Coi trọng việc phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn

(Ảnh minh họa: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)
Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn, chiều 11/6, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát tiếp tục trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đặt ra trong cuối phiên chất vấn sáng nay.

Quan tâm cung cấp sạch cho người dân

Trước băn khoăn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về nguồn thực phẩm cung cấp ra thị trường còn tình trạng bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định đây chính là mối quan tâm đặc biệt của ngành.

Bộ trưởng cho biết, để giám sát tình hình, Bộ đã ban hành 36 thông tư, 9 quy chuẩn, 20 tiêu chuẩn và 1 chỉ thị để tạo khung pháp lý cho vấn đề bày. Theo Bộ trưởng, những sản phẩm nông sản nông dân làm ra phục vụ cho chính mình thì tương đối đảm bảo nhưng nhưng nông sản dùng để lưu thông trên thị trường thì trong 1 số trường hợp bị ô nhiễm. 

Hiện, Bộ đang giám sát rất chặt chẽ vấn đề này. Qua giám sát đối với sản phẩm thịt, phát hiện 6,8 % là có nhiễm kháng sinh vượt mức cho phép; thủy sản là 1,24%; rau 5,4%... 

Tuy nhiên, Bộ trưởng nhìn nhận người dân hay nghe đến một số sự cố mất an toàn nên có tâm lý cho rằng nông sản thiếu an toàn, nhưng điều đó là hoàn toàn không chính xác vì Việt Nam xuất khẩu nông sản đến hơn 150 nước, trong đó có những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt như Mỹ, Nhật…

Khẳng định không chỉ giám sát thị trường xuất khẩu, Bộ trưởng cho biết ngành rất quan tâm tới việc đảm bảo an toàn cho người dân trong nước. Trong đó tập trung phổ biến cho nhân dân áp dụng các quy trình sản xuất; có sự giám sát và tạo sự liên kết với Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội là 2 địa bàn lớn để hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm sạch.

Cần tiếp tục có chính sách giao khoán bảo vệ rừng hợp lý

Trả lời câu hỏi của đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) về chính sách giao khoán bảo vệ rừng và làm sao để người dân sống được trong công việc này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định đã có chủ trương giao khoán bảo vệ rừng cho nhân dân nhằm tạo điều kiện cho họ có thêm thu nhập. Chủ trương này đã được thực hiện hơn 10 năm qua và lúc đầu là 50 nghìn đồng/ha, nhưng thời giá thay đổi nâng lên 100 nghìn, 200 nghìn, gần đây có nơi là 400 nghìn đồng/ha.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình một nghị định mới về chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với hỗ trợ xóa đói giảm nghèo đồng bào các dân tộc và những vùng khó khăn. 

Nghị định sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới đây, thì mức khoán bảo vệ rừng sẽ nâng lên 400 nghìn đồng/ha. Mặt khác, ngoài chính sách khoán bảo vệ rừng, còn một nguồn khác quan trọng là thu phí dịch vụ môi trường rừng. Tức là nhân dân bảo vệ rừng để có nước cho nhà máy thủy điện hoạt động thì họ phải nộp 20 đồng/kwh vào quỹ. 

Các địa phương dùng số tiền quỹ đó, quay trở lại khoán cho nhân dân bảo vệ rừng, để tăng thêm nguồn thu nhập. Nhiều nơi hiện nay đã khoán cho nhân dân với mức từ 300-400 nghìn đồng/ha.

Giải trình câu hỏi của đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) và một số đại biểu khác về việc làm rõ trách nhiệm tại sao sau 2 năm mới trồng mới được 3.400ha rừng, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: trách nhiệm trồng rừng thay thế trước hết thuộc về các doanh nghiệp. Thứ hai là trách nhiệm của lãnh đạo chính quyền địa phương, những tỉnh có dự án trồng rừng thay thế, nhưng lại chậm giải quyết vấn đề đất đai và đôn đốc thực hiện. Thứ ba, trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc ban hành các chỉ thị thực hiện.

Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cử các đoàn công tác đi kiểm tra từng danh mục, từng dự án và đôn đốc việc trồng rừng thay thế. Tuy nhiên, đến nay kết quả thực hiện trồng rừng thay thế vẫn còn chậm. Đó là trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đôn đốc thiếu quyết liệt trước kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13. 

Còn từ sau kỳ họp thứ 8, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã làm rất quyết liệt trong việc chỉ đạo trồng rừng thay thế và sẽ tiếp tục thực hiện điều này trong thời gian tới- Bộ trưởng thẳng thắn cho biết.

Cử tri và đại biểu Quốc hội quan tâm đặc biệt tới vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn

Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Đảng và Nhà nước có chủ trương nhất quán coi trọng và phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là vấn đề chiến lược trong lịch sử và cả tương lai. 

Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nhận được 38 lượt đại biểu chất vấn và chất vấn lại với gần 60 câu hỏi đã thể hiện mối quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước về vấn đề này. Các câu hỏi đã trúng lĩnh vực, đặt ra những vấn đề tồn tại và nhìn tới chiến lược phát triển ngành trong thời gian tới.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là nhà chính sách vĩ mô nhưng cũng là chuyên gia sâu sắc, am hiểu về lĩnh vực ngành quản lý. Bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về những yếu kém và đưa ra được những giải pháp và quyết tâm thực hiện giải pháp. Đó chính là điều người dân mong đợi.

Chủ tịch Quốc hội đã nhắc lại các vấn đề lớn đặt ra đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn qua phiên chất vấn. Đó là tái cơ cấu ngành nông nghiệp; đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng “liên kết 4 nhà”; giải pháp ổn định đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp; giải pháp tiêu thụ sản phẩm và quy hoạch; hỗ trợ ngư dân khai thác nguồn lợi thủy sản, bảo vệ và phát triển ngư trường./.
theo vietnamplus