Cơ hội đẩy lùi thoát nghèo

(PLO) - Giai đoạn 2016-2020, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững kỳ vọng một chặng phát triển mới thông qua áp dụng phương pháp đo lường đa chiều.
Cơ hội đẩy lùi thoát nghèo
Hiệu quả chưa bền vững
Sau ngày thống nhất đất nước, Việt Nam từ một đất nước lạc hậu bắt tay vào khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng đất nước. Trải qua những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tỷ lệ đói nghèo luôn ở mức cao, nhất là ở những vùng nông thôn, miền núi xa xôi. 
Năm 1993 tỷ lệ nghèo còn 58%, rồi với biết bao nỗ lực, tỷ lệ ấy giảm dần. Đến cuối năm 2015 chỉ còn khoảng 4,5% và sẽ tiếp tục giảm vào năm 2016. Thành quả ấy có được trước hết nhờ vào những chính sách nhân văn, lan tỏa và thiết thực, gắn với sự nhận thức và nỗ lực của đông đảo nhân dân. 
Còn nhớ, vào tháng 9/2000 tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc, Việt Nam là một trong 189 nước thành viên cam kết Mục tiêu Thiên niên kỷ, gồm những cam kết hợp tác toàn cầu về xóa nghèo đói, phát triển và bảo vệ môi trường. Trong 15 năm qua, Việt Nam đã ưu tiên thực hiện các mục tiêu này, đồng thời đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế-xã hội. 
Song đáng nói là trong thực tế, tỷ lệ hộ nghèo giảm không đều. Ở những vùng núi xa xôi cao gấp 3,5 lần so với tỷ lệ trung bình cả nước. Nhiều học sinh còn chưa được đến trường, tỷ lệ thất nghiệp và không có việc làm ổn định lớn, người dân khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội. Rất nhiều hộ dân đang ở sát ngưỡng nghèo, chỉ cần đổ trọng bệnh, gặp một cú sốc, một tai nạn là tái nghèo. 
Đó là chưa kể đến các dạng nghèo đô thị mới đã xuất hiện trong các nhóm dân di cư và lao động tự do. Thí dụ như ở TP Hồ Chí Minh, theo điều tra của địa phương, tỷ lệ nghèo đa chiều trong nhóm nhập cư cao gấp bốn lần so với cư dân của thành phố.
Một điều dễ nhận thấy là Mục tiêu Thiên niên kỷ chưa hoàn thành tại Việt Nam hiện nằm ở một số địa bàn và nhóm dân cư, trong đó có đồng bào thiểu số ở miền núi, nhóm dân cư dễ bị tổn thương. Nói đúng hơn, hệ thống an sinh xã hội chủ yếu hướng tới các nhóm lao động chính thức, hưởng lương theo chế độ và các nhóm nghèo nhất nhận trợ cấp xã hội. 
Trong khi đó, nhóm cận nghèo - gồm người có thu nhập thấp, bấp bênh, việc làm không ổn định, dễ tổn thương trước một biến cố chưa được quan tâm đúng mức. Thêm nữa, mức hỗ trợ thường xuyên cho các nhóm đối tượng này quá thấp, không thể tạo ra sự khác biệt cho cuộc sống của họ. Trong khi đó các gia đình có thu nhập thấp này cần được giúp đỡ, bảo đảm an sinh để không chỉ tạo ra năng lực chống chọi với các cú sốc mà còn để đầu tư cho con em mình và tăng khả năng nắm bắt các cơ hội có việc làm tốt hơn.
Đẩy mạnh tiếp cận và trợ giúp hiệu quả
Nhằm giảm nghèo đến mức thấp nhất, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, các vùng hẻo lánh, cần lắm những chính sách đủ mạnh để thực thi hiệu quả. Quyết tâm ấy của Chính phủ đã thể hiện trong Nghị quyết 80, trong Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Giảm nghèo bền vững, và đáng chú ý gần đây là việc thông qua Kế hoạch Hành động đẩy nhanh các Mục tiêu Thiên niên kỷ cho vùng dân tộc thiểu số và Đề án Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, giai đoạn 2016-2020.
