Coi nông dân là khách hàng

Coi nông dân là khách hàng
Theo TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, công tác khuyến nông cũng cần phải có sự đổi mới, thay vì coi là một hoạt động công ích, hãy biến việc tư vấn khuyến nông thành một dịch vụ, nông dân là khách hàng.

Đóng góp quan trọng

Đại diện TTKN các địa phương nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Trong suốt quá trình hoạt động, lực lượng khuyến nông đã có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình mới, giúp nông dân đổi mới phương thức sản xuất. Chỉ tính riêng trong 5 năm qua (2011 – 2015), lực lượng khuyến nông đã tổ chức được 1.535 lớp tập huấn cho 50.149 cán bộ, cộng tác viên khuyến nông. Đặc biệt, năm 2014 đã tổ chức được 70 lớp tập huấn cho 2.100 nông dân. Năm 2015, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) đã tổ chức được 3 lớp tập huấn đào tạo giảng viên cấp quốc gia cho 180 học viên là cán bộ khuyến nông của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Cùng với khuyến nông Trung ương, trung tâm khuyến nông các tỉnh, thành phố là lực lượng chính, trực tiếp tổ chức hàng chục ngàn lớp tập huấn cho hàng triệu lượt nông dân với các chuyên đề phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, bình quân hàng năm, khuyến nông địa phương tổ chức được 31.260 lớp tập huấn cho khoảng 1,3 triệu lượt nông dân. Kết quả khảo sát cuối năm 2012 cho thấy, có 86% nông dân tham gia các chương trình đào tạo, tập huấn khuyến nông đánh giá nội dung phù hợp, có hiệu quả, tác dụng tốt đối với sản xuất của bà con và trên 90% nông dân đã áp dụng thành công các kiến thức đã học vào sản xuất.

Các sự kiện khuyến nông (hội thi, hội chợ, diễn đàn) cũng luôn được nông dân đón chờ. Trong 5 năm qua, TTKNQG đã tổ chức được 111 diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, góp phần giải quyết những vấn đề mang tính thời sự của từng vùng miền trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Các diễn đàn đã thu hút trên 30.000 lượt người tham gia, đã có 3.500 câu hỏi được đưa ra thảo luận giữa “bốn nhà”. Qua khảo sát với 825 nông dân được hỏi cho thấy, 85% ý kiến cho rằng Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp giúp họ giải quyết những vướng mắc trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức được 42 hội chợ và 22 hội thi sản phẩm nông nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, cán bộ khuyến nông giỏi.

Các dự án, mô hình do lực lượng khuyến nông xây dựng, triển khai luôn được đánh giá là hiệu quả, có sức lan tỏa lớn, như dự án sản xuất giống lúa lai F1, sản xuất cây ăn quả, sản xuất rau an toàn và nấm tập trung, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn, chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi lợn, gia cầm, khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu xa bờ… Có đến 85% nông dân đánh giá các mô hình khuyến nông đạt kết quả và hiệu quả tốt; 93% số hộ nông dân tham gia xây dựng mô hình khẳng định sẽ tiếp tục duy trì, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật đã được chuyển giao thông qua mô hình.

Tuy nhiên, theo TS.Đỗ Văn Khởi, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cơ chế, chính sách đầu tư khuyến nông hiện nay chưa phù hợp, vẫn nặng tính “bao cấp”, tạo tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ nhà nước của một bộ phận cán bộ khuyến nông và nông dân; chưa chủ động thích ứng với phương thức khuyến nông dịch vụ trong sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường. Mức đầu tư cho công tác khuyến nông còn thấp, chưa ổn định và khác biệt lớn giữa các địa phương. Cơ cấu đầu tư kinh phí khuyến nông chưa hợp lý, một số tỉnh chưa chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động khuyến nông địa phương theo phân cấp của Chính phủ; chưa có cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương nên có nhiều nội dung trùng lặp…

Thắp sáng hơn đổ đầy

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác khuyến nông, TS.Đỗ Văn Khởi cho rằng, cần đổi mới phương pháp tiếp cận khuyến nông, các chương trình, dự án khuyến nông phải bám sát chiến lược của ngành, gắn với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và theo xu thế hội nhập. Nội dung hoạt động cần cụ thể, cùng với chuyển giao khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, cần quan tâm hơn đến bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, kiến thức kinh doanh. Kiện toàn và hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao chất lượng cán bộ làm khuyến nông đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến nông sao cho phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu sản xuất, định hướng của ngành về tái cơ cấu.

