Nhắc lại chuyện bất cập trước đây của xuất khẩu (XK) gạo, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), kể rằng có nhiều thời điểm, doanh nghiệp (DN) gạo của Việt Nam tìm được thị trường để XK nhưng không được trực tiếp bán vào thị trường đó.
Đơn cử như trường hợp công ty Trung An, từng vất vả đến hai năm đeo đuổi mới được thị trường Malaysia chấp nhận sản phẩm gạo chất lượng cao của mình thay cho loại gạo Thái như trước đó.
"Nhưng khi về nước, thì lại có cơ chế là DN Việt không được bán vào thị trường Malaysia vì đó là thị trường tập trung của chính phủ, tức là chỉ có 1 – 2 DN được đại diện bán ở đó" – ông Bình nhớ lại.
Gỡ quy định "kìm hãm"
Kể ra câu chuyện này là vì có liên quan đến Nghị định 109/2010/ NĐ-CP mà đúng 5 năm trước Bộ Công Thương dựa vào để phê duyệt quy hoạch thương nhân kinh doanh XK gạo, khống chế tối đa cả nước có 150 đầu mối XK gạo. Ngoài ra, để được cấp chứng nhận đủ điều kiện XK gạo, DN còn phải đáp ứng các tiêu chí khắt khe về kho chứa, cơ sở xay xát lúa gạo, thành tích XK gạo…
Chính những quy định hạn hẹp của Nghị định 109 mà nhiều năm trước các DN phàn nàn về xu hướng sàng lọc, chỉ còn các DN lớn ngày càng có quyền lực, loại bỏ các DN nhỏ không đáp ứng đủ điều kiện đề ra về năng lực kho bãi và xay xát mà không tính tới các DN XK gạo có giá trị và chất lượng cao.
Vì vậy, ông Phạm Thái Bình từng đặt vấn đề là tại sao trong nước có những cơ chế, chính sách đi ngược với thị trường nông sản trên thế giới, nhất là khi ở nhiều quốc gia sẵn sàng bằng mọi giá để bảo vệ ngành nông sản của nước họ.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, thật khó tin khi chuyện kiến nghị sửa đổi Nghị định 109 đã diễn ra từ 5 năm trước. Nghị định 109 đã định hướng chỉ còn 100 thương nhân đầu mối đủ điều kiện XK gạo, như vậy phải chăng là "bóp nghẹt" gạo Việt, ủng hộ các nhóm lợi ích trục lợi chính sách và công sức nông dân?
Bà Hạnh cho biết thêm hồi năm ngoái, Bộ Công Thương đã đăng tải công khai dự thảo nghị định thay thế Nghị định 109 để lấy ý kiến DN và sau đó được thẩm định tại Bộ Tư pháp từ cuối tháng 8/2017, kéo dài suốt một năm qua.
Cần nhắc lại, hồi đầu năm ngoái, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký quyết định bãi bỏ Quy hoạch Thương nhân kinh doanh XK gạo trong Quyết định số 6139/QĐ- BCT ngày 28/3/2013 do chính bộ này ban hành với quy định tối đa 150 đầu mối XK gạo trong cả nước.
Khi có sự thông thoáng, cơ cấu gạo XK sẽ chuyển dịch tích cực |
Điều cần thiết cho gạo Việt
Phải đến tháng 8 năm nay, để thay thế Nghị định 109 với nhiều bất cập gây khó DN, Chính phủ đã ban hành Nghị định 107/2018/ NĐ-CP về kinh doanh XK gạo (có hiệu lực từ tháng 10/2018).
Trong đó, có điểm thông thoáng hơn là Chính phủ đã chính thức bãi bỏ các quy định thương nhân XK gạo phải có kho chứa với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn và cơ sở xay xát công suất tối thiểu 10 tấn/giờ. Theo đánh giá, Nghị định 107 còn có quy định rất thoáng cho thương nhân XK gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng.
Quan sát động thái mới từ việc ban hành nghị định mới này, giới chuyên gia cho rằng đây là lúc môi trường kinh doanh lúa gạo, đặc biệt trong XK và tiêu thụ nội địa, phải tạo sân chơi bình đẳng cho các tác nhân.
Lâu nay, trong ngành hàng lúa gạo, nông dân sản xuất nhỏ lẻ, yếu thế, rất cần vai trò tích cực của hợp tác xã. Trong khi đó, các DN chủ yếu tham gia khâu cuối của chuỗi giá trị, không gắn bó, ít quan tâm đến lợi ích của nông dân. Thậm chí, ngay như Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng chưa thực sự đại diện cho tất cả các tác nhân sản xuất và kinh doanh trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Do đó, việc cải cách thể chế ngành hàng lúa gạo như hiện nay được đánh giá là "dù muộn còn hơn không", trong bối cảnh nhiều thách thức từ thương hiệu gạo chất lượng cao của Campuchia hay Thái Lan.
Việc "cởi trói" tuy muộn vẫn là điều cần thiết để phát triển chuỗi giá trị ngành hàng này, nhất là khuyến khích và thu hút đầu tư tư nhân nhằm tạo ra bước phát triển mới mang tính bước ngoặt cho ngành lúa gạo trong thời gian tới.
Có thể nói, một khi có sự thông thoáng thì cơ cấu gạo XK của Việt Nam tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực từ sự tham gia của những DN XK có tâm và có tầm. Gạo xuất đi đã giảm mạnh ở phân khúc gạo cấp trung bình, cấp thấp và tăng mạnh ở dòng gạo cao cấp.
Các tín hiệu lạc quan cho thấy 7 tháng đầu năm 2018, XK gạo ước đạt 3,865 triệu tấn với kim ngạch gần 2 tỷ USD, tăng 12,8% về lượng và tăng đến 32% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài việc chính sách đang tăng vai trò kiến tạo, bãi bỏ những quy định cũ mang tính kìm hãm, dần cởi "dây trói" cho nhiều DN được tham gia XK gạo, cũng rất mong làm sao để vừa có sự đột phá trong các DN XK gạo vừa mang lại lợi ích to lớn cho nông dân trồng lúa.
Thế Vinh/thoibaokinhdoanh.vn