Cơ hội phát triển nông nghiệp công nghệ cao
- Thứ bảy - 25/11/2017 04:52
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông nghiệp công nghệ cao hay còn gọi là nông nghiệp thông minh, một mô hình khởi nghiệp còn nhiều khó khăn một lần nữa được các nhà chuyên môn đưa ra bàn luận tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam 2017 – Techfest 2017 mới đây tại Hà Nội.
Công nghệ là không dừng lại
Hợp tác xã Đan Hoài (thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng) được thành lập từ năm 2004 hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Để có được các giống hoa lan chất lượng cao, HTX đã hợp tác với các đơn vị khoa học hàng đầu về lĩnh vực nông nghiệp trong nước như: Viện nghiên cứu Rau quả, Viện Di truyền Nông nghiệp, Viện Nghiên cứu Miền núi phía Bắc để ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hoa lan Hồ Điệp.
Đặc biệt, HTX Đan Hoài có liên kết hợp tác với Tập đoàn hoa Flora quốc tế (tập đoàn nổi tiếng chuyên sản xuất các loại hoa cao cấp, sản phẩm đã có mặt khắp các châu lục với hơn 100 nước ưa chuộng). Hiện HTX Đan Hoài có cơ sở vật chất tiên tiến với 10.000m2 nhà lưới công nghệ cao để sản xuất hoa cao cấp, 1 phòng nuối cấy mô hiện đại và một đội ngũ kỹ thuật tay nghề cao, cùng với các chuyên gia Việt Nam và chuyên gia nước ngoài. Mỗi năm, HTX Đan Hoài cung cấp ra thị trường hàng triệu sản phẩm hoa lan, đem về nhiều tỷ đồng.
Bà Bùi Hường Bích – Chủ nhiệm HTX Đan Hoài cho biết, KHCN là chìa khóa, là động lực cho gia tăng giá trị của các ngành kinh tế, nhất là những lĩnh vực có hàm lượng KHCN cao như lĩnh vực sản xuất các loại hoa có giá trị như lan Hồ Điệp... Song, khi đã áp dụng KHCN thành công rồi, tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường rồi thì đến nay, HTX vẫn phải đối mặt với một số khó khăn nhất định như: Thiếu tài chính để đầu tư cải tiến, bảo dưỡng thiết bị; thiếu công nghệ phù hợp điều kiện sản xuất, điều kiện kinh tế của đơn vị. Hiện tại, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất của HTX mới chỉ được thực hiện ở một số công đoạn nhỏ trong chuỗi sản xuất - bảo quản - chế biến, bởi nếu đầu tư đồng bộ thì đòi hỏi nguồn kinh phí quá lớn.
Cơ hội phát triển nông nghiệp thông minh
Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Techfest 2017) tại Hà Nội (ngày 14 - 15/11), Làng AgriTech (công nghệ nông nghiệp) đã mời các chuyên gia nước ngoài thành công với mô hình nông nghiệp công nghệ cao để trao đổi về tiềm năng và việc ứng dụng công nghệ tiên tiến cho các Startup trong lĩnh vực này.
Theo các chuyên gia nước ngoài, Việt Nam là một nước có lợi thế về nông nghiệp, 70% dân số lao động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam chưa có lợi thế cạnh tranh lớn trên thị trường trong nước và quốc tế về chất lượng, giá cả và an toàn thực phẩm. Một trong những lý do quan trọng là chưa được áp dụng thành tựu công nghệ tiên tiến vào sản xuất và bảo quản. Nông nghiệp Việt Nam chưa khuyến khích được các doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, nhà đầu tư nghiên cứu, đầu tư và kinh doanh, đặc biệt là các sản phẩm sáng tạo. Ngoài ra, tỉ lệ rủi ro của các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp còn rất cao.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, khi phát triển nông nghiệp thì không thể bỏ qua yếu tố công nghệ. Muốn phát triển nông nghiệp, tạo ra sản phẩm đủ sức cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới thì công nghệ là một trong những yếu tố quyết định. Phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghệ thông minh là hướng tất yếu. Việt Nam là một nước có tiềm năng phát triển nông nghiệp rất lớn, đó cũng là cơ hội cho các Startup trong lĩnh vực này phát huy khả năng của mình. Để phát triển được nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nhiều đại biểu cho rằng cần sự chung tay của nhiều tầng lớp trong xã hội. Bên cạnh đó, bản thân các Startup cũng phải có sự đam mê, hiểu biết và có nguồn tài chính đảm bảo.
Nhằm hỗ trợ các Startup trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa qua, Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp KH&CN Việt Nam (SVF) đã công bố gói hỗ trợ thương mại hóa dành cho các Startup trong lĩnh vực nông nghiệp. Chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp tiếp cận với kênh phân phối (siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối,…) nhằm tăng doanh nghiệp, mở rộng thị trường. Gói hỗ trợ phù hợp với doanh nghiệp. Khi tham gia gói hỗ trợ này, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp sẽ được thẩm định dự án bởi các chuyên gia của SVF để đánh giá về độ phù hợp cho các kênh phân phối hiện nay.
Hy vọng rằng, sự hỗ trợ này sẽ tạo được cú hích trong phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam trong thời gian tới.
NAM BẮC/kinhtedothi.vn
NAM BẮC/kinhtedothi.vn