài đến doanh nghiệp của ông đặt vấn đề nhập khẩu bưởi da xanh - một loại đặc sản của ĐBSCL nhưng ông không dám nhận đơn hàng vì nguồn cung phục vụ cho xuất khẩu hiện rất ít.
“Mặc dù đơn hàng đến dồn dập từ các nước nhập khẩu nhưng tôi cũng chỉ giải quyết được một số khách hàng truyền thống bởi hiện sản lượng bưởi của các nhà vườn chỉ đáp ứng được khoảng 30-40% số lượng đơn hàng xuất khẩu", ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm, trước đây công ty Hương Miền Tây thu mua được 25-30 tấn/ngày nhưng ở thời điểm hiện tại số lượng có được cao lắm cũng chỉ là 8-10 tấn/ngày.
Theo các nhà vườn trồng bưởi tại các tỉnh ĐBSCL như Bến Tre, Tiền Giang, do đang trong vụ nghịch nên nguồn bưởi sản xuất được cho xuất khẩu ít trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao nên đã giúp giữ giá bưởi luôn ổn định ở mức cao. Ông Nguyên Văn Tiến, xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre cho biết, hiện bưởi loại tốt được thương lái mua tại vườn của nông dân với giá ít nhất từ 32.000- 33.000 đồng/kg.
Ông Hưng từ công ty Hương Miền Tây nói giá bưởi năm nay rất tốt, hiện xoay quanh mức 36.000- 37.000 đồng/kg (giá mua tại doanh nghiệp), cao hơn vài ngàn đồng so với các năm trước. Với mức giá này, các nhà vườn trồng bưởi có thể có lợi nhuận từ 40- 50 triệu đồng/công/năm (1.000 m2). Đặc biệt, đối với những hộ canh tác giỏi có thể lãi 90-100 triệu đồng/công/năm.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre cho biết, trước tình hình nguồn bưởi phục vụ xuất khẩu khan hiếm, tỉnh cũng đã có kế hoạch mở rộng diện tích vùng chuyên canh bưởi da xanh sản xuất theo tiêu chuẩn GAP lên 4.000 héc ta để đáp ứng nhu cầu này.
Cơ hội cho dừa xiêm xanh
Trong khi nguồn bưởi phục vụ cho xuất khẩu đang gặp khó khăn thì việc dừa xiêm xanh (loại dừa tươi) bước đầu được các nước châu Âu chấp nhận đã mở ra một cơ hội cho sản phẩm thâm nhập vào một trong những thị trường khó tính này.
Ông Đàm Văn Hưng cho biết, các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là các nước châu Âu cũng đã bước đầu chấp nhận sản phẩm dừa xiêm xanh của Việt Nam bởi nước ngọt, vị đặc trưng. “Do nguồn bưởi xuất khẩu ít, không đủ để đóng vào container giao cho đối tác nên chúng tôi có gửi qua một ít dừa xiêm xanh để chào hàng nhưng không ngờ phản ứng của đối tác rất tốt”, ông Hưng nói.
Lợi thế hiện có của Việt Nam là nguồn dừa rất là phong phú, hoàn toàn có khả năng đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu của đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, để dừa xiêm xanh có thể xuất khẩu được mạnh, nhất thiết phải có sự đầu tư về hệ thống dây chuyền xử lý, sơ chế và bảo quản.
“Dù đã được thị trường chấp nhận nhưng sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa thể thâm nhập mạnh vào các thị trường xuất khẩu (từ đầu năm đến nay chỉ mới xuất được khoảng 10.000 trái) bởi vì Việt Nam hiện chỉ xuất thô (xuất nguyên trái) nên cước phí vận chuyển tăng, lợi nhuận thu được rất thấp”, ông Hưng cho biết.
Theo ông Hưng, nếu các công ty đầu tư được hệ thống xử lý, sơ chế bảo quản dừa xiêm xanh tốt chắc chắn sản phẩm này sẽ chinh phục được thị trường châu Âu và cũng cần nghiên cứu cách thức để tiết kiệm được chi phí vận chuyển.
“Bằng mọi giá phải giảm chi phí vận chuyển mới có lời. Các nhà khoa học cần có nghiên cứu quy trình làm sao tạo sản phẩm gọn nhẹ, chất lượng bảo đảm, an toàn mới giúp sản phẩm đứng vững trên thị trường nhập khẩu”, ông Hưng đề xuất.
Theo TBKTSG Online