Cơ hội từ EVFTA: Chuẩn bị hành trang cho con tôm Việt sang EU

(Dân Việt) Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được đánh giá sẽ tạo nhiều cơ hội cho con tôm Việt Nam tiến sâu vào thị trường EU. Tuy nhiên, bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương) nhấn mạnh, chứng nhận xuất xứ và hàng loạt quy định mới trong EVFTA đòi hỏi doanh nghiệp phải nắm rõ để tận dụng tốt các ưu thế cạnh tranh.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa (Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương)

Cụ thể là chúng ta có những lợi thế nào so với đối thủ, thưa bà?

- Một số đối thủ của Việt Nam trong thị phần xuất khẩu (XK) ngành tôm như Ấn Độ, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Bangladesh hiện chưa có hoặc chưa kết thúc đàm phán EVFTA. Vì thế, hàng hóa có xuất xứ Việt Nam có khả năng cạnh tranh tại EU tốt hơn đối thủ nhờ hưởng ưu đãi thuế quan.

Thứ nữa là chúng ta có cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khuôn khổ một số mặt hàng nhất định. Đồng thời, đa dạng hóa được nguồn cung nguyên liệu tôm.

Vậy theo bà đâu là thách thức lớn nhất?

- Trước hết vẫn là hàng rào kỹ thuật về tiêu chuẩn chất lượng. Tiếp theo, chúng ta phải cạnh tranh với sản phẩm của các nước trong khuôn khổ FTA ngay tại thị trường nội địa. Việc đổi mới công nghệ cũng cần sự tham gia tích cực và chủ động hơn vào chuỗi giá trị, cũng như mạng lưới sản xuất.

Quan trọng nhất là phải chứng minh hàng hóa đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Việc chứng minh như thế nào để thể hiện đó là tôm Việt trên giấy tờ vẫn là điểm vướng mà nhiều công ty mắc phải.

Bà có thể giải thích rõ hơn về quy tắc xuất xứ?

- Hàng hóa phải có giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) cho mặt hàng tôm của Việt Nam khi XK sang EU mới được hưởng ưu đãi. Việc khoác lên mình chiếc áo “Made in Việt Nam”, “Products of  Vietnam” không có nghĩa là có xuất xứ Việt Nam.

EVFTA có nhiều cấp độ xuất xứ hàng hóa. Thứ nhất là cấp độ xuất xứ thuần túy. Trong cấp độ này, EVFTA quy định tôm không cần phải phải sinh ra và lớn lên (born and raised) ở Việt Nam mà chỉ cần sinh ra hoặc lớn lên (born or raised) vẫn được coi là tôm có xuất xứ tại Việt Nam. Khái niệm “born or raised” đã tháo gỡ rất nhiều vướng mắc cho mặt hàng thủy sản đi EU so với các FTA trước đây.

 co hoi tu evfta: chuan bi hanh trang cho con tom viet sang eu hinh anh 2

 co hoi tu evfta: chuan bi hanh trang cho con tom viet sang eu hinh anh 3

 Thu hoạch tôm chuẩn bị cho chế biến tại Công ty Việt - Úc.  Ảnh: Thanh Cường

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỉ trọng 20,6% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Năm 2019, XK tôm Việt Nam sang thị trường EU ước đạt 696,2 triệu USD, giảm 16,9% so với năm 2018.

Cấp thứ hai là hàng hóa có xuất xứ được làm từ nguyên liệu có xuất xứ. Một cấp độ khác nữa cần quan tâm là hàng hóa có xuất xứ nhưng được làm từ nguyên liệu không hề có xuất xứ. Khi đó xuất xứ sẽ được ghi nhận là nơi mà nguyên liệu được biến đổi cơ bản về bản chất sản phẩm.

Chocolate của Bỉ và Thụy Sĩ ngon nổi tiếng thế giới nhưng không hề tìm thấy một cây ca cao nào ở 2 nước này. Tương tự, với tôm nguyên liệu và tôm chế biến ở Việt Nam, khi mã HS (theo phân loại của hải quan thế giới) được thay đổi thì tôm được coi là có chuyển đổi cơ bản về bản chất sản phẩm hàng hóa.

Tất nhiên, nguyên liệu đầu vào là tôm sú nhưng đầu ra lại là sản phẩm chế biến của tôm hùm thì thể chấp nhận được.

Các mức thuế mà tôm Việt Nam đang và sẽ chịu khi XK sang EU như thế nào, thưa bà?

- Khi XK tôm đi EU mà không có C/O mẫu A để thể hiện là hàng Việt Nam thì mức thuế sẽ từ 6 - 20% với tôm nguyên liệu hoặc sơ chế; 20% với tôm chế biến. Có EVFTA, mức thuế sẽ xuống 0% và lộ trình có thể sau 3 - 7 năm.

Hiện tôm Việt Nam sang EU đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP. Nhưng sau 2 năm, kể từ khi một nước có FTA với EU thì GSP sẽ tự động mất đi. Nghĩa là, nếu EVFTA có hiệu lực trong năm nay thì năm 2022, GSP sẽ hết hiệu lực. Nhưng lúc này, mức thuế GSP sẽ được coi là khởi điểm hoặc là mức thuế mà doanh nghiệp được hưởng ưu đãi theo EVFTA. Quy tắc và cơ chế chứng nhận xuất xứ lúc này sẽ không theo GSP nữa mà theo quy định của EVFTA.

Vậy quy định xử phạt trong EVFTA thì sao?

- Đáng chú ý nhất là quy định về cơ chế tạm dừng ưu đãi, quản lý lỗi hành chính cũng như cơ chế xác minh xuất xứ. Khi hải quan nước nhập khẩu phát hiện một lượng nhập khẩu lớn, hoặc lượng XK vượt quá năng lực của doanh nghiệp thì không chỉ doanh nghiệp đó vi phạm mà các doanh nghiệp có chung mặt hàng xuất khẩu cũng bị vạ lây.

Đây là cách tiếp cận tựa như “một anh đau bụng, cả làng uống thuốc” nhưng rất cần thiết. Vì EVFTA cho phép doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ nên phần hậu kiểm sẽ rất gắt gao. Khi hậu kiểm, doanh nghiệp phải chứng minh được mặt hàng đó đã đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế quan.

Tuy nhiên, EVFTA cũng có những quy định cho phép chia nhỏ lô hàng tại nước thứ 3 (không thuộc khuôn khổ hiệp định) nhưng vẫn giữ được xuất xứ. Đây là một điểm mới, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp XK tôm so với các hiệp định trước.

Bà có lưu ý gì cần khuyến nghị doanh nghiệp?

- Con tôm muốn đi EU phải có chứng nhận xuất xứ mẫu A để hưởng ưu đãi thuế quan theo GSP. Hiện nay cơ chế cấp C/O đang chuyển dần sang tự chứng nhận xuất xứ. Doanh nghiệp có thể đến các tổ chức để được cấp C/O hoặc tự viết chứng từ chứng nhận xuất xứ cho mình. Nhưng muốn tự viết chứng nhận xuất xứ, doanh nghiệp phải có những kiến thức nhất định về hàng hóa.

EVFTA cũng những quy định cụ thể cho tôm khai thác tại vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và vùng thềm lục địa. Những quy định về việc treo cờ, số% quốc tịch của thủy thủ trên tàu hoặc chủ sở hữu tàu là những yêu cầu khó, bắc buộc doanh nghiệp cần phải chứng minh được.

Xin cảm ơn bà!

 
 
 
 
Thái Anh (thực hiện)/Danviet.vn
http://danviet.vn/nha-nong/co-hoi-tu-evfta-chuan-bi-hanh-trang-cho-con-tom-viet-sang-eu-1058913.html