Cơ hội mới từ loài hoa 'nữ hoàng'

Cơ hội mới từ loài hoa 'nữ hoàng'
Nhu cầu chơi hoa lan – “nữ hoàng” của các loài hoa, đang ngày càng tăng cao. Chỉ tính riêng tại TP.HCM năm 2018, bà con trồng lan của thành phố cung ứng ra thị trường khoảng 134,5 triệu cành lan nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu, vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn từ Thái Lan…

Cung không đủ cầu

Theo khảo sát của Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ nông nghiệp TP.HCM, hiện hoa lan tiêu thụ tại thị trường TP.HCM chủ yếu từ 3 nguồn chính là trồng tại chỗ, nhập từ các tỉnh và nhập khẩu từ các nước (99% nhập từ Thái Lan).

Người dân thưởng lãm các loài hoa lan tại Festival hoa lan TP.HCM 2019.

Mặc dù, diện tích sản xuất hoa lan của TP.HCM có xu hướng ngày càng tăng, nhưng cung luôn không theo kịp cầu. Tính đến hết năm 2018 diện tích trồng lan tại TP.HCM là 375 ha (tăng 21% so với năm 2015) tập trung ở các huyện Củ Chi (lan Mokara), Bình Chánh (lan Dendrobium). Năm 2010, thành phố cung ứng ra thị trường khoảng 84,5 triệu cành lan thì đến năm 2018 đã tăng lên gấp 1,6 lần (134,5 triệu cành).

“Người dân thành phố bắt đầu chơi lan và thưởng ngoạn lan, mức độ thưởng ngoạn và tiêu dùng ngày càng cao. Chính vì vậy, thị trường tiêu thụ rất lớn, trong khi khả năng sản xuất lan trong nước lại hạn chế, phải nhập nhiều từ Thái Lan. Thành phố đã ban hành chủ trương và chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng có giá trị thay thế cây lúa hiệu quả thấp, không phù hợp cho phát triển nền nông nghiệp đô thị.

Cụ thể, thành phố tạo điều kiện về giống, vốn, đầu tư nhà màng, đầu tư trang trại, các phòng cấy mô. Tuy nhiên, thời gian tới phải nghiên cứu sản xuất đại trà về nguồn giống lan thì mới đủ cung ứng...”, ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM chia sẻ.

Nói về những mặt hạn chế trong việc phát triển hoa lan, ông Hoàng Hòa, Giám đốc Cty Hoàng Hòa cho rằng, sản xuất lai tạo giống lan trong nước bằng phương pháp nuôi cấy mô chưa có đột phá mới. Phần lớn các phòng cấy mô chỉ cấy chuyền các giống nhập từ nước ngoài ở dạng phôi, do đó ngành kinh doanh lan Việt Nam luôn bị động và có xu hướng nhập khẩu là chính. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, lao động kỹ thuật còn cao; chưa có công nghệ sản xuất tiên tiến…

Qua đó ông Hòa kiến nghị, ngành sản xuất hoa lan cần mở rộng sản xuất cung cấp cho thị trường nội địa, sử dụng các giống lai tạo mới, sử dụng hiệu quả các thành tựu của công nghệ sinh học. Các doanh nghiệp tư nhân tham gia tích cực vào lĩnh vực công nghệ sinh học và di truyền cho ngành công nghiệp hoa lan nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm làm động lực cho sự phát triển của ngành.  

Nắm bắt cơ hội

Bà Đặng Thị Thanh Thủy, Vườn lan Bến Sạn Tây (Quận 9) cho biết, năm 2013 gia đình bà đã quyết định giải tỏa, di dời các lò gạch truyền thống, để chuyển đổi sang trồng lan theo định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của quận.

Khởi đầu với lườn lan rộng 1.300 m2, chủ yếu tập trung trồng hoa Denrobium bán chậu và hoa Mokara cắt cành, cung cấp cho các chợ truyền thống, các shop hoa (khoảng 7.000 chậu). Tuy nhiên, để mở rộng và hỗ trợ tiêu thụ cho các hộ nông dân khác, bà Thủy đã đi học hỏi các mô hình của Thái Lan, Đài Loan và về mở shop hoa tại quận 9 với tổng doanh thu hàng năm đạt 5,62 tỷ đồng.

11-50-17_ln_rung_dt_gii_nhi_ti_festivl_ho_ln_tphcm_2019
Lan rừng đạt giải Nhì tại Festival hoa lan TP.HCM 2019.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ liên kết với các nhà vườn ở Lâm Đồng để xây dựng mô hình trồng lan hồ điệp trưởng thành tại TP.HCM để cung cấp cho các nhà vườn ở Lâm Đồng, nhằm cho ra hoa và cung cấp ngược lại. Từ đó, tạo điều kiện liên kết trong sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, quan trọng hơn cả là giảm giá thành, tạo thế mạnh trong sản xuất kinh doanh”, bà Thủy chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Thua, Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi cho hay, hiện tại diện tích trồng hoa lan trên địa bàn huyện là 165 ha với sản lượng tương đối lớn khoảng 24 triệu cành mỗi năm và đang được tiêu thụ ổn định.

Theo ông Thua, để phát triển cây hoa lan trên địa bàn cần có những cơ chế, chính sách phù hợp; dự báo cung cầu về số lượng, chủng loại hoa lan để nhà sản xuất điều chỉnh, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”; hình thành điểm giao dịch lan trên địa bàn; khuyến khích hỗ trợ các đầu mối tiêu thụ lớn có uy tín mở rộng quy mô và chuyển giao công nghệ cho các hộ sản xuất và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm…

Theo ông Nguyễn Văn Trực, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, thời gian tới các tổ chức của nhà nước phải nghiên cứu, ứng dụng những cây lan mà họ đã lai tạo để đưa ra thị trường mang tính khác biệt và đem lại giá trị kinh tế cao.

“Thời gian qua, Sở đã hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp trồng lan về quy trình, phương pháp, cử đi nghiên cứu tham quan trong và ngoài nước để làm sao về tổ chức sản xuất lan ra hoa nhiều hơn, đẹp hơn để từ đó họ có thể tổ chức sản xuất”, ông Trực nói.


Theo: Nguyễn Thủy/nongnghiep.vn