Cơ hội quản lý dòng tiền cho dự án tam nông

Hàng chục dự án nông nghiệp ở TP.HCM có thể cho vay không cần thế chấp tài sản.

Hơn nửa năm vừa qua, Agribank chi nhánh Củ Chi (TP.HCM) đã cho vay 27 tỷ đồng phát triển dự án Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi. Đây là một dự án lớn của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tân Thông Hội được chính quyền địa phương tập trung hỗ trợ xây dựng với kỳ vọng trở thành mô hình điểm phát triển các dự án nông nghiệp khép kín tại TP.HCM.

Các NHTM đang muốn tăng nguồn thu dịch vụ để bớt lệ thuộc vào tín dụng

Ngân hàng thu, chi hộ

Ông Nguyễn Văn Thêm, Giám đốc nhà máy cho biết, mặc dù mới đi vào vận hành từ tháng 12/2017 nhưng hiện nay tổng sản lượng nhà máy sản xuất mỗi ngày đã đạt khoảng 2 tấn sữa thành phẩm. Hiện nay, nhà máy đã phát triển 7 đơn vị phân phối cấp 1 ở các tỉnh thành phía Nam, mỗi ngày đơn vị thu mua khoảng 26-27 tấn sữa bò từ các thành viên hợp tác xã, sau đó lại bán các sản phẩm sữa cho các cơ sở phân phối. Tất cả đều thanh toán bằng tiền mặt nên khá bất lợi.

“Hiện chúng tôi đã bắt đầu ký hợp đồng với hệ thống siêu thị Saigon Co.op, dự kiến tháng tới sẽ bán sản phẩm tại 36 siêu thị của họ. Do vậy rất mong muốn hợp tác với ngân hàng để phát triển dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt”, ông Thêm cho biết.

Nhận thức được cơ hội tốt này, Agribank đã nhanh chóng xây dựng đề án phát triển thanh toán khép kín đối với Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi. Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Củ Chi cho biết, hiện đơn vị đã hoàn thành xong đề án này, chỉ chờ các bên thống nhất thêm một số điểm là có thể triển khai thực hiện. Từ đó Agribank sẽ quản lý hoàn toàn dòng tiền cho nhà máy, bao gồm cả đầu vào và đầu ra.

Phía ngân hàng sẽ thực hiện thu hộ, chi hộ, trích nợ trả lãi vay cho nhà máy. Phía chính quyền địa phương cũng sẽ chuyển phần tiền hỗ trợ lãi suất (theo chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị) cho dự án này thông qua Agribank. Khi làm được việc quản lý dòng tiền này sẽ tạo lợi ích cho cả phía nhà máy và người dân, đồng thời phía ngân hàng cũng có cơ sở để gia tăng hạn mức cấp vốn cho dự án khi mở rộng quy mô vào các năm tới.

Vay tín chấp đến 80% phương án

Trường hợp thực hiện mô hình quản lý dòng tiền cho dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp như Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi kể trên đang là một xu hướng bắt đầu phổ biến tại nhiều tỉnh thành và là cơ hội tốt để các chi nhánh của hệ thống Agribank chuyển dịch cơ cấu tín dụng và tăng thu từ các dịch vụ tài chính. Tính riêng trên địa bàn TP.HCM, hiện nay đang có khoảng 20 dự án nông nghiệp khép kín thuộc các lĩnh vực chăn nuôi, chế biến nông sản - thủy sản, giết mổ gia súc gia cầm, chế biến thực phẩm.

Dự án Nhà máy sữa thanh trùng Củ Chi là một trong những dự án Agribank cung cấp dịch vụ tài chính khép kín

Các dự án lớn như: dự án giết mổ heo công nghiệp của các Công ty Chế biến thực phẩm Hóc Môn và Công ty Dịch vụ An Hạ (Củ Chi); dự án chăn nuôi quy mô lớn (20.000 con heo) của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn; dự án 470 ha rau sạch của Công ty Vineco Sagri tại Củ Chi; dự án khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại Cần Giờ… đều là những dự án nằm trong kế hoạch phát triển chuỗi sản phẩm nông sản khép kín được UBND TP.HCM hỗ trợ lãi suất vay vốn.

Theo đó, các NHTM tham gia cho vay hoàn toàn có thể tận dụng để phát triển các đề án vừa cung ứng vốn vừa quản lý dòng tiền để tăng tỷ lệ cho vay tín chấp theo những quy định của Nghị định 55.

Thực tế, ghi nhận tại TP.HCM cho thấy trong suốt giai đoạn 2011-2017 các NHTM, trong đó nổi bật là Agribank đã cho vay khoảng trên 6.800 tỷ đồng đối với các dự án phát triển nông nghiệp đô thị theo chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách của TP.HCM. Riêng các dự án nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao, năm 2017 các TCTD trên địa bàn cũng đã cho vay khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất mà các NHTM và các DN gặp phải hiện nay vẫn là nút thắt về tài sản thế chấp. Hầu hết các dự án được xây dựng trên đất nông nghiệp nên giá trị thế chấp rất nhỏ so với nhu cầu vốn đầu tư.

Để tháo gỡ nút thắt tín dụng, nhiều DN tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM đã đề xuất liên kết với các đầu mối tiêu thụ lớn như Big C, Saigon Co.op để thực hiện hình thức bao tiêu sản phẩm. Từ đó DN sẽ vay vốn tín chấp dựa trên các khoản phải thu, trong khi đó NHTM sẽ nắm dòng tiền của DN thu lại từ bán sản phẩm cho các đơn vị phân phối.

Thừa nhận cách làm này sẽ là một hướng mở để các NHTM gia tăng hoạt động cho vay tín chấp đối với các dự án nông nghiệp, ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN cho rằng, hiện nay cơ chế đã cho phép các NHTM thực hiện hoạt động cho vay tín chấp dựa theo phương án kinh doanh. Các DN có phương án tốt, có nguồn thu thường xuyên các ngân hàng được phép cho vay tín chấp lên tới 70-80% tổng mức đầu tư dự án.

Chính vì vậy, khi càng có nhiều các dự án nông nghiệp xây dựng theo mô hình khép kín đi vào hoạt động thì cơ hội để các NHTM hợp tác với DN thực hiện bao tiêu sản phẩm và cho vay tín chấp dựa trên quản lý dòng tiền sẽ càng nhiều hơn. Đó cũng sẽ là cơ sở để thúc đẩy các NHTM giải ngân các gói tín dụng ưu đãi dành cho lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định ông Trần Văn Tần cũng cho rằng khi phát triển mạnh hoạt động cho vay dựa trên quản lý dòng tiền các TCTD cũng cần lưu ý xem xét kỹ lưỡng các dự án, gia tăng sự kết nối đối với DN để giảm tránh các nguy cơ rủi ro tín dụng. Trong khi đó bản thân các dự án và các DN cũng cần cung cấp thông tin cụ thể, cởi mở với ngân hàng về phương án kinh doanh, về tiềm năng dòng tiền thu về thì các TCTD mới dám mạnh dạn đồng hành.