Tham quan mô hình sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP.

Theo TS.Phan Huy Thông, trong thời kỳ mới, bản thân các cán bộ khuyến nông cũng cần đổi mới tư duy, phương thức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân để đạt được hiệu quả cao nhất. “Theo đó, hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thời gian tới nên dựa theo 3 nguyên tắc: Thứ nhất, phải coi nông dân là khách hàng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Thứ hai, xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật nên theo hướng “thắp sáng hơn đổ đầy”, nghĩa là nên chọn điểm nổi bật, những cây – con chủ lực để đầu tư, tránh dàn trải, đổ đồng. Và nguyên tắc thứ ba là chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu. Từ các nguyên tắc đó, phải đổi mới phương pháp khuyến nông, thay vì chỉ áp dụng những phương pháp cũ, hãy tuyên truyền trên internet, điện thoại di động, các chương trình kết nối giữa nông dân và doanh nghiệp, giữa nông dân với nhau. Phải áp dụng triệt để “3 giảm 3 tăng” trong hoạt động khuyến nông. Ba giảm là giảm bớt các thủ tục hành chính, giấy tờ; giảm hình thức; giảm chi phí. Ba tăng là tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác khuyến nông, tăng chất lượng các dịch vụ và tăng sự hài lòng của nông dân”, ông Thông nói.

Đánh giá cao những đóng góp của lực lượng khuyến nông trong phát triển sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh: Đổi mới công tác khuyến nông là rất cần thiết để nâng cao chất lượng và hiệu quả, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ của ngành và nguyện vọng của bà con nông dân trong thời kỳ mới.

Theo đó, lực lượng khuyến nông cần bám sát chiến lược phát triển của ngành nông nghiệp đến năm 2020, đặc biệt là chủ trương tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới để xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án khuyến nông hiệu quả. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực đầu tư cho các sản phẩm hàng hóa có lợi thế cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ và những địa bàn còn tiềm năng phát triển; lựa chọn các tiến bộ khoa học công nghệ có khả năng bứt phá và sức lan tỏa mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ khuyến nông; thúc đẩy hoạt động tư vấn, dịch vụ khuyến nông, phấn đấu mỗi cán bộ khuyến nông phải là một “nhà tư vấn giỏi”.

“Đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động theo cách tiếp cận mới sẽ là chìa khóa của thành công. Cần kết hợp giữa khuyến nông “từ dưới lên” (theo nhu cầu của nông dân) và “từ trên xuống” (theo các chương trình, đề án trọng tâm của ngành); kết hợp giữa khuyến nông kỹ thuật với khuyến nông kinh tế thị trường; kết hợp giữa phương pháp khuyến nông truyền thống và hiện đại; giữa khuyến nông Trung ương và địa phương, giữa khuyến nông nhà nước và ngoài nhà nước, cần tránh làm theo lối mòn hoặc mang tính hành chính, xa rời thực tế”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh khẳng định.

“Hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong thời gian tới nên dựa theo 3 nguyên tắc: Thứ nhất, phải coi nông dân là khách hàng, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của họ, coi trọng chất lượng hơn số lượng. Thứ hai, xây dựng mô hình, tập huấn kỹ thuật nên theo hướng “thắp sáng hơn đổ đầy”, nghĩa là nên chọn điểm nổi bật, những cây - con chủ lực để đầu tư, tránh dàn trải, đổ đồng. Và nguyên tắc thứ ba là chất lượng dịch vụ phải được đặt lên hàng đầu”.

TS.Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Theo Khánh Nguyên/kinhtenongthon.com.vn