Cơ hội vàng từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Kỳ 1)
- Thứ ba - 23/01/2018 20:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bài 1 : “Tam giác” đột phá
Nếu như chỉ vài tháng trước, câu chuyện về CMCN 4.0 còn khá mơ hồ, chưa lựa chọn được lĩnh vực, mục tiêu chủ chốt, thì nay Chính phủ đã nhận diện rõ ba ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế, để tập trung đầu tư là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin. Ba ngành nêu trên được xác định là “tam giác” đột phá, trở thành đầu tàu kéo theo các ngành kinh tế khác phát triển. Mặc dù đã có hướng đi rõ ràng, song thực tế, lợi thế của cả ba lĩnh vực này mới chỉ dừng ở mức tiềm năng, chưa thật sự bật dậy, trong đó không ít do “mớ bòng bong” của cơ chế, chính sách quản lý lạc hậu kìm hãm, cản trở.
Nông nghiệp - một “sân khấu” trống
Theo lời giới thiệu của Giám đốc điều hành Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) kiêm Tổng Thư ký Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) Nguyễn Đức Tùng, chúng tôi đến tìm hiểu, khảo sát mô hình sản xuất, chế biến các sản phẩm đông trùng hạ thảo của Công ty cổ phần Đông trùng hạ thảo Hima (trụ sở tại TP Hồ Chí Minh). Giám đốc công ty Đỗ Văn Huệ cho biết, sau nhiều năm học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài, tự mày mò nghiên cứu và nếm trải thất bại, có lúc đã trắng tay, các sản phẩm của công ty mới từng bước chiếm lĩnh thị phần và dần đẩy lùi nhiều đối thủ nước ngoài. Hiện, mô hình sản xuất của công ty là chuỗi khép kín, từ nuôi cấy đến chế biến, tiêu thụ, trước mắt đáp ứng mục tiêu phục vụ thị trường trong nước, với khoảng 35 chủng loại sản phẩm đa dạng ở đủ các phân khúc, từ cao cấp đến bình dân.
Các phòng nuôi cấy đông trùng hạ thảo của Hima tại Đà Lạt và Bình Dương được ứng dụng công nghệ tự động hóa hoàn toàn trong điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng theo thời gian mà không cần đến sự can thiệp của con người, giúp sản phẩm bảo đảm được chất lượng và tính ổn định. Theo chia sẻ của anh Huệ, muốn làm nông nghiệp theo “chuẩn 4.0” một cách bài bản, doanh nghiệp (DN) phải mất ít nhất 10 năm, trước mắt phải làm sao giải trọn vẹn bài toán thị trường, nắm chắc được khâu tiêu thụ, từ đó kiểm soát ngược lại đầu vào. Khi đã hình thành chuỗi khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, lợi nhuận được tái đầu tư trở lại để nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm. Vòng quay liền mạch theo hình xoắn ốc sẽ dần dần mở rộng.
Từ thành công của mô hình đông trùng hạ thảo, Hima tiếp tục triển khai dự án nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái với quy mô 213 ha tại huyện Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 150 tỷ đồng. Tại dự án này, Hima mạnh dạn sử dụng thiết bị bay không người lái, chụp ảnh quang tuyến cắt lớp, thu thập toàn bộ dữ liệu một cách chi tiết nhất theo từng phút. Nhờ đó, việc bổ sung dưỡng chất cho cây trồng, khoanh vùng diệt trừ sâu bệnh hoặc thu hoạch trang trại đều được xử lý tự động hóa gần như tức thời chỉ bằng một cú chạm tay trên chiếc smartphone (điện thoại thông minh). Qua việc sử dụng thiết bị bay không người lái, hệ thống dữ liệu về nông nghiệp thu thập được sẽ giúp DN và nông dân trong vùng tiết kiệm chi phí, phát triển sản xuất một cách bền vững. Nếu được quan tâm đầu tư thích đáng, chúng ta hoàn toàn có thể mở rộng, xây dựng một hệ thống “bản đồ số” nông nghiệp trên phạm vi cả nước.
