Có “xuất phát” nhưng không “điểm dừng”

Có “xuất phát” nhưng không “điểm dừng”
UBND thành phố đã công nhận 50 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), nếu trừ 12 xã của huyện Từ Liêm (cũ) đã chuyển thành phường của 2 quận mới, hiện còn 38 xã. Câu hỏi đặt ra với những xã đã hoàn thành xây dựng NTM và được UBND thành phố cấp bằng công nhận là: Đã hoàn thành tức là xong nhiệm vụ?
Sau 4 năm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đã được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Nhớ lại quá trình triển khai, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Thắng cho biết, đó là một quá trình nỗ lực lớn của cán bộ và nhân dân. Từ chỗ chỉ có 1 tiêu chí đạt, các tiêu chí còn lại hầu hết đều rất thấp, lại là xã đầu tiên làm điểm NTM của trung ương nên chưa có kinh nghiệm, thời gian đầu rất lúng túng. Vượt lên những khó khăn, đến nay Thụy Hương giữ tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm, trong đó cơ cấu kinh tế công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 35%, thương mại - dịch vụ 32%, nông - lâm - ngư nghiệp 33%; thu nhập bình quân đầu người trên 23 triệu đồng/năm… 

Tương tự, tại xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, triển khai xây dựng NTM, xã đã quy hoạch 3 vùng sản xuất tập trung gồm: Rau an toàn 31,2ha, vùng sản xuất hoa trên diện tích 12ha (nhưng trên thực tế mô hình đã phát huy hiệu quả và nhân rộng thành 22ha) và quy hoạch 27ha của hai thôn Thuận Thượng và Thống Nhất để trồng cây có giá trị năng suất cao như đu đủ, cà chua, ngô ngọt, đến nay đã thực hiện được 25,7ha. Xây dựng 9km giao thông nội đồng kết hợp mương tưới tiêu, đường điện để phục vụ sản xuất, nhân dân hiến toàn bộ diện tích đất để mở rộng các tuyến đường và mương tưới tiêu đi qua. Năm 2014, bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã đạt 24 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm còn 2,65%.
 
Nuôi trồng thủy sản, mô hình phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới có hiệu quả ở Ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt
Nuôi trồng thủy sản, mô hình phát triển kinh tế xây dựng nông thôn mới có hiệu quả ở Ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt

Ông Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ: Được công nhận là xã đạt chuẩn NTM, chúng tôi vinh dự vì thành tích đạt được nhưng cũng rất lo lắng cho việc duy trì, phát triển các tiêu chí về sau. Để giữ vững danh hiệu xã NTM, chúng tôi triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý khai thác có hiệu quả các chương trình, dự án đã được đầu tư; vận động nhân dân duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình xây dựng, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm, vệ sinh xanh - sạch - đẹp; từng bước tạo thói quen sinh hoạt ngày càng văn minh, đoàn kết trong cộng đồng thôn xóm; tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển sản xuất… Tuy nhiên, thực tế triển khai chưa phải đã hết khó khăn. 

Những vấn đề đặt ra theo đề án vẫn chưa làm được, cần tiếp tục thực hiện. Đơn cử như tại xã Thụy Hương, việc quy hoạch, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp làng nghề với diện tích 9,7ha nhằm giải quyết tình trạng thiếu mặt bằng sản xuất, khắc phục ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân do nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa triển khai được nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng theo mô hình xã hội hóa gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dù đã quy hoạch các dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, song việc kêu gọi đầu tư theo phương thức người dân góp đất, doanh nghiệp góp vốn vẫn gặp nhiều khó khăn bởi hai bên chưa tìm được tiếng nói chung. Vậy nên, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn mang tính truyền thống, chưa có bước đột phá… 

Cùng chung băn khoăn, Bí thư Đảng ủy xã Song Phượng Bùi Văn Minh cho rằng, địa phương vẫn rất cần sự hỗ trợ của thành phố trong việc đẩy mạnh liên kết "bốn nhà" để sản xuất nông nghiệp ổn định, người dân có thu nhập khá, đóng góp vào các tiêu chí NTM bền vững hơn. Ông Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận, trong số 19 tiêu chí NTM, ngoài những tiêu chí "cứng" về xây dựng cơ sở hạ tầng đầu tư đạt chuẩn, còn có các tiêu chí "mềm" như môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo… Các tiêu chí này nếu không được quan tâm, duy trì thường xuyên sẽ rất khó giữ. 

Còn đối với tiêu chí môi trường, hầu hết các xã đã đạt chuẩn NTM đều rất trăn trở trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường khu vực nông thôn bởi trong thực tế, một bộ phận nhân dân địa phương còn chưa tích cực tham gia vào các tiêu chí văn hóa, môi trường. "Các thôn đã có quy ước song nhiều hộ vẫn đổ rác thải chưa đúng quy định, hoặc như việc cấm nuôi chó thả rông, vẫn còn có hộ chưa chấp hành" - Ông Minh cho biết.

Rõ ràng, sau khi được công nhận xã đạt chuẩn NTM, các địa phương vẫn còn rất nhiều việc phải tiếp tục triển khai. Xây dựng NTM không dừng lại ở việc hoàn thành đủ 19/19 tiêu chí mà cần giữ vững, củng cố và phát triển thành quả đạt được, đồng thời đầu tư cho phát triển sản xuất để nâng cao đời sống người dân. Theo Chánh Văn phòng BCĐ Chương trình 02 thành phố Lê Thiết Cương, thời hạn công nhận xã NTM chỉ là 5 năm, hết thời gian này, khi xét lại, xã đó không đạt điểm NTM thì cũng sẽ không được công nhận tiếp. Bởi vậy, các địa phương cần có ý thức gìn giữ thành quả xây dựng NTM đã đạt được, đồng thời, nâng cao chất lượng các tiêu chí để NTM không bị tụt hậu và mất danh hiệu.