Việc triển khai Đề án Chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều sẽ hiện thực hóa các luận cứ (như đã nêu trong Nghị quyết 76 của Quốc hội về định hướng giảm nghèo bền vững), giúp Chính phủ cung cấp được các hỗ trợ toàn diện hơn, cho nhiều người nghèo hơn, đặc biệt là người dân các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, người di cư tự do.
Điểm mới của Đề án, trước hết nhằm đổi mới cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, kém hiệu quả, đồng thời lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, ưu tiên các chính sách hỗ trợ đối với phụ nữ và trẻ em nghèo, mở rộng chính sách đối với hộ cận nghèo…
Thứ hai, Đề án không chỉ đánh giá nghèo về thu nhập mà xác định trên cả năm dịch vụ xã hội cơ bản như: tiếp cận về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin. Hiểu đơn giản, nghèo đa chiều là phương pháp tiếp cận nhằm hạn chế việc bỏ sót những đối tượng tuy không nghèo về thu nhập nhưng lại nghèo về các chiều cạnh khác. 
Theo đó, hộ nghèo được chia thành ba nhóm: Nhóm một gồm những hộ nghèo cùng cực, vừa thiếu hụt thu nhập vừa thiếu hụt 1/3 tổng điểm tiếp cận dịch vụ cơ bản; nhóm hai gồm nghèo thu nhập nhưng không thiếu hụt đa chiều; nhóm ba có thu nhập cao hơn chuẩn chính sách và thiếu hụt 1/3 tổng điểm tiếp cận dịch vụ cơ bản. 
Việc chia tách rõ đối tượng nghèo theo từng tiêu chí, theo các cơ quan chức năng, để có chính sách can thiệp cụ thể và tập trung hơn. Với hộ nghèo thu nhập thì tập trung tạo việc làm để họ tăng thu nhập. Hộ nghèo cùng cực thì tập trung hỗ trợ trực tiếp, giúp họ cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, từ đó tăng thu nhập.
Nỗ lực trong tư duy mới
Tuy nhiên, đây là vấn đề không chỉ thực hiện một sớm một chiều bởi còn phải bảo đảm quá trình thiết kế hài hòa các Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và Mục tiêu Quốc gia về Xây dựng nông thôn mới. Việc phân bổ nguồn lực trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay là vấn đề khá khó khăn. Cụ thể hơn, theo chuẩn mới số hộ nghèo sẽ tăng từ 4,5% lên 12%, do đó gây nên áp lực cho phân bổ ngân sách. 
Hay như việc quy định chuẩn nghèo mới được xây dựng sau Đại hội Đảng ở các tỉnh, thành kéo theo mục tiêu giảm nghèo trong 5 năm tới cũng cần phải điều chỉnh. Đó là chưa kể đến những thách thức về nhân lực, nguồn lực của cán bộ địa phương, hiện vẫn phải kiêm nghiệm, thiếu trình độ chuyên môn dẫn đến việc rà soát, đo lường gặp nhiều khó khăn.
Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng: “Chúng ta đang đứng trước thách thức lớn trong giai đoạn mới, đòi hỏi cách làm phải vượt ra khỏi tư duy cũ trong triển khai các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt, phải tăng các chính sách cho vay để tạo dựng cơ hội cho người dân có nội lực vươn lên, giảm dần chính sách cho không. Để một chính sách mới thẩm thấu vào cuộc sống, tất nhiên cũng phải có thời gian, nhưng rõ ràng từ cách quản lý, thực hiện buộc phải có nhiều sáng tạo mới”.
Đồng quan điểm ấy, nhiều chuyên gia cho rằng việc bình xét hộ nghèo cần phải được thực hiện công khai, có sự tham gia giám sát của cộng đồng, các đoàn thể, tránh tình trạng “xin-cho” như đã từng diễn ra trong những năm qua.
Bùi Linh
http://baophapluat.vn/