Qua tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, con tôm và cây dược liệu đang được coi là sản phẩm chủ lực mà Nhà nước cần đặt trọng tâm đầu tư một cách thích đáng. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Việt Nam có khoảng 5.000 loài cây thuốc, có thể phát triển dược liệu ở mọi miền Tổ quốc với giá trị gia tăng lớn. Nhu cầu dược liệu trong nước mỗi năm khoảng 60 đến 80 nghìn tấn, khối lượng xuất khẩu mới đạt gần 5.000 tấn đã đem lại giá trị hơn sáu triệu USD. Tuy tiềm năng thế mạnh lớn, nhưng nghịch lý hiện nay là chúng ta mới chủ động được 25% nhu cầu, 75% còn lại phải phụ thuộc nguồn nhập khẩu. Những DN sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dược liệu quý thành hàng hóa có giá trị cao và sử dụng rộng rãi như mô hình của Hima mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Đầu năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì hội nghị phát triển ngành tôm Việt Nam tại Cà Mau. Theo nhận định của các chuyên gia, nhu cầu về tôm ở thị trường trong nước và thế giới rất lớn, thực tế chưa có đối tượng nuôi nào mang lại giá trị cao như tôm, trong khi thời gian nuôi ngắn. Theo thống kê, trong năm 2017, kim ngạch xuất khẩu thủy sản nước ta đạt hơn 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so năm 2016. Đóng góp lớn nhất vẫn là mặt hàng tôm với giá trị xuất khẩu đạt 3,8 tỷ USD (chiếm khoảng 45% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản). Tiềm năng phát triển tôm không chỉ dừng lại ở ngưỡng đó, mà có thể tăng cao hơn nhiều. Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu chậm nhất đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu tôm phải đạt 10 tỷ USD; đưa khu vực đồng bằng sông Cửu Long và Việt Nam trở thành “thủ phủ tôm” của thế giới.
Với nhiều tiềm năng đang bị bỏ ngỏ, có thể thấy rõ, lĩnh vực nông nghiệp vẫn đang là một “sân khấu trống”, thị trường rất rộng mở để thỏa sức vẫy vùng. Qua khảo sát thực tế nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong nước bước đầu gặt hái thành công, các chuyên gia nhận định, nếu có chiến lược phù hợp, chúng ta hoàn toàn lạc quan tin tưởng có thể khắc chế những bất cập hiện hữu của nông nghiệp, biến nguy thành cơ trong “cuộc chơi” 4.0 toàn cầu.
Sáng tạo, đổi mới chính mình
Sự phát triển như vũ bão của công nghệ đang mang lại nhiều lợi ích cho các DN Việt Nam, nhất là những DN trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT). Chủ tịch Tập đoàn Công nghệ CMC Nguyễn Trung Chính chia sẻ: 15 năm trước, CMC đã lựa chọn phương châm phát triển: “Hướng tới tương lai số”, xác định kỷ nguyên số sẽ trở thành xu hướng của tương lai. Thời gian gần đây, CNTT của Việt Nam luôn là một trong những ngành kinh tế dẫn đầu. Quan trọng hơn, đây còn là nền tảng quan trọng của các ngành kinh tế, không tiêu tốn tài nguyên, chỉ phát triển bằng chất xám, trí tuệ con người.
Hai năm trở lại đây, CMC đã quyết định chuyển sang mô hình DN sáng tạo vì đây là yếu tố gốc của các công ty công nghệ, qua việc hình thành các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm chuyên nghiên cứu xu hướng công nghệ chủ đạo của tương lai như in-tơ-nét vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay điện toán đám mây,… Nhờ đó, tổng doanh thu mảng kinh doanh của CMC năm 2017 đã đạt khoảng 5.400 tỷ đồng, tăng gần 14% so cùng kỳ; lợi nhuận 280 tỷ đồng, tăng gần 32%. Dự báo đến năm 2020, doanh thu của CMC sẽ tăng trưởng gấp hai lần hiện nay, khoảng 10 nghìn tỷ đồng.
Gần 10 năm trước, Tập đoàn FPT - một DN lớn khác trong lĩnh vực CNTT - cũng tự thay đổi chính mình, tập trung cho các công nghệ “lõi” như điện toán đám mây, AI,... ứng dụng cho IoT. Theo Chủ tịch FPT Trương Gia Bình, đến nay, riêng trong lĩnh vực các giải pháp IoT, FPT đủ khả năng cạnh tranh ngang ngửa các cường quốc về CNTT, doanh thu từ công nghệ “lõi” hằng năm đều đặn tăng trưởng với tốc độ gấp hai lần. Câu chuyện “xoay trục” của CMC và FPT đã minh chứng, đầu tư phát triển mảng CNTT hỗ trợ IoT là hướng đi chính xác không chỉ đối với DN đơn lẻ mà còn ở tầm quốc gia. Không phải ngẫu nhiên, thời gian gần đây, việc đầu tư cho IoT đã trở thành “làn sóng” ở hầu khắp các nước phát triển, và nước ta cũng không ngoại lệ.
Tuy nước ta có vô vàn lợi thế về tài nguyên du lịch từ thiên nhiên đến văn hóa, song xét tổng thể, tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam đang bị bỏ lại khá xa so các nước trong khu vực, nhiều “nút thắt” khiến một số tài nguyên và nguồn nhân lực bị vô hiệu hóa. Mặc dù là ngành mũi nhọn, nhưng thực tế ngân sách quốc gia dành cho xúc tiến, quảng bá du lịch quá thấp so tiềm năng, mục tiêu đột phá của ngành.
Chính sách thị thực (visa) cho khách quốc tế đến Việt Nam thiếu hấp dẫn cũng là rào cản lớn, khi chỉ mới áp dụng miễn visa cho công dân của hơn 20 quốc gia trên thế giới, nhưng trong danh sách này, một số nước có lượng khách đến nhiều nhất lại không “lọt” vào. Xét về góc độ hỗ trợ du lịch phát triển, chúng ta đã tập trung thực hiện nhưng chưa trúng và đúng. Ngoài ra, Việt Nam chỉ áp dụng miễn visa trong thời gian 15 ngày, trong khi thông thường, du khách quốc tế thường lưu trú khoảng 20 đến 30 ngày. Việt Nam chỉ là một trong nhiều điểm đến, nhiều du khách đến Hà Nội, sau đó qua Lào và Cam-pu-chia, cuối cùng muốn quay về TP Hồ Chí Minh lại không được phép, do vướng quy định “mỗi lần nhập cảnh, phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày”. Quy định này đã được kiến nghị dỡ bỏ từ lâu, song tháng này qua năm khác vẫn chưa điều chỉnh, khiến ngành du lịch và nền kinh tế bị “tê liệt”.
Theo ông Nguyễn Đức Tùng, thủ tục visa là một trong những yếu tố cản trở du khách quyết định đến một nơi nào đó. Muốn phát triển mạnh du lịch, cần phải biết mở rộng cửa trước, thậm chí chấp nhận việc không đối đẳng, ngang bằng vị thế đối với một số quốc gia. Chẳng hạn như Xin-ga-po, để thu hút khách du lịch, ngay từ đầu đã có chính sách miễn visa cho 159 quốc gia.
Việc cần làm hiện nay của chúng ta là những quốc gia đang miễn visa, cần kéo dài thời gian thực hiện thành hai đến ba năm thay vì từng năm một. Khi miễn giảm visa, có thể chọn thị trường nguồn, những nước có lượng du khách đến Việt Nam lớn nhất hoặc chọn những quốc gia có thu nhập cao (nhóm du khách chi tiêu lớn), nhằm “giữ chân” du khách, mua sắm nhiều hơn. Thu phí từ visa chỉ khoảng 1,6 triệu USD nhưng lại gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế quốc gia. Công việc của các nhà hoạch định chính sách là cân nhắc giữa chi phí và lợi ích. Xây dựng du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn chính là nâng cao vị thế của kinh tế du lịch trong tổng thể nền kinh tế. Để làm được điều đó, không thể đi bằng “một chân” của Nhà nước, mà phải cân bằng cả hai lực lượng là Nhà nước và DN.
(Còn nữa)
Với bờ biển dài hơn 3.200 km và 15 di sản văn hóa thế giới, 11 di sản phi vật thể, công viên địa chất toàn cầu, rất nhiều danh lam thắng cảnh, di sản,… du lịch Việt Nam có tiềm năng rất lớn. Năm 2017, du lịch nước ta tăng trưởng kỷ lục khi đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế. Theo mục tiêu đến năm 2020, ngành sẽ thu hút lượng khách quốc tế đạt 17 đến 20 triệu lượt, khách nội địa đạt 82 triệu lượt, đóng góp hơn 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ USD; giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD. |
http://www.nhandan.com.vn