Có thủy lợi, người Khmer làm lúa quanh năm

Có thủy lợi, người Khmer làm lúa quanh năm
Dịp đầu năm này, giữa lúc nhiều nơi đang khô hạn, thì những cánh đồng lúa đông xuân của đồng bào Khmer ở xã Lộc Khánh (huyện Lộc Ninh, Bình Phước) vẫn xanh tốt. Nhờ có các công trình thủy lợi, nông dân nơi đây đã trồng được lúa quanh năm...

Lộc Khánh là xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó người Khmer có 1.500 hộ ở tập trung tại các ấp Sóc Lớn, Pà Ven và Chà Đôn.

Đồng bào Khmer ở Lộc Khánh đã có thể làm 3,5 vụ lúa/năm nhờ có thủy lợi.

Mỗi năm làm 3 vụ

Khi chúng tôi đến nhà, anh Lâm Snóc (ấp Sóc Lớn) vừa dưới ruộng lúa đi lên. Anh cho hay, hôm nay vừa bán 4,2 tấn lúa thơm mới gặt, thu hơn 21 triệu đồng. Nhà anh Lâm Snóc hiện có 1ha lúa. Trước đây, gia đình anh cũng như hầu hết các nông dân Khmer ở Lộc Khánh thường trồng các giống lúa mùa như Kà mô, Kiến Vàng, Thốt Nốt... Đây là các giống lúa truyền thống của đồng bào Khmer, có thời gian sinh trưởng và phát triển dài tới 5-6 tháng và người trồng chủ yếu trông chờ vào nước mưa là chính, mỗi năm chỉ làm được một vụ.

“Hồi đó làm lúa mùa, mỗi năm chỉ một vụ, nhưng cả mẫu (1ha) nếu trúng mùa cũng chỉ được 30-40 bao lúa (mỗi bao khoảng 60kg, tổng cộng tương đương từ 2-3 tấn). Có năm, lúa ngã lép hết, mót nhặt về chỉ được chừng chục bao”- anh Snóc kể.

Từ khi có công trình thủy lợi tưới nước quanh năm, nông dân đã chuyển sang trồng các giống lúa ngắn ngày, chất lượng cao như lúa thơm Jasmine, lúa thơm Đài Loan...

Theo anh Snóc, với 1ha ruộng, hiện tại mỗi năm gia đình anh thu từ 60- 80 triệu đồng. Không chỉ có lúa, gia đình anh Snóc còn có hơn 1.000 trụ tiêu. Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Khánh cho biết: “Snóc tuy còn trẻ tuổi nhưng là một trong những hộ kinh tế khá nhất tại địa phương, đặc biệt là đối với đồng bào Khmer”.

Cũng theo ông Lượng, ở Lộc Khánh, do chủ động được nước tưới và các giống lúa hiện đại rất ngắn ngày nên cứ 2 năm thì nông dân làm được 7 vụ lúa.

Lợi nhờ nước

Theo anh Snóc, với 1ha ruộng, hiện tại mỗi năm anh làm được hơn 3 vụ lúa, mỗi vụ thu từ 4-5 tấn lúa thơm chất lượng cao. Với giá lúa hiện tại từ 5.000-5.500 đồng/kg, mỗi năm gia đình anh thu từ 60- 80 triệu đồng.

Công trình thủy lợi không chỉ giúp nông dân trồng lúa, mà còn mang nguồn nước tưới cho các vườn cây công nghiệp, trong đó đáng kể nhất là hồ tiêu. Ông Lâm Long, 65 tuổi, ở ấp Sóc Lớn nói: “Từ khi được đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, nước được dẫn vô đến tận nhà, lên rẫy, không cần đào giếng, cũng chẳng cần phải bơm cho tốn tiền điện, tiền dầu”.

Anh Trần Minh Hắc - Chủ tịch UBND xã Lộc Khánh cho biết, hiện tại có 2 công trình dẫn nước về phục vụ nông nghiệp, trong đó một công trình dẫn nước từ hồ Bù Nâu (xã Lộc Thuận) về và công trình dẫn nước từ hồ Rừng Cấm (thị trấn Lộc Ninh) về. Từ 2 công trình này đã dẫn nước tưới trực tiếp cho khoảng 200ha ruộng ở các cánh đồng Chùa, Sóc Lớn, Chà Đôn và Quyết Thành. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi còn cung cấp nước tưới cho 190ha tiêu cùng hàng trăm ha cây cà phê, cây ăn trái và cây ngắn ngày các loại. Nhờ có nước tưới quanh năm, kinh tế và đời sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Năm 2012, thu nhập bình quân đầu người của xã hơn 9,5 triệu đồng/